Phạt người không mang bản chính đăng ký xe: Bộ Tư pháp nói gì?

Cập nhật 21/7/2017, 07:07:59

Theo đại diện Bộ Tư pháp, nếu tiếp tục phạt lái xe không mang bản chính đăng ký xe thì sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động tài chính kinh tế.

Tại buổi họp báo thường kỳ sáng 20/7, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ này nhận thấy có nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không mang bản chính giấy đăng ký xe. Trong đó, nhiều trường hợp là ô tô đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Bộ Tư pháp đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.

bo tu phap noi gi viec xu phat lai xe khong mang ban goc dang ky xe hinh 1
Ông Đặng Thanh Sơn trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: Zing)

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết, hiện có 1,3 triệu phương tiện đang được thế chấp tại ngân hàng, sử dụng bản sao có công chứng, chứng nhận của tổ chức tín dụng giấy tờ xe.

Việc Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện không mang theo bản chính đăng ký xe khiến dư luận hoang mang, nhiều người có ý định mua ô tô, xe máy theo hình thức thế chấp đã do dự nên phải dừng lại vì sợ bị CSGT xử phạt. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cũng đã có ý kiến để giải quyết vướng mắc.

Theo ông Sơn, đây là vấn đề liên quan tới nhiều quy định pháp luật như: giao dịch bảo đảm, giao thông đường bộ có quy định phải mang theo giấy đăng ký xe, pháp luật về chứng thực quy định bản sao có giá trị sử dụng thay bản chính… Tuy nhiên tất cả các luật này đều có thêm câu “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Qua thực tiễn cho thấy, việc CSGT xử phạt là có cơ sở pháp lý. Các tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy tờ xe xuất phát từ yêu cầu thực tiễn là bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh, tránh rủi ro cao và tránh phát sinh nợ xấu. Từ đó cho thấy, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Hơn nữa, việc xử phạt sẽ mang tính tiêu cực tới đời sống kinh tế của người dân, người dân có thể không vay vốn nữa.

“Quy định pháp luật chưa thống nhất đồng bộ, chưa phải rõ ràng minh bạch để ai cũng có thể hiểu một cách giống nhau. Nếu tiếp tục xử phạt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không mang giấy đăng ký xe bản chính mà chỉ mang theo giấy đăng ký xe bản sao, được chứng thực và có các nhận của tổ chức tín dụng có thể sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động tài chính kinh tế, người dân có thể không thế chấp để vay vốn mua phương tiện giao thông”- ông Sơn nói.

Theo vị Cục trưởng, trên cơ sở các ý kiến phản ánh, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này./.

VOV.


Lượt xem: 23

Trả lời