Thượng viện Mỹ cân nhắc cấp 30 tỷ USD để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất chip

Cập nhật 05/3/2021, 16:03:52

Nỗ lực này diễn ra giữa lúc ngành ô tô Mỹ phải “giảm tốc” sản xuất do thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu.

Thượng viện Mỹ đang xem xét đưa vào dự luật mới một khoản tài trợ trị giá 30 tỷ USD cho các biện pháp đã được phê duyệt trước đó, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp sản xuất chip của nước này trước các đối thủ Trung Quốc.

Nguồn tin giấu tên cho hay các nhà lập pháp đặt mục tiêu có một cuộc bỏ phiếu đầy đủ vào tháng 4 cho gói dự luật trên, trong đó bao gồm các biện pháp khác để thúc đẩy lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Hiện dự luật chưa được hoàn thiện.

Theo nguồn tin, gói dự luật do Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đứng đầu có thể bao gồm những điều khoản hạn chế Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ – một trọng tâm trong chính sách đối phó với Bắc Kinh của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Hồi tháng trước, ông Schumer cho biết đã chỉ đạo các nhà lập pháp soạn thảo một dự luật mới để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ trước các đối thủ đến từ Trung Quốc. Dự luật mới dựa trên một bộ luật mà ông và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Todd Young đã đề xuất vào năm ngoái, trong đó Chính phủ sẽ cấp 100 tỷ USD để thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ quan trọng, từ Trí tuệ nhân tạo (AI) đến điện toán lượng tử và sản xuất chất bán dẫn.

Văn phòng của ông Schumer cho biết gói dự luật này có thể được sử dụng như một phương tiện để cung cấp kinh phí khẩn cấp cho các chương trình sản xuất chất bán dẫn nằm trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng được thông qua hồi năm ngoái, nhưng hiện vẫn đang chờ được cấp tiền.

Một trong những chương trình đó sẽ cung cấp các khoản tài trợ cho các công ty đầu tư vào các nhà máy và thiết bị của Mỹ để sản xuất, thử nghiệm, nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn. Một chương trình khác sẽ hỗ trợ Chính phủ thiết lập quan hệ đối tác công tư để hình thành tập đoàn các công ty sản xuất vi điện tử có mức độ an toàn “có thể đo lường được”.

Ngành công nghiệp bán dẫn cũng đang thúc đẩy Chính phủ cấp tín dụng thuế cho chi tiêu mua sắm các công cụ bán dẫn, vốn có thể khiến các nhà máy mới tiêu tốn hàng tỷ USD và thường vượt xa chi phí của những tòa nhà cao tầng thông thường.

Nỗ lực này diễn ra giữa lúc ngành ô tô Mỹ phải “giảm tốc” sản xuất do thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu. Nhu cầu về chip nhớ đang tăng cao do nhu cầu về điện thoại di động và máy tính bùng nổ khi người tiêu dùng phải làm việc từ xa nhiều hơn trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Theo VTV


Lượt xem: 17

Trả lời