Những dự án đường hàng chục năm vẫn “quẩn quanh” trên giấy

Cập nhật 23/10/2017, 08:10:44

Không ít công trình giao thông, dự án mở đường phục ở Hà Nội được phê duyệt, khởi công từ hàng chục năm trước đến nay vẫn nằm yên trên giấy.

Một thực tế đang xảy ra tại Hà Nội, mỗi khi các nhà máy, xí nghiệp vừa dời đi thì ngay lập tức các dự án chung cư, trung tâm thương mại thế chỗ. Trong khi đó, không ít công trình giao thông, dự án mở đường phục vụ nhân dân được phê duyệt, khởi công từ hàng chục năm trước, đến nay vẫn nằm yên trên giấy.

Đứng đầu danh sách những con đường ở Thủ đô có thời gian thi công dài nhất có thể kể đến Dự án đường giao thông quanh hồ Linh Đàm giai đoạn I, đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng-Giải Phóng (thuộc địa bàn quận Hoàng Mai).

Tại Dự án đường giao thông quanh hồ Linh Đàm giai đoạn I, nơi có Quyết định thu hồi đất từ năm 1994, triển khai thực hiện từ năm 2000 (thời điểm chưa thành lập quận Hoàng Mai), nhưng sau 23 năm, 200 mét đường vẫn còn dang dở. Sự chậm chạp, bế tắc của ban ngành liên quan đã làm nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ – Giải Phóng trở thành một trong những điểm “nóng” nhất về ùn tắc trên địa bàn thành phố.

nhung du an duong hang chuc nam van quan quanh tren giay hinh 1
Dự án thi công chậm, một số hạng mục hoen gỉ theo thời gian.

Đại diện Ban giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai cho biết, nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn không đồng thuận với phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư. Hiện, tại dự án này vẫn còn 5 hộ với khoảng 4.000 mét vuông đất (chủ yếu là đất vườn) chưa được giải phóng mặt bằng, bàn giao chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Minh Căn, Phó trưởng ban giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai cho biết, người dân đang kiến nghị về quy hoạch và quyết định thu hồi đất. Người ta cho rằng, quyết định thu hồi đất quá lâu, đã hết hiệu lực nên phải thực hiện tại thời điểm này.

“Về chính sách bồi thường người dân cho rằng chưa thỏa đáng vì nguồn gốc đất đã sử dụng từ năm 1976. Hiện nay Ban chỉ đạo và thành phố chưa thống nhất được quan điểm, chưaa đưa ra hướng giải quyết cụ thể”, ông Căn cho biết.

Tương tự, Dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng-Giải Phóng, chiều dài chỉ hơn 2km, tổng mức đầu tư dự toán ban đầu 1.300 tỷ đồng sau 15 năm triển khai vẫn là đoạn đường dở dang, nham nhở. Nhiều hạng mục, gói thầu xây lắp giữa chừng rồi phơi mưa phơi nắng.

Với tổng diện tích đất phải thu hồi để giải phóng mặt bằng trên 67.000m2, tuyến đường vành đai 2,5 Đầm Hồng – Giải Phóng chủ yếu nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai (58.000m2), phần còn lại thuộc địa bàn quận Thanh Xuân.

Theo phương án mở đường, quận Hoàng Mai có trên 500 hộ dân bị thu hồi đất để phục vụ xây dựng tuyến đường, nhưng đến nay việc chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng mới chỉ thực hiện được hơn một nửa, phần còn lại vẫn chưa đồng thuận với phương án của ngành chức năng.

Trong đó, điểm “tắc” nhất là tại phường Định Công (quận Hoàng Mai), hàng trăm hộ dân vẫn chưa đồng thuận. Nguyên nhân khiến tuyến đường chỉ dài 2,1km, vắt qua 15 năm mới triển khai được khoảng 1/3 khối lượng công việc là do “nghẽn” ở giải phóng mặt bằng.

Diện tích trong phạm vi dự án phần lớn là đất nông nghiệp, trải qua nhiều năm, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý để người dân xây dựng nhà cửa kiên cố, mua đi bán lại với giấy tờ viết tay, nên rất khó khăn trong việc áp giá đền bù.

Ông Nguyễn Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, đặc biệt là liên quan đến đối ứng, nguồn góc đất cũng như khó khăn trong hợp đồng dự án BT là nguyên nhân dân đến nhà đầu tư kéo dài thời gian thực hiện tiến độ dự án…

Việc các tuyến đường huyết mạch như Dự án đường giao thông quanh hồ Linh Đàm giai đoạn I, đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng-Giải Phóng hàng chục năm vẫn “quẩn quanh triển khai trên giấy” đã làm cho việc đi lại của người dân khu vực này rất khó khăn. Tại nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Giải Phóng, nơi đang “gánh” khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, với dân số khoảng 5 vạn người, tình trạng ắc tắc giao thông diễn ra thường xuyên.

Bà Lê Thị Lan, trú tại nhà HH2, Linh Đàm cho biết, khu vực thường xuyên xảy ra tắc đường, nhất là buổi chiều vì đường có điểm thắt nút, phương tiện tham gia đông, xe máy phải leo lên hết vỉa hè nhiều khi xảy ra tình trạng xe đâm xô, tai nạn. “Chúng tôi mong sớm giải tỏa, thi công tiếp đường này vì thời gian thi công như vậy là quá chậm”, bà Lan bức xúc.

Với sự “đủng đỉnh”, bế tắc trong giải phóng mặt bằng, ngổn ngang tại thực địa, thật khó có thể ấn định ngày về đích của Dự án đường giao thông quanh hồ Linh Đàm giai đoạn I, và Dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng-Giải Phóng (thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội)./.

Theo VOV


Lượt xem: 22

Trả lời