Long An: Nhiều địa phương chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao

Cập nhật 12/12/2017, 08:12:39

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hiện tỉnh này đã chuyển đổi được gần 25.000ha đất lúa sang các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế hơn.

Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh Long

ở huyện Tân Trụ- Long An (Ảnh: K.V)

Các loại cây trồng được bà con nông dân chuyển sang gieo trồng là rau các loại, thanh long, chanh, ngô, vừng, lạc, dưa hấu,… Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa (Quyết định số 580/QĐ-TTg, ngày 22/4/2014 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang cây màu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long), Sở đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ kinh phí mua hạt giống cây trồng để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang màu, thông qua việc hỗ trợ này, nhiều địa phương triển khai, thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Nhiều địa phương sau khi chuyển đổi từ lúa sang các loại cây trồng khác đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây như ở huyện Cần Giuộc, nông dân chuyển từ lúa sang trồng rau sạch; huyện Châu Thành trồng thanh long…hiệu quả kinh tế gấp từ 2 đến 5 lần so với trồng lúa.

Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện nay, tỉnh này đang tiếp tục chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở những vùng thấp, điều kiện sản xuất khó khăn sang cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, đầu tư phát triển các vùng sản xuất chuyên canh; đổi mới phương thức sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị;…

Long An đang tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, xây dựng vùng sản xuất lúa 20.000ha ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa chất lượng cao xuất khẩu 40.000ha ở các huyện, thị xã Đồng Tháp Mười.

Đồng thời, tỉnh triển khai chương trình giống nông nghiệp, phấn đấu đạt 70-85% diện tích lúa dùng giống xác nhận, hoàn thiện đồng bộ các trại giống với mô hình hệ thống vệ tinh nhân giống trong dân và doanh nghiệp; phát triển ổn định vùng trồng thanh long, trong đó, xây dựng 3.000-4.000ha xuất khẩu kết hợp tiêu chuẩn hóa và hệ thống kho vận, chợ nông sản; xây dựng lộ trình phát triển rau, trong đó có hơn 2.000ha vùng rau màu an toàn tiến đến đạt chuẩn VietGAP; phát triển vùng trồng vừng ở các huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và trồng ngô ở Đức Hòa./.

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam


Lượt xem: 33

Trả lời