Tiếp tục chủ động xử lý các hành vi kích động phá rối

Cập nhật 20/6/2018, 13:06:21

Viện cớ Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và bàn về dự thảo Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt, một số đối tượng đã xúi giục, kích động, biểu tình, gây rối

Tại Lâm Đồng, vào những ngày cuối tuần vừa qua, cơ quan Công an đã liên tiếp phát hiện một số đối tượng có biểu hiện chống phá Đảng và Nhà nước, có những hành vi đi ngược lại lợi ích của đất nước và sự mong mỏi của đông đảo người dân.

Lúc 10h30 ngày 17/6, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn 3 đối tượng đang phát tán tài liệu tuyên truyền có nội dung kích động biểu tình tại một quán nước trước rạp chiếu phim Ba Tháng Tư, thuộc khu Hòa Bình, trung tâm TP Đà Lạt.

Các đối tượng được xác định gồm, Vũ Thị Thanh Thương (47 tuổi), Đỗ Văn Quyết (37 tuổi) và Vũ Anh Tuấn (29 tuổi), cùng trú tại phường 5, TP Đà Lạt. Trước hành vi vi phạm pháp luật này, lực lượng chức năng đã yêu cầu các đối tượng về Công an tỉnh làm việc.

Bước đầu, Đỗ Văn Quyết khai nhận, sau buổi lễ tại nhà thờ vào sáng cùng ngày, đối tượng này đã cầm đầu, đứng ra tổ chức và chuẩn bị tài liệu rồi rủ nhau ra trước rạp chiếu phim Ba Tháng Tư phát tán, kêu gọi mọi người tụ tập biểu tình bất hợp pháp lấy cớ là phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Trước đó, ngày 10/6, tại nhà triển lãm khu Hòa Bình, TP Đà Lạt, 3 đối tượng khác là Huỳnh Khánh Kim Long (30 tuổi), Hoàng Ngọc Phúc (49 tuổi) cùng trú tại TP Đà Lạt và Vũ Công Bích (28 tuổi) trú tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã trưng 2 biểu ngữ có nội dung phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Hành vi sai trái của các đối tượng này đã bị người dân khuyên ngăn, yêu cầu chấm dứt để không gây ảnh hưởng xấu tới người khác, làm xáo trộn cuộc sống của TP Đà Lạt vốn bình yên, hiền hòa và thân thiện. Sự việc trên cũng đã được Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Theo cơ quan Công an, Hoàng Ngọc Phúc là đối tượng “cốt cán” trong tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Phúc đã bị cơ quan chức năng xử lý hành chính nhiều lần. Ngoài ra, đối tượng này còn có hành vi làm giả quyết định của một tổ chức tôn giáo quốc tế và tự phong là Phó Chủ tịch Hội Từ thiện quốc tế.

tiep tuc chu dong xu ly cac hanh vi kich dong pha roi hinh 1
Ba người trong một quán bún đang chuẩn bị các tài liệu để kích động biểu tình.

Một vụ việc khác tương tự xảy ra vào ngày 11/6, tại một quán bún ở  phường 6, TP Đà Lạt. Vào thời điểm trên, 3 đối tượng đang loay hoay viết, vẽ 10 biểu ngữ có nội dung phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng để chuẩn bị ra khu Hòa Bình tổ chức kích động biểu tình thì bị cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, thu giữ. Hiện tất cả các đối tượng của 3 vụ việc này đang được Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra, xử lý theo pháp luật.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, ngoài Phạm Thị Thu Thủy (44 tuổi, quê Tiền Giang), Lê Trọng Nghĩa (31 tuổi, quê Long An) và Lê Văn Thanh (30 tuổi, quê Tiền Giang) bị Công an quận Bình Tân khởi tố ngày 19/6, Công an quận 3 (TP Hồ Chí Minh) cũng đã khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ 4 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, quê Bắc Giang), Nguyễn Huỳnh Đức (18 tuổi, quê Sóc Trăng), Bùi Văn Tiến (17 tuổi, quê Tiền Giang) và Trương Ngọc Hiền (21 tuổi, quê Thừa Thiên Huế). Trong các đối tượng này thì Tuấn có 3 tiền án về tội “trộm cắp tài sản”.

Các đối tượng nói trên khi phải ngồi trong nhà tạm giữ mới thấm dần chuyện, chỉ vì món lợi nhỏ mà giờ công việc bị mất, kinh tế gặp khó khăn.

Ngoài các đối tượng là thành phần bất hảo, trộm cắp, nghiện ngập còn có những công nhân, người làm thuê nhưng mục đích xuống đường quậy phá đều chung một điểm, đó là được “người lạ” cho tiền để ăn uống, thỏa mãn cơn nghiện.

Tại cơ quan điều tra, Tuấn khai những lần thấy mọi người xuống đường, Tuấn cũng mon men theo và gặp một số người lạ kích động kêu Tuấn đập phá.

Những người lạ tiếp cận Tuấn và gần đây nhất, Tuấn được một người xưng tên Nguyễn Thị Hồng tiếp cận và hẹn tại Công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình). Người phụ nữ này đưa cho Tuấn khẩu hiệu viết sẵn kêu Tuấn đi theo đoàn người xuống đường. Khi kết thúc chuyến đi, Tuấn sẽ được nhận 400 ngàn đồng.

Khi xuống đường vì nghe những lời kích động, Tuấn đã dùng tuýp sắt đập phá 2 xe mô tô của tổ cảnh sát đang làm nhiệm vụ rồi tiếp tục cầm tuýp sắt đập phá chiếc xe buýt trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cùng hành động giống Tuấn là các đối tượng Đức, Tiến, Hiền dùng gạch đá, tuýp sắt đập phá 2 xe buýt.

Hàng loạt các đối tượng gây rối, chống người thi hành công vụ bị bắt, bị khởi tố khi đối mặt với pháp luật đều tỏ vẻ hối hận. Nếu như trước khi hành động họ đều nghĩ đến công việc, đến gia đình, mẹ già, con mọn thì có lẽ họ sẽ không bị kích động, bị lôi kéo, rồi hành động cảm tính để phải trả những cái giá như thế này.

Theo một cán bộ Công an quận 3, người dân cần có nhận thức đúng đắn, hiểu được việc mình đang làm. Đừng để những kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động rồi gây ảnh hưởng đến chính bản thân mình, gây phức tạp về an ninh trật tự cho xã hội.

Trên không gian mạng xã hội, nhất là Facebook, một số đối tượng đã sử dụng hình ảnh hàng chục nghìn người tập trung tại quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt để cổ vũ cho đội tuyển U23 Việt Nam gặp U23 Uzbekistan trong trận chung kết U23 Châu Á vào tháng 1/2018 để đánh lừa dư luận rằng, người dân Đà Lạt “đang nổi dậy biểu tình”.

Các đối tượng đã bóp méo sự thật, sử dụng hình ảnh này với nội dung “Rừng người biểu tình tại Đà Lạt hôm nay”. Hành vi trơ trẽn trên của kẻ xấu nhanh chóng bị người dân Đà Lạt tẩy chay, lên án mạnh mẽ trên các trang mạng cá nhân và diễn đàn.

Hiện Công an tỉnh Lâm Đồng đang truy tìm các đối tượng cố tình tung tin thất thiệt, sai sự thật, gây tâm lý bức xúc trong nhân dân để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phòng ngừa, không để xảy ra những tình huống bị động, bất ngờ do kẻ xấu lợi dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về chính trị, kinh tế, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Do đó, khi những nhóm quá khích đến nơi đông người tổ chức kích động, lôi kéo đã không có một ai tham gia hưởng ứng, thậm chí chúng còn bị người dân tẩy chay, cảnh báo răn đe.

Anh Nguyễn Văn Tình, một người dân Đà Lạt chia sẻ: “Đất nước đã phải chịu quá nhiều đau thương, mất mát mới có được thời kỳ bình yên để người dân được hưởng yên ổn làm ăn như hôm nay. Không có lý do gì để tụ tập biểu tình, gây rối. Tôi kịch liệt phản đối một số người cầm băng rôn, rải truyền đơn kêu gọi biểu tình ở khu Hòa Bình vừa qua!..”.

Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, ngoài những đối tượng nêu trên, tại Lâm Đồng vẫn còn các đối tượng đang âm thầm hoạt động, tìm cơ hội để kích động, lôi kéo người dân tham gia chống phá Đảng và Nhà nước. Qua sự các việc trên, người dân cần đề phòng, nâng cao cảnh giác, không để lòng yêu nước chân chính của mình bị lợi dụng, “sập bẫy” các đối tượng có tư tưởng xấu, có hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với mong muốn của nhân dân cả nước.

VOV.


Lượt xem: 18

Trả lời