Tới 2020, khoảng 60% dân Việt dùng internet: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Cập nhật 26/10/2017, 07:10:26

Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia trong đó lực lượng chủ lực khởi nghiệp sẽ là các doanh nghiệp số.

Chủ động tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển đổi sang doanh nghiệp số sẽ là điều kiện để Việt Nam tối ưu hóa cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0. Nhận định này được đưa ra tại Hội nghị Doanh nghiệp số 2017 – “Kỷ nguyên Số và Quốc gia khởi nghiệp”, do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 25/10, tại Hà Nội.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ ở hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại…Từ đó tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt, thể hiện rất rõ giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới. Nếu không chủ động, doanh nghiệp nội có nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực ngày càng mạnh.

doanh nghiep so toi uu hoa co hoi tu cach mang 4.0 hinh 1
Hội nghị doanh nghiệp số 2017 – Kỷ nguyên số và quốc gia khởi nghiệp.

Việt Nam có nhiều yếu tố quan trọng là tiền đề cho việc làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng lần thứ 4. Ngành công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng lên đến 16% và đứng trong top 5 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới…

Tuy nhiên, theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Công ty Nghiên cứu người tiêu dùng Nielsen Việt Nam, so với ngay trong khu vực thì Việt Nam chưa phải là nước đứng đầu trong phát triển công nghệ số hóa. Doanh nghiệp cần chủ động hơn tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển giao công nghệ cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số sẽ là điều kiện để Việt Nam tối ưu hóa cơ hội từ cuộc cách mạng này.

“Dự báo đến năm 2020, tỷ lệ người dân tiếp cận mạng internet lên đến 60%, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh chiếm trên 80% ở thành phố lớn và 60% ở nông thôn. Đây mới chỉ là điều kiện cần thôi, quan trọng là doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội và tận dụng không. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, nắm vững số liệu khách hàng sử dụng là chìa khóa thành công. Cần phải hệ thống cơ sở dữ liệu, hành vi tiêu dùng của khách hàng và đưa ra chiến lược cụ thể”, bà Hà cho biết.

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, dự báo doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2017 đạt hơn 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm. Riêng doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm 2017 dự báo đạt 76 triệu USD.

36% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam được tạo ra thông qua điện thoại di động. Đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp khởi nghiệp với mô hình digital hub – cổng kết nối tri thức, dữ liệu và tương tác toàn diện. Đây cũng là một nơi cung cấp kiến thức kinh doanh và các giải pháp kinh thông minh bằng công nghệ thông tin, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm khoa học tư duy (Bộ Khoa học – Công nghệ) cho biết, trong 5 năm trở lại đây xuất hiện làn sóng khởi nghiệp của các bạn trẻ trong lĩnh vực công nghệ, sáng tạo ra các phần mềm ứng dụng, tận dụng cơ hội lớn từ các nền tảng công nghệ số. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đưa nhanh nhất các dự án vào Việt Nam là cầu nối tốt đưa số hóa vào Việt Nam.

“Số hóa cũng là chủ trương của Chính phủ thể hiện ở việc đầu tư vào các khu công nghệ. Sắp tới trung tâm lập ra những cổng kết nối dữ liệu, phối hợp với một số tập đoàn đưa về từng tỉnh, về các trường đại học, chuyển giao công nghệ…”, ông Hòa cho biết.

Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia đang phát triển. Lực lượng chủ lực khởi nghiệp sẽ là các doanh nghiệp số. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp phải được tổ chức lại, cần có chính sách thiết thực của Chính phủ để hỗ trợ./.

Theo VOV


Lượt xem: 28

Trả lời