Cụm đá đại đoàn kết – Nơi hội tụ của 54 dân tộc anh em

Cập nhật 24/1/2014, 10:01:34

Kể từ khi ra đời, Ðảng  ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt giai tầng, xã hội, dân tộc, tôn giáo đã đồng lòng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám  năm 1945 cùng 02 cuộc kháng chiến trường kỳ cứu nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Xác định được ý nghĩa quan trọng đó, trong quá trình triển khai xây dựng quảng trường Đại đoàn kết, tỉnh Gia Lai quyết định đưa hạng mục “Cụm đá đại đoàn kết” trở thành một trong những điểm nhấn tại quảng trường. Đây là ý tưởng rất độc đáo, mang đậm ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.  

Cụm đá, tại Quãng trường Đại đoàn kết. 

 

Rộng hơn 12ha, quảng trường Đại đoàn kết nằm ở vị trí đắc địa nhất của thành phố Cao nguyên xinh đẹp quanh năm đầy nắng và gió. Đây được xem là trung tâm văn hóa, tâm linh, du lịch, hội tụ đầy đủ các yếu tố thẫm mĩ, khoa học, giáo dục không chỉ ở Gia Lai mà còn là của Tây Nguyên. Đến nơi đây, mỗi người như được hòa mình vào những khúc tráng ca bất tử về quá khứ hào hùng tiền nhân, của lớp lớp thế hệ người Kinh, Ba na, Jrai, Xê Đăng, Ê đê đã và đang làm nên lịch sử cho vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

 

Là người đi du lịch nhiều nơi Ông Phạm Đức Long – Du khách Hà Nội cho biết: “Tôi đi rất nhiều nơi rồi nhưng quảng trường ở Gia Lai là đẹp nhất. Tượng Bác Hồ rất vĩ đại đứng giữa quảng trường, giữa lòng dân Tây Nguyên phù hợp với nguyện vọng của người dân được đón Bác về cũng như mong ước của Bác được về với Tây Nguyên”.

 

Tại quảng trường Đại đoàn kết có khá nhiều hạng mục được đánh giá cao như tượng Bác Hồ được làm bằng đồng dày 5 ly, cao 10,8 mét, đặt trên bệ 4,5 mét, bức phù điêu bằng đá cách điệu hình những cánh sen dài 58 mét, cao 11 mét ôm vòng quanh tượng Bác. Nằm trong những điểm nhấn ấy là “Cụm đá đại đoàn kết” được hình thành bởi 54 trụ đá Bazan biểu trưng cho 54 dân tộc anh em đang đoàn kết, một lòng quanh vị Cha già dân tộc. Đây là những trụ đá được lấy từ vùng đất Kbang và Kông Chro, cái nôi tinh thần đoàn kết đánh đuổi giặc Pháp xâm lược đồng thời cũng là quê hương anh hùng Đinh Núp. Cụm đá xếp 3 lớp cao dần lên, gắn liền với 54 thảm cỏ xanh, biểu thị sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây là công trình được hội đá quý Việt Nam công nhận là cột đá ghép nhiều trụ đá nhất Việt Nam. Như bó đũa lớn vững chãi đứng cùng thời gian, cụm đá đại đoàn kết là minh chứng hùng hồn, giá trị về  tinh thần đoàn kết, gắn bó của các dân tộc anh em ở khắp mọi miền Tổ quốc.

 

Tìm hiểu thêm về ý nghĩa của các cụm đá chúng tôi được Ông Xuân Vũ – Giám đốc sở VHTT-DL chia sẻ: “Gia Lai có đá bazan rất quý. Do vậy trong quá trình làm quảng trường, vị chủ tịch hội đồng nghệ thuật đã đưa ra ý tưởng sử dụng đá bazan để dựng nên cụm đá đại đoàn kết với 54 cột biểu trưng cho 54 dân tộc anh em. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã về Hà Nội, thử nghiệm trên mẫu và làm thực tế với cụm đá gồm 3 tầng, 54 cột, tượng trưng cho các dân tộc anh em quanh Bác Hồ”.

 

 

Với góc độ người dân sinh sống tại Plei ku, Ông Lê Hồng Danh – Phường Tây Sơn – Pleiku có suy nghĩ: “Việc đặt cụm đá đại đoàn kết tại quảng trường là một ý tưởng độc đáo của tỉnh. Vì thông qua đó, giới thiệu sản vật quê hương đồng thời giáo dục truyền thống đoàn kết của nhân dân Việt Nam, 54 dân tộc anh em trong các cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược. Giúp con cháu đời sau hiểu rõ hơn giá trị đại đoàn kết..”.

 

Ðại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu được gìn giữ, hun đúc qua hàng nghìn năm đấu tranh bảo vệ và phát triển của Việt Nam từ bao đời nay. Tự thuở vua Hùng dựng nước cho đến khi có Đảng ta dẫn đường, tinh thần đại đoàn kết vẫn luôn là điểm sáng soi đường cho các thế hệ cháu con, cho đồng bào các dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước. Đứng bên trái tượng Bác Hồ, “Cụm đá đại đoàn kết” là minh chứng hùng hồn về tinh thần đoàn kết giữa 54 dân tộc anh em trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, trong suốt chiều dài những tháng năm gian khổ chiến đấu với giặc đói, giặc dốt để tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên có được một tương lai tươi sáng như hôm nay./.

 

Thu Thủy-Thanh Sáng – Duy Linh


Lượt xem: 212

Trả lời