Việt Nam kiểm soát tốt nợ nước ngoài

Cập nhật 27/1/2021, 07:01:30

Chỉ tiêu trần nợ nước ngoài quốc gia so với GDP đến cuối năm 2020 được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Theo thông tin từ đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và đổi mới trong quản lý nợ, đặc biệt là quản lý nợ nước ngoài.

Việc quản lý hiệu quả vay nợ nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo vay nợ nhiều trở thành một nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là có mức nợ nước ngoài bền vững, trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm bị gánh nặng về nợ.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn hoàn thiện khuôn khổ chính sách đáp ứng bối cảnh mới cũng như cho quản lý nợ trong giai đoạn trung và dài hạn.

Chỉ tiêu trần nợ nước ngoài quốc gia so với GDP đến cuối năm 2020 được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Nợ nước ngoài của khu vực nợ công (bao gồm nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh) được kiểm soát chặt chẽ.

Việt Nam kiểm soát tốt nợ nước ngoài - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Báo ĐCSVN.

Cần có lộ trình tự do hóa dòng vốn vay nước ngoài

Nợ vay nước ngoài quốc gia trên GDP không được vượt 50% và nợ vay nước ngoài trên xuất khẩu không được vượt 25%. Đây là 2 mức trần khống chế lượng vốn vay nước ngoài của Việt Nam, đối với cả khu vực công và các doanh nghiệp tư nhân tự vay tự trả. Dù đã áp dụng được 18 năm nay, nhưng với nhu cầu vốn phục vụ phát triển hiện nay những chỉ tiêu cứng như vậy cần được xem xét lại. Đây cũng là một trong những nội dung của buổi hội thảo do Bộ Tài chính phối hợp với ADB và IMF tổ chức.

Theo khuyến nghị của IMF, như nhiều quốc gia có mức độ tiếp cận thị trường vốn quốc tế tương tự Việt Nam thì mức trần cứng đã không còn phù hợp và chỉ dành cho nước có thu nhập thấp, vì vậy đòi hỏi các công cụ quản lý rủi ro mềm hơn.

Tuy nhiên, các ý kiến đều đồng tình, cần có một lộ trình dài hơi, một khung chính sách thận trọng đối với việc tự do hóa dòng vốn vay nước ngoài, chứ không thể thực hiện ngay lập tức.

Trước mắt vào tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nguyên tắc tách bạch quản lý nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư và cân nhắc bỏ mức trần đối với khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp mà không được Chính phủ bảo lãnh, theo một lộ trình phù hợp.

Theo VTV


Lượt xem: 10

Trả lời