Khó tiếp cận vốn khi kinh doanh tại Việt Nam

Cập nhật 05/9/2013, 15:09:44

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu, lạm phát không còn là mối lo ngại chính yếu đối với nhà đầu tư tại Việt Nam mà ở việc tiếp cận vốn, trình độ lao động… 

Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 – 2014 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục vấp phải 5 vấn đề lớn trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, gồm khả năng tiếp cận vốn, sự ổn định chính sách, thiếu lao động trình độ, lạm phát và cơ sở hạ tầng yếu kém.

bank-0-1378356538.jpg
Doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn thời gian qua. Ảnh minh họa: Anh Quân

Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều đợt hạ lãi suất, song tiếp cận vốn vẫn là yếu tố lo ngại hàng đầu của nhà đầu tư như những năm trước. Nguy cơ lạm phát cao trở lại bị đẩy lùi khi năm 2012, CPI của Việt Nam chỉ tăng một con số (6,81%) và dự báo năm 2013 dưới 7%. Do vậy, yếu tố này đã được đẩy từ vị trí thứ 2 trong báo cáo năm ngoái xuống vị trí thứ 4.

yeu-to-gay-can-tro-JPG-1378354952.jpg
Những yếu tố gây cản trở khi kinh doanh tại Việt Nam. Nguồn: WEF

Vấn đề đáng lo ngại chính là nguồn lao động, khi Việt Nam được xếp vào nhóm tăng trưởng dựa vào nguồn lực lại bị đánh giá thiếu lao động trình độ. Trước đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, trình độ lao động thấp đang tạo nên thách thức trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Như với trường hợp của Samsung, đơn vị này cho hay rất khó khăn trong việc tuyển dụng 28.000 lao động đến năm 2015 nhằm đạt doanh thu xuất khẩu 16,5 tỷ USD.

Xét chung các yếu tố, Việt Nam tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh năm nay của WEF, lên vị trí 70 trong tổng số 148 nền kinh tế được khảo sát. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ năm, sau các nền kinh tế như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

WEF cho rằng, sự thăng hạng của Việt Nam năm nay chủ yếu nhờ môi trường vĩ mô đã được cải thiện (vươn lên vị trí 87, tăng 19 bậc so với năm ngoái), lạm phát giữ ở một con số và chất lượng cơ sở hạ tầng tốt hơn. Nền kinh tế cũng được đánh giá cao hơn trong việc trao đổi hàng hóa nhờ giảm thiểu rào cản thương mại và tỷ lệ thuế.

nang-luc-canh-tranh-JPG-1378354952.jpg
Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Nguồn: WEF

Năm ngoái, chỉ số Năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tụt xuống thứ 75, giảm 10 bậc và xếp thứ hai trong số 8 nước ASEAN. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm này là do sự lo ngại khi lạm phát lên tới hai con số và các khoản nợ của khu vực công. Trong nỗ lực ngăn chặn lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến doanh nghiệp tiếp cận tín dụng khó khăn hơn. Cơ sở hạ tầng, nạn tham nhũng cũng là yếu tố gây cản trở nhà đầu tư. Ở năm nay đa số các vấn đề này đã được khắc phục.

Có những bước tiến đáng khích lệ, song WEF vẫn đánh giá nền tảng kinh tế Việt Nam còn khá mong manh khi hiệu quả thị trường lao động, thị trường tài chính hay trình độ khoa học công nghệ có bước thụt lùi. "Doanh nghiệp Việt Nam chậm áp dụng công nghệ mới, từ đó hạn chế đáng kể việc tăng năng suất", báo cáo cho hay.

Tính toán tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổ chức quốc tế này cho biết năm 2012, GDP của Việt Nam đạt 138,1 tỷ USD, tương đương 1.528 USD một người. Trong đó, Việt Nam được xếp vào nhóm tăng trưởng dựa vào nguồn lực (như lao động hay tài nguyên thiên nhiên).

Theo Tin nhanh VNEpress


Lượt xem: 23

Trả lời