“Trải thảm” cho doanh nghiệp khoa học công nghệ: Muộn còn hơn không

Cập nhật 01/3/2019, 09:03:24

Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, ưu đãi tín dụng… được coi là những nỗ lực của Chính phủ quyết không lỡ chuyến tàu 4.0.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 13/2019 ưu tiên các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), theo đó doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng sản phẩm khoa học và công nghệ sẽ được miễn nhiều loại thuế, cho vay vốn và nhiều biệt đãi về thuê đất đai…

"trai tham" cho doanh nghiep khoa hoc cong nghe: muon con hon khong hinh 1
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN theo Quyết định số 13/2019.

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

Cụ thể, Chính phủ sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập của doanh nghiệp KH&CN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp KH&CN được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp KH&CN, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp khoa học và công nghệ được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các doanh nghiệp sẽ được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn.

Doanh nghiệp KH&CN có dự án khả thi được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc bảo lãnh để vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Doanh nghiệp được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp.

Doanh nghiệp KH&CN sẽ được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật về lệ phí trước bạ…

"trai tham" cho doanh nghiep khoa hoc cong nghe: muon con hon khong hinh 2
Ông Nguyễn Thịnh, Trưởng Ban thị trường, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế là rõ ràng nhưng đi vào cuộc sống đang còn khoảng cách. Một số nơi còn tầm thường hóa KH&CN.

Ông Nguyễn Thịnh, Trưởng Ban thị trường, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết, trước khi quyết định 13/2019 ra đời, mặc dù cũng có chủ trương ưu tiên phát triển KH&CN nhưng thiếu cụ thể nên rất khó để tới được doanh nghiệp. Chẳng hạn như trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Đây có thể coi là thị trường lớn nhất của Việt Nam khi ngay nhu cầu nội địa cũng khoảng 40 tỷ USD nhưng thị phần doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh mới đạt khoảng 30-40%.

“Các chủ đầu tư các dự án có vốn trong nước chưa tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu. Có dự án, Việt Nam hoàn toàn làm chủ về công nghệ để triển khai thì lại để đối tác nước ngoài, thậm chí công nghệ còn lạc hậu hơn”, ông Thịnh cho hay.

Ông Đoàn Quốc Long, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng PNB Paribas đánh giá, Việt Nam là một trong số những quốc gia có sự tiếp cận khá nhanh và cởi mở đối với công nghệ mới.

“Trong bối cảnh hiện nay, bất cứ quốc gia nào, doanh nghiệp nào không muốn đổi mới sáng tạo, cập nhật công nghệ mới là tự đào thải mình. Những người đứng đầu của Việt Nam đều có chủ trương và quyết tâm bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0. Điều cần nhất hiện nay là đường lối thực hiện rõ ràng và kèm với đó là quyết tâm thực hiện đến cùng không chỉ đối với cơ quan quản lý, mà còn cả với giới khoa học và doanh nghiệp”, ông Long phân tích.

FIRST là dự án hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế do Ngân hàng thế giới tài trợ.

Theo TS Hồ Ngọc Luật, chuyên gia tư vấn Ban quản lý Tiểu dự án FIRST-NASATI, Bộ KH&CN, “trải thảm” cho các doanh nghiệp KH&CN hiện giờ tuy là chậm, nhưng cũng vô cùng cần thiết và là món quà đáng quý cho doanh nghiệp.

 “Trong năm qua, một loạt động thái từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam trong việc đầu tư, phát triển KH&CN cũng như nhiều hoạt động ứng dụng vào nông nghiệp, logistics, tài chính… đã cho thấy việc nhận thức của các đơn vị, tổ chức với KH&CN đã có bước tiến lớn đáng ghi nhận. Với những hỗ trợ cụ thể mới, thị trường KH&CN cũng như hoạt động của doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới sẽ sôi động hơn”, ông Luật cho biết./.

Theo VOV


Lượt xem: 11

Trả lời