“Thủ tướng Phan Văn Khải đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế“

Cập nhật 21/3/2018, 10:03:40

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ, Thủ tướng Phan Văn Khải rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Với 15 năm tham gia điều hành Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải giữ chức Thủ tướng từ năm 1997-2006. Tham gia điều hành Chính phủ trong giai đoạn đất nước mở cửa, hội nhập, ông đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ là con người của cải cách, hội nhập.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển – nguyên thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chia sẻ với phóng viên VOV những kỷ niệm sâu sắc về Thủ tướng Phan Văn Khải trong thời kỳ kinh tế đối ngoại đầy sôi động này.

thu tuong phan van khai day manh tien trinh hoi nhap kinh te quoc te hinh 1
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về những dấu ấn trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải điều hành Chính phủ?

Ông Trương Đình Tuyển: Đầu những năm 1990, tư duy về hội nhập của Việt Nam chưa được sự đồng thuận cao như hiện nay. Tuy nhiên, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó là người rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh tiến trình hội nhập của Việt Nam, với bước mở đầu là việc đàm phán tham gia Hiệp định thương mại tự do song phương (BTA).

Là người trực tiếp đàm phán hiệp định này với Hoa Kỳ, tôi xác định, trước Việt Nam, chưa có quốc gia nào ký hiệp định BTA có nội dung phong phú theo đúng chuẩn mực của WTO như Hiệp định BTA giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chính vì thế, phía Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam đàm phán hiệp định vô cùng phức tạp.

Chính ở thời điểm này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kiên trì thuyết phục các thành viên Bộ Chính trị về các mức cam kết của nước ta để có thể ký kết được Hiệp định.

Trước đó, tiến trình đàm phán ra nhập WTO của Việt Nam rất trì trệ, do các Bộ, ngành muốn giữ quyền lợi của mình nên không chịu mở cửa theo yêu cầu của chuẩn mực Hiệp định WTO. Tôi đã phải đề nghị Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt hơn đối với các Bộ, ngành nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

PV: Cùng với việc kiện toàn Tổ nghiên cứu đổi mới, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã cho thành lập Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại. Xin ông cho biết cụ thể về điều này?

Ông Trương Đình Tuyển: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã lập ra Ban nghiên cứu của Thủ tướng bao gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Nguyên Thủ tướng cũng đồng ý cho Ban này mời một số chuyên gia nước ngoài hoạt động không thường xuyên theo các nội dung cụ thể, từ đó đưa ra những tư vấn kịp thời.

thu tuong phan van khai day manh tien trinh hoi nhap kinh te quoc te hinh 2
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng giao cho tổ này làm nhiệm vụ phản biện, và đây cũng là nhiệm vụ thường gây ra mâu thuẫn giữa ý kiến của Tổ tư vấn và giữa các Bộ khi trình dự án.

Tuy nhiên, nguyên Thủ tướng cũng rất coi trọng ý kiến phản biện cũng như cân nhắc rất kỹ, yêu cầu nếu Tổ tư vấn của Thủ tướng có ý kiến khác với các Bộ phải có sự trao đổi, làm rõ từng luận điểm để làm cơ sở cho Thủ tướng Quyết định, nên đây là tổ chức tương đối có hiệu quả.

PV: Thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải điều hành Chính phủ, giá trị xuất khẩu hết sức ấn tượng, đặc biệt là những sản phẩm nông nghiệp? Ông có thể chia sẻ về điều này?

Ông Trương Đình Tuyển: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực xuất khẩu của nước ta, nhất là khi xảy ra cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1997 – 1999, xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm rất mạnh, điều này khiến Thủ tướng vô cùng lo lắng.

Khi đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn luôn nhắc lãnh đạo Bộ Thương mại làm mọi cách để có thể đẩy mạnh xuất khẩu, trên cơ sở Ban Xúc tiến thương mại thành lập năm 2000, năm 2002 xuất khẩu của Việt Nam đã chính thức phục hồi.

Đặc biệt, xuất khẩu nông sản bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường thế giới, là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn về nông sản, hồ tiêu, hạt điều, cao su…

PV: Điều gì ông ấn tượng nhất trong các chính sách đối ngoại kinh tế của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải?

Ông Trương Đình Tuyển: Khi tôi sang Hoa Kỳ để đàm phán phiên cuối cùng trước khi Việt Nam gia nhập WTO, trong quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải đã ghi rõ: Cử ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ để đàm phán với Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.

Đây chính là quyết định rất quan trọng, cho phép tôi mở rộng quyền hạn để có thể sớm kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ vào tháng 5/2016, từ đó đi đến việc gia nhập WTO.

Bởi lẽ, Hoa Kỳ là đối tượng đàm phán khó khăn nhất, phức tạp nhất, cho nên khi chúng ta kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ, đã tạo ra động lực rất lớn, thúc đẩy rất nhanh việc Việt Nam ra nhập WTO.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Theo VOV


Lượt xem: 48

Trả lời