Thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm kỷ lục trong lịch sử vì COVID-19

Cập nhật 12/9/2021, 06:09:46

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong tháng 8 vừa qua, doanh số bán xe ô tô tại Việt Nam đã ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục trong lịch sử, kể từ năm 2015 đến nay.

Thị trường ô tô Việt Nam lao dốc tháng thứ 5 liên tiếp

Cụ thể, sáng 11/9 Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 8/2021 đạt 8.884 xe, giảm 45% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm về doanh số và cũng là tháng có doanh số kỷ lục thấp nhất trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay.

Trong tổng doanh số trên, có 6.231 xe du lịch, giảm 40%; 2.344 xe thương mại, giảm 55% và 309 xe chuyên dụng, giảm 33% so với tháng trước.

Thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm kỷ lục trong lịch sử vì COVID-19 - Ảnh 1.

Doanh số bán xe ô tô trong tháng 8 ghi nhận ở mức thấp kỷ lục. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Tính chung 8 tháng của năm 2021, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 175.400 xe các loại, giảm 13% so với 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19). Trong đó, xe ô tô du lịch đạt 121.549 xe, giảm 18%; xe thương mại đạt 50.034 xe, giảm 2% và xe chuyên dụng đạt 3.817 xe, tăng 1%.

Tuy nhiên, bên cạnh doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác như: Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.

Chỉ qua số liệu công bố chính thức từ TC Motor – đại diện thương hiệu Hyundai Thành Công trong tháng 8 vừa qua có doanh số bán 2.182 xe, cộng dồn 8 tháng của năm 2021 lên 40.248 xe các loại. Bên cạnh đó, VinFast cũng tiêu thụ 2.310 xe, nâng tổng doanh số của 8 tháng năm 2021 lên 22.030 xe được bàn giao đến tay khách hàng.

Nếu tính doanh số được công bố chính thức từ VAMA, TC Motor và VinFast, trong tháng 8/2021, thị trường ô tô Việt Nam có tổng cộng 13.376 xe được rời đại lý. Tính chung 8 tháng của năm 2021 từ 3 đơn vị này có tổng số 237.678 xe các loại được bàn giao đến tay khách hàng trong khắp cả nước.

Dẫn đầu doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô tại Việt Nam trong tháng 8 vừa qua, Toyota bất ngờ vượt qua Hyundai để vươn lên vị trí dẫn đầu toàn thị trường khi tiêu thụ được 2.257 xe đẩy Hyundai xuống vị trí thứ 2 khi tiêu được 2.182 xe. Các vị trí tiếp theo là Kia 1.538 xe, Mazda 868 xe, Honda 567 xe, Ford 477 xe…

Lý giải việc thị trường ô tô lao dốc trong những những tháng gần đây, VAMA cho biết, kể từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát vào ngày 27/4 đến nay, có nhiều nhà máy của thành viên VAMA đã có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất do thực hiện việc giãn cách xã hội.

Với những doanh nghiệp đã có thể hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bình thường thì lại gặp một trở ngại khác như số lượng xe tồn kho rất lớn do việc dừng hoạt động của các đại lý. Ước tính khoảng hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa và chưa thể mở cửa trở lại.

Cùng với đó, hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động do dịch COVID-19 và giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành phố trong cả nước. Có thể nói, chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%.

Doanh số các tháng bắt đầu đà giảm từ tháng 4 với 3,7% so với tháng 3, mức giảm của tháng 5 là 15% so với tháng 4, mức giảm của tháng 6 là 8% so với tháng 5, mức giảm của tháng 7 là 32% so với tháng 6 và mức giảm của tháng 8 là 45% so với tháng 7. Với doanh số tháng 8 như trên là doanh số ghi nhận kỷ lục thấp nhất trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Công (TC Motor) cho biết, do tác động từ đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch kéo dài trong cả tháng 8 nên doanh số của đơn vị này giảm 46% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng của năm 2021, sức tiêu thụ xe của đơn vị này đạt 40.248 xe, tương đương với cùng kỳ năm 2020.

Còn theo VinFast, bên cạnh việc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19, tháng 8 vừa qua cũng trùng với tháng “Ngâu”, đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ ô tô trên thị trường ô tô nói chung giảm và VinFast nói riêng giảm gần 39%…

Trước đó, các doanh nghiệp cũng dự báo những khó khăn do đại dịch gây ra và để kích cầu doanh số các hãng xe liên tiếp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ với mức giảm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo mẫu xe, nhưng doanh số bán xe vẫn không được như kỳ vọng.

Kỳ vọng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ

Từ khó khăn của đại dịch COVID-19, đầu tháng 8/2021, UBND các tỉnh Quảng Nam là nơi có nhiều nhà máy ô tô của Thaco và UBND tỉnh Ninh Bình là nơi có nhà máy ô tô Hyundai Thành Công – TC Motor đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; trong đó, đề xuất tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ để khuyến khích người tiêu dùng.

Thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm kỷ lục trong lịch sử vì COVID-19 - Ảnh 2.

Các chuyên gia nhận định, thị trường ô tô Việt Nam có thể sôi động trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa được Chính phủ ban hành ban hành ngày 9/9/2021; trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Dưới góc nhìn của chuyên gia về ô tô, anh Vĩnh Nam cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ này sớm có hiệu lực sẽ là cơ hội tốt cho người tiêu dùng mua sắm sau đợt dịch và cũng là cơ hội để giải phóng số lượng lớn xe tồn kho từ tháng 5 đến nay và cũng để doanh nghiệp tái sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo vị chuyên gia này, cùng với xe sản xuất lắp ráp trong nước, thị trường Việt Nam còn có xe ô tô nhập khẩu chiếm số lượng không nhỏ và các cơ quan chức năng cũng nên xem xét việc hỗ trợ một phần đối với các đơn vị nhập khẩu bởi dịch COVID-19 đều tác động tiêu cực lên tất cả các doanh nghiệp.

Lý do bởi, các xe nhập khẩu thời gian qua cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến giá thành do tác động từ việc thiếu chip sản xuất, chi phí logistics tăng cao cũng như các chi phí kho bãi, ngân hàng và các chi phí khác, nhưng giá bán xe cũng chưa điều chỉnh tăng do áp lực từ xe lắp ráp trong nước.

Cùng với việc giảm 50% lệ phí trước bạ, giới các chuyên gia cũng nhận định, thị trường ô tô Việt Nam có thể sôi động trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hết giãn cách xã hội ở các tỉnh thành phố và các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại mới có thể kích cầu được thị trường những tháng cuối năm. Bởi, giảm phí trước bạ nhưng người tiêu dùng vẫn còn khó khăn nên cũng rất khó kích cầu.

Theo VTV


Lượt xem: 11

Trả lời