Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư xanh

Cập nhật 24/5/2022, 06:05:56

Tuần qua, Pandora đã trở thành nhà đầu tư xanh tiếp theo đổ bộ vào thị trường Việt Nam với vốn đầu tư 100 triệu USD.

Việt Nam là một mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đồng thời cũng là một điểm sáng về phát triển năng lượng tái tạo. Đó là thông tin được phản ánh rõ nét trên báo chí quốc tế hiện nay. Lý do này đã khiến dòng vốn đầu tư xanh đang tiếp tục được chuyển tới Việt Nam nhưng đồng thời cũng đặt Việt Nam đứng trước thử thách tương lai của một nền sản xuất bền vững phụ thuộc vào năng lượng tái tạo. Đó là những thông tin đáng chú ý về Việt Nam được một số trang báo quốc tế phản ánh tuần qua.

Tuần qua, Pandora – tập đoàn của Đan Mạch thuộc nhóm đi đầu trong việc áp dụng kinh doanh thân thiện với môi trường, đã trở thành nhà đầu tư xanh tiếp theo đổ bộ vào thị trường Việt Nam với vốn đầu tư 100 triệu USD. Theo tạp chí Jeweller, nhà máy sản xuất tại Việt Nam của Pandora được xây dựng theo tiêu chuẩn thân thiện môi trường của Hoa Kỳ, được vận hành bằng năng lượng tái tạo. Nhà máy có kế hoạch sản xuất 60 triệu món đồ trang sức hàng năm và sẽ tạo việc làm cho 6.000 lao động.

Ông Jeerasage Puranasamriddhi – Giám đốc điều hành Pandora cho biết: “Chúng tôi đã đi tìm kiếm ở nhiều nơi trước khi quyết định đến Bình Dương, Việt Nam. Việt Nam có lịch sử nghề thủ công phong phú và chúng tôi sẽ có thể tiếp cận số lượng lớn thợ thủ công ở đây. Bình Dương và VSIP có cơ sở hạ tầng tuyệt vời. Chúng tôi rất cảm ơn vì đã nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và từ khu công nghiệp VSIP”.

“Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty Đan Mạch, đặc biệt là do sự chuyển đổi xanh của nền kinh tế và chúng tôi rất vui khi thấy Pandora đưa ra quyết định đầu tư quan trọng này vào Việt Nam”, ông Kim Højlund Christensen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam bày tỏ.

“Tương lai sản xuất của Việt Nam phụ thuộc vao kế hoạch năng lượng tái tạo” – bài viết trên trang fibre2fashion nhận định, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với gần 60% hàng xuất khẩu là hàng hóa sản xuất cho các thương hiệu lớn, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đi cùng với áp lực phải đáp ứng nhu cầu và ưu tiên của các thương hiệu.

Bà Caitlin Wiesen – Trưởng Đại diện Thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy là Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư vào tăng trưởng xanh cho tương lai. Một trong những lĩnh vực chúng tôi thấy rất cần thiết là cần có mô hình quản trị mới nếu muốn đạt những mục tiêu tăng trưởng xanh. Quản trị sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực môi trường và vượt qua các rào cản đối với năng lượng tái tạo để chúng ta có thể thực sự phát huy tiềm năng của tăng trưởng xanh một cách đầy đủ tại Việt Nam”.

“Chúng tôi có một ủy ban năng lượng rất tích cực và nhiệm vụ của ủy ban này là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam thông qua hướng tới một ngành năng lượng bền vững và hiệu quả. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều cơ hội cho các công ty Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam bằng cách sử dụng các dịch vụ cũng như công nghệ cao của họ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam”, bà Mary Tarnowka – Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhận định.

Nhiều nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế tiếp tục nhấn mạnh với cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc Việt Nam giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này phù hợp với tinh thần và kế hoạch của các thương hiệu quốc tế có nhà máy sản xuất hoặc nhà cung ứng tại Việt Nam, đưa hoạt động giảm phát thải của chuỗi cung ứng trở thành trung tâm của chiến lược khử carbon.

Theo VTV


Lượt xem: 4

Trả lời