Nền tảng xuyên biên giới: Kinh doanh tại Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Cập nhật 24/7/2021, 07:07:53

Thu hàng trăm tỷ USD nhưng không tuân thủ pháp luật, vi phạm các quy định về thông tin, quảng cáo… nhiều nền tảng xuyên biên giới sẽ phải được quản lý chặt chẽ hơn.

Hàng loạt sai phạm

Facebook hiện là một trong những mạng xã hội có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam. Trên mạng xã hội này có hàng loạt các hoạt động trao đổi, giao dịch tương tác khác nhau đáp ứng nhu cầu kết nối của người dân. Tuy nhiên hiện cũng còn tồn tại nhiều hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh chính trị và đời sống kinh tế xã hội.

Cụ thể, Facebook có 6 sai phạm, trong đó có việc: Không thực hiện ngăn chặn gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật, nhất là những thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Không thực hiện việc ngăn chặn hoạt động, khóa các tài khoản, trang cộng đồng (fanpage) của các tổ chức phản động thường xuyên tung tin bịa đặt, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về truyền thông, thông tin, quảng cáo. Tiếp tay cho đối tượng xấu quảng cáo, cung cấp sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp. Không hợp tác cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng để xử lý.

Theo Bộ Thông tin truyền thông, không riêng Facebook mà nhiều nền tảng xuyên biên giới khác cũng tồn tại tình trạng này, đặc biệt là trong hoạt động quảng cáo.

Nền tảng xuyên biên giới: Kinh doanh tại Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam - Ảnh 1.

Các nền tảng xuyên biên giới, kinh doanh tại Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Trong khi, các nền tảng xuyên biên giới thu hàng trăm tỷ USD mỗi năm từ các doanh nghiệp Việt mà không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, trái lại các nền tảng còn trả một phần doanh thu cho những nội dung xấu độc.

“Các sản phẩm quảng cáo của các thương hiệu Việt Nam gắn trên các video có nội dung vi phạm pháp luật, các nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Ví dụ trên YouTube hoặc Facebook thì nhiều quảng cáo lại gắn với trò chơi cờ bạc hoặc các thông tin sai sự thật”, bà Nguyễn Thanh Huyền – Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin & Truyền thông

Về xử lý tình trạng nói trên, theo các chuyên gia trước hết cần có sự hợp tác từ chính các nền tảng xuyên biên giới.

“Facebook cũng cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của họ để xử lý các vi phạm… Facebook có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, có thể cùng với các nền tảng mạng xã hội khác thành lập một trung tâm an toàn thông tin mạng để giúp xử lý nhanh hơn các loại vi phạm như vậy”, ông Nguyễn Quang Đông – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam đề xuất.

“Siết” quảng cáo xuyên biên giới

Rõ ràng, nếu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam không tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo, tuân thủ quyền và trách nhiệm như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước thì sẽ tạo ra bất bình đẳng lớn trong kinh doanh và dẫn đến nhiều tác động xấu tới xã hội.

Nền tảng xuyên biên giới: Kinh doanh tại Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam - Ảnh 2.

Nghị định 70 siết chặt hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube…

Và nhằm xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, công bằng hơn thì mới đây Nghị định 70 của Chính phủ ban hành ngày 20/7/2021 đã có nhiều quy định mới nhằm đảm bảo sự công bằng, siết chặt quản lý các hoạt động quảng cáo vi phạm pháp luật đang diễn ra trên môi trường mạng internet.

Như một mạng xã hội đang có hơn 2 triệu người dùng, trước quy định phải có giải pháp để kiểm soát và loại bỏ quảng cáo vi phạm đã được mạng xã hội này chuẩn bị kỹ cho việc vận hành sau này.

“Mạng xã hội Gapo có cơ chế phối hợp để loại bỏ nội dung vi phạm khi tự phát hiện hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tuân thủ theo đúng thời gian quy định của pháp luật”, ông Hà Trung Kiên – Tổng Giám đốc, Đồng sáng lập Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo cho biết.

Bên cạnh đó, Nghị định 70 cũng quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi triển khai dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại nước ta phải đáp ứng các điều kiện đó là: Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông, không được gắn quảng cáo nhãn hàng trên các nội dung vi phạm pháp luật.

“Có 3 chủ thể gồm: Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ và người phát hành dịch vụ quảng cáo này phải có nghĩa vụ chấp hành. Vì bất cứ lúc nào nếu vi phạm sẽ bị chế tài xử phạt, thậm chí có thể tài khoản nào đó bị cấm kinh doanh vĩnh viễn, hoặc có thời hạn”, Luật sư Nguyễn Hồng Bách – Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự cho biết.

Nền tảng xuyên biên giới: Kinh doanh tại Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam - Ảnh 3.

Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube… phải xử lý các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo từ Bộ Thông tin & Truyền thông

Theo bà Nguyễn Thanh Huyền – Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin & Truyền thông, nếu không ngăn chặn các quảng cáo vi phạm thì Bộ sẽ thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn các quảng cáo vi phạm. Thứ hai, yêu cầu các nhà quảng cáo, nhãn hiệu, sản phẩm không hợp tác với các doanh nghiệp quảng cáo đang vi phạm pháp luật ở Việt Nam.

Tại Nghị định 70 cũng quy định cụ thể trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được phân công tại các quy định pháp luật về quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.

Cũng theo Nghị định 70, Chính phủ giao Bộ Thông tin & Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Theo VTV


Lượt xem: 16

Trả lời