Đưa hộ kinh doanh vào quản lý: Cần nhưng có quản nổi?

Cập nhật 16/11/2019, 08:11:59

Đưa hộ kinh doanh vào đối tượng quản lý là một trong những thay đổi của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang đưa ra trình Quốc hội lần này.

Thảo luận tại tổ ngày 15/11 về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), bên cạnh những ý kiến ủng hộ đưa hộ kinh doanh vào đối tượng quản lý, còn không ít ý kiến cho rằng đây là việc bất khả thi và gây khó, phức tạp thêm cho công tác quản lý.

Cần đưa hộ kinh doanh vào diện quản lý

Theo ông Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cả nước có khoảng 4,59 triệu hộ kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có địa điểm hoạt động ổn định; Trong đó, có khoảng 1,33 triệu cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Năm 2018, khu vực kinh tế cá thể, trong đó có hộ kinh doanh đóng góp 29,24% vào GDP.

dua ho kinh doanh vao quan ly: can nhung co quan noi? hinh 1
Ông Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

“Muốn đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, cần phải có tổng kết, đánh giá tác động vì điều này ảnh hưởng vô cùng lớn tới không chỉ 4,59 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, hơn 7,6 triệu lao động đang làm việc cho khu vực này, mà còn ảnh hưởng, tác động tới hàng chục triệu người”, ông Phùng Văn Hùng nêu rõ.

Tuy nhiên, ông Phùng Văn Hùng cũng nhấn mạnh, đối tượng kinh doanh này dứt khoát phải có luật để điều chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, đây là thời điểm nên và cần thiết đưa hộ kinh doanh vào quản lý, nhưng đưa vào Nghị định riêng cho đối tượng này.

“Số liệu mới nhất với việc Nhà nước thất thu thuế tới 30.000 tỷ đồng đối với hộ kinh doanh. Tuy nhiên, bản chất hoạt động, cách thức, quy mô hộ kinh doanh khác với doanh nghiệp, do đó không nên đưa vào quản lý chung một luật với doanh nghiệp”, đại biểu đoàn Hà Nội chỉ rõ.

“Cần sớm xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh. Sau đó, nếu được có thể xây dựng một luật riêng cho việc quản lý hộ kinh doanh, bởi lẽ đã đến thời điểm không thể cứ để đối tượng này phát triển tự phát ngoài”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Liệu có kiểm soát nổi hộ kinh doanh?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (đại biểu đoàn Lai Châu) thì lại cho rằng, Luật Doanh nghiệp điều chỉnh các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, do đó không nên đưa hộ kinh doanh vào trong đối tượng điều chỉnh của luật này.

dua ho kinh doanh vao quan ly: can nhung co quan noi? hinh 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

“Khái niệm hộ rộng lắm, không chỉ dừng ở con số 5-6 triệu đâu. Đấy là con số hộ theo khái niệm công thương thôi. Còn 10 triệu hộ nông dân có đưa vào không? Đưa vào thì quản lý làm sao?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.

“Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp theo tôi là không khả thi, không bao quát được và không cẩn thận là chúng ta lại cản trở hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ.

Người ta chỉ là buôn đầu chợ, bán cuối chợ thôi mà đưa vào quản lý cũng khó lắm. Còn chưa kể các cơ chế khác đi theo nữa. Nếu chúng ta không thận trọng, không những không tạo sự thuận lợi, mà còn làm phức tạp thêm. Chúng ta đã có những bài học như thế rồi”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ còn tiếp tục đưa ra thảo luận ở hội trường ngày 20/11, trong đó xem xét có nên đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của luật này hay không./.

 

Theo VOV


Lượt xem: 17

Trả lời