Người livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” lên Facebook sẽ bị xử lý thế nào?

Cập nhật 17/11/2017, 08:11:25

Hành vi livestream phim “Cô ba Sài Gòn” của nam thanh niên có thể bị phạt 15 triệu – 30 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên tới vụ việc livetream phim “Cô Ba Sài Gòn” lên Facebook, chiều 15/11 Phòng An ninh bảo vệ chính trị nội bộ (PA83) – Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mời anh Nguyễn V.Tr (19 tuổi, sinh viên một trường Cao đẳng Công nghệ thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lên làm việc.

nguoi livestream phim co ba sai gon len facebook se bi xu ly the nao hinh 1
Đại diện nhà sản xuất bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” làm việc với cơ quan Công an.

Theo tường trình ban đầu của anh Tr, trưa 13/11, anh  cùng bạn gái mua vé xem phim Cô Ba Sài Gòn ở một rạp chiếu phim tại TP Vũng Tàu. Tại đây, Tr. dùng điện thoại iPhone7 của bạn gái livestream cảnh phim “Cô Ba Sài Gòn” đang chiếu lên trang Phim+ trên mạng xã hội facebook.

Trang này lại do Tr. và một người bạn là quản trị. Khi phát livestream được khoảng 30 phút thì có nhân viên của rạp đi vào kiểm tra nên Tr. đã ngắt phát trực tiếp. Sau đó, nhân viên của rạp phim đã mời Tr. ra ngoài làm việc và lập biên bản sự việc. Tr. đã gỡ đoạn phim chia sẻ trên trang mạng xã hội.

Sau khi sự việc xảy ra, đơn vị phát hành bộ phim Cô Ba Sài Gòn cho biết đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý người phát tán phim này. Theo các thông tin từ phía  nhà sản xuất bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đã bị thiệt hại ước tính vào khoảng 250 triệu đồng sau khi nội dung bộ phim bị phát tán trên mạng xã hội.

Đối với hành vi dùng điện thoại quay clip lại phim “Cô Ba Sài Gòn” rồi phát tán trên facebook, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông khi chưa có sự đồng ý, là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu thì: “Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này”.

Theo đó, chỉ có tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Bên cạnh đó, Khoản 10 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ quy định rõ hành vi nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì: “Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định”.

Như vậy, trong trường hợp này, nam thanh niên trên có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi phát trực tiếp bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” lên mạng xã hội facebook. Ngoài ra, nam thanh niên còn bị buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, nếu gây thiệt hại thì còn phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự trong trường hợp bên bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường.

Đối với hành vi duyệt đăng clip trên fanpage facebook, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với chủ của các trang fanpage có duyệt đăng hành vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện với hình thức phạt tiền.

Theo đó, hành vi: “Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;” (điểm b khoản 3 Điều 66) sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Các luật sư cũng khẳng định, trong trường hợp cơ quan điều tra, làm rõ, phát hiện việc nam thanh niên thực hiện phát trực tiếp bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” lên mạng xã hội nhằm mục đích thương mại thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170a BLHS hiện hành.

Theo quy định tại Điều 170a BLHS thì trong trường hợp nêu trên thì nam thanh niên này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm; hoặc có thể bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm./.

VOV.


Lượt xem: 43

Trả lời