Phạt đến 1 tỷ đồng nếu làm thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản

Cập nhật 22/11/2017, 08:11:07

Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, nâng mức xử phạt đến 1 tỷ đồng đối với hành vi làm thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản.

Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (21/11) với tỷ lệ tán thành gần 90% (437/441 số đại biểu tham gia biểu quyết).

Luật quy định Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

phat den 1 ty dong neu lam thiet hai den nguon loi thuy san hinh 1
Nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị khai thác quá mức – (Ảnh: Huy Hùng/Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQ), vì theo quy định của dự thảo Luật Quy hoạch thì quy hoạch này thuộc nhóm quy hoạch ngành quốc gia, không có quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản của từng địa phương.

Dự thảo luật cũng quy định nâng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân lên tối đa là 1 tỷ đồng đối với hành vi làm thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng, cũng như hành vi vi phạm các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

Về kiểm ngư, có ý kiến đề nghị chỉ thành lập kiểm ngư trung ương; ý kiến khác đề nghị thành lập kiểm ngư ở cả những tỉnh có sông, hồ lớn; có ý kiến đề nghị thảo Luật chỉ nên quy định chung về lực lượng kiểm ngư, còn hệ thống tổ chức, chế độ chính sách giao cho Chính phủ quy định.

Có 60,14% đại biểu Quốc hội đồng ý thành lập hệ thống kiểm ngư gồm kiểm ngư trung ương và kiểm ngư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương; giao Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống kiểm ngư.

UBTVQH cho rằng, việc quy định hệ thống kiểm ngư như vậy thể hiện được tính linh hoạt trong triển khai thực hiện là không bắt buộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đều phải có kiểm ngư, cũng không nhất thiết phải thành lập ngay.

Kiểm ngư được hình thành trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tại địa phương, số lượng biên chế sẽ được cân đối trong tổng biên chế của ngành nông nghiệp, do đó bảo đảm không tăng biên chế, bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Luật Thủy sản năm 2017 gồm 9 chương với 105 Điều, giảm 01 chương và tăng 43 Điều so với Luật Thủy sản 2003. Trong đó có một số thay đổi về kết cấu, bổ sung 01 Chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam. Bỏ 02 Chương: Hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; Khen thưởng và xử lý vi phạm./.
Theo VOV

Lượt xem: 20

Trả lời