Nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước không phải là nợ công

Cập nhật 23/11/2017, 13:11:42

Trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản. Do đó, không quy định nợ tự vay, tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công.

Sáng nay (23/11), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), với tỷ lệ tán thành 85,74%.

no tu vay tu tra cua doanh nghiep nha nuoc khong phai la no cong hinh 1
(Ảnh minh họa: KT)

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là các khoản vay thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp.

Trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Do đó, không quy định nợ tự vay, tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công, ông Hải cho hay, một vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ đầu mối quản lý nợ công.

Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ.

Luật quy định rõ: Nợ công bao gồm nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; và nợ chính quyền địa phương.

Trong đó, nợ Chính phủ bao gồm: Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ; Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài; Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm: Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

Nợ chính quyền địa phương bao gồm: Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Như vậy, nợ do doanh nghiệp Nhà nước tự vay tự trả sẽ không được tính vào nợ công. Theo quy định của Luật, Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công.

Nguyên tắc quản lý nợ công là kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Việc đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương vay, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, hiệu quả. Vay cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

Bên vay, bên vay lại, đối tượng được Chính phủ bảo lãnh chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ liên quan đối với khoản vay, khoản vay lại, khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.

Luật cũng quy định nguyên tắc bảo đảm chính xác, tính đúng, tính đủ nợ công; công khai, minh bạch trong quản lý nợ công và gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý nợ công./.

Theo VOV


Lượt xem: 36

Trả lời