Kiểm toán Nhà nước: Dự toán thu ngân sách từ đất còn thấp dẫn tới “vượt thu”

Cập nhật 25/5/2023, 08:05:59

Việc lập dự toán thu một số chỉ tiêu thu chưa phù hợp, trong đó dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập thấp hơn so với khả năng thu, dẫn đến việc thực hiện năm 2021 vượt 74% so với dự toán giao.

Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 trước Quốc hội sáng 24/5, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn thông tin, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2022, KTNN đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 34.595 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 37.010 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Thẩm tra dự toán thu NSNN năm 2021, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, tại thời điểm lập dự toán tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ dự báo thận trọng đã dẫn đến ước thực hiện thu năm 2020 làm cơ sở dự toán năm 2021 thấp. “Việc lập dự toán thu một số chỉ tiêu thu chưa phù hợp, trong đó dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập thấp hơn so với khả năng thu, dẫn đến việc thực hiện năm 2021 vượt 74% so với dự toán giao”, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chỉ ra.

Đối với dự toán chi NSNN, qua kiểm toán cho thấy, đến hết ngày 31/12/2021 vẫn còn 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2021 cho các dự án. Việc giao dự toán đầu năm cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chậm so với quy định, giao bổ sung vào thời điểm cuối năm dẫn đến các đơn vị không kịp thực hiện phải chuyển nguồn, có đơn vị phải hủy dự toán được giao.

Điều chỉnh dự toán cho đơn vị sử dụng ngân sách sau ngày 15/11/2021 không đúng quy định; giao dự toán không có trong tiêu chí, định mức phân bổ dự toán hoặc vượt định mức chi thường xuyên của HĐND tỉnh; một số địa phương bố trí dự toán ngân sách chưa xem xét đến việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế, sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII…

Về kết quả thực hiện kiến nghị Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2022 cho thấy, đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN đạt tỷ lệ 88,57% và kiến nghị xử lý khác được thực hiện đạt tỷ lệ 80,08%. Đã có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.

KTNN đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

KTNN cũng đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 do Chính phủ trình với số thu cân đối NSNN 2.387.906 tỷ đồng; Chi cân đối NSNN 2.484.439 tỷ đồng; Bội chi NSNN 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện.

Đồng thời, giao Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát số liệu quyết toán một số khoản chi chuyển nguồn đã được HĐND các địa phương phê chuẩn, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Những khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác” chưa được phân tích, thuyết minh chi tiết từng nội dung tương ứng với các mục chi theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 64 Luật NSNN (bao gồm chi chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid – 19 ngoài danh sách 24 địa phương đã được Quốc hội cho phép chuyển nguồn theo Nghị quyết số 82/2023/QH15./.


Lượt xem: 3

Trả lời