Dệt may với ứng dụng công nghệ 4.0: Tất yếu nhưng có chọn lựa

Cập nhật 12/7/2019, 07:07:09

Doanh nghiệp ngành dệt may nhất thiết phải ứng dụng công nghệ 4.0 để không bị tụt hậu nhưng vẫn sử dụng được những nguồn lực sẵn có.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với các ứng dụng phổ biến của tự động hóa, Internet kết nối vạn vận (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI)… đang tạo ra cả thách thức và cơ hội lớn cho ngành dệt may.

Việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 trong sản xuất công nghiệp giúp ngành dệt may sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu tồn kho…nhưng cũng đặt nhiều vấn đề về vốn đầu tư cũng như nguồn nhân lực làm chủ công nghệ mới, đặc biệt trong hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh.

ung dung cong nghe 4.0 trong det may can phai tinh toan ky hinh 1
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Thời trang TNG

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Thời trang TNG cho biết, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ 4.0, các sản phẩm dệt may và thời trang sẽ rút ngắn được quy trình từ thiết kế đến sản xuất, sản phẩm nhanh chóng được đưa ra thị trường không bị lỗi mốt, rất phù hợp với xu hướng cạnh tranh hiện nay.

“Nếu doanh nghiệp rút ngắn được thời gian từ ý tưởng thiết kế đến khi sản phẩm ra đời sẽ luôn bắt kịp được với xu thế thời trang. Trước kia, quá trình từ lúc có ý tưởng sản phẩm đến khi có sản phẩm tung ra thị trường phải trải qua thời gian rất dài, nhiều khi sản phẩm ra đời đã trở nên lỗi mốt, sản phẩm bị tồn kho khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn”, ông Sơn nói.

Theo chia sẻ của ông Sơn, quá trình ứng dụng công nghệ 4.0 vào thiết kế và sản xuất tại TNG cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải đó chính là nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ được công nghệ mới. Bởi hiện nay, công nghệ trên thế giới là không thiếu nhưng nguồn nhân lực của doanh nghiệp liệu có làm chủ được công nghệ đó hay không mới là những trở ngại của các doanh nghiệp nói chung và của các doanh nghiệp thời trang nói riêng.

Chính vì thế, những doanh nghiệp như TNG phải đăng ký tham dự chương trình quản lý công nghệ may mặc, để nhanh chóng cập nhật những công nghệ mới nhất trên thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp cần mời các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước đào tạo thực tế.

“Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hàn Quốc cũng như Đại học Công nghiệp Dệt may, trình độ ứng dụng công nghệ của đội ngũ thiết kế tại TNG đã được nâng cao, sử dụng thành thạo những phần mềm thiết kế. Các sản phẩm của công ty khi đưa ra thị trường đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận, tạo được thương hiệu bền vững”, ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm.

Doanh nghiệp có dám đổi mới công nghệ?

Từng có nhiều thời gian tìm hiểu và hợp tác với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, ông Park Jun Ho, đại diện Công ty nghiên cứu Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Kitech của Hàn Quốc nhận xét, vấn đề hiện nay của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không hẳn phải phụ thuộc vào những chính sách của chính phủ, quan trọng nhất là những doanh nghiệp ngành dệt may có thể quyết định đầu tư đổi mới công nghệ hay không.

Bởi lẽ, khi tiếp cận với công nghệ 4.0, các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nguồn đầu tư ban đầu rất lớn, bao gồm cả hệ thống dây chuyền công nghệ mới và phải loại bỏ hoàn toàn những dây chuyền sản xuất cũ, bởi những hệ thống này không tương thích với nhau. Đây chính là bài toán mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nghiên cứu, tính toán và quyết định thời điểm hợp lý.

“Có điều rất đáng tiếc là hiện tại một số chương trình hỗ trợ kỹ thuật giữa Hàn Quốc với Việt Nam đã kết thúc. Những kế hoạch hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật trong tương lai chưa được chính phủ hai nước bàn bạc cụ thể nên điều kiện tiếp cận và làm chủ công nghệ mới trong ngành dệt may chưa dễ dàng đến với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Park Jun Ho cho biết.

ung dung cong nghe 4.0 trong det may can phai tinh toan ky hinh 2
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

Nhận định cuộc CMCN 4.0 đang có ảnh hưởng sâu sắc đến các nền kinh tế thế giới, trong đó có nền kinh tế Việt Nam và có tác động rất lớn đối với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, nếu ngành dệt may không tập trung áp dụng những công nghệ tiên tiến sẽ không thể tăng năng suất, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh cũng như phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Ông Cẩm cho rằng, ngành dệt may Việt Nam trong thời gian từ 10 – 15 năm tới dù vẫn có thể phát triển dựa trên nền tảng công nghệ cũng như nhân lực đã đầu tư, nhưng bên cạnh đó vẫn phải tập trung vào nghiên cứu một số khâu sản xuất có thể ứng dụng được công nghệ 4.0 để thay thế con người. Những khâu có thể cho máy móc thực hiện thường cần có độ chính xác cao, môi trường độc hại hay quy trình lặp đi lặp lại, nhàm chán… nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí.

“Trong xu thế nhiều quốc gia đang tập trung ứng dụng CMCN 4.0, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng thành tựu này sẽ bị bỏ lại ở phía sau. CMCN 4.0 sẽ là tất yếu nhưng phải có sự lựa chọn đối với ngành dệt may, doanh nghiệp cần xem xét ứng dụng máy móc ở khâu nào trước, khâu nào sau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phát huy, kết hợp giữa điều kiện của Việt Nam với những điều kiện chung của khoa học kỹ thuật, từ đó vừa không bị tụt hậu cũng như vẫn sử dụng được những nguồn lực sẵn có để phát huy tốt nhất khả năng của doanh nghiệp mình”, ông Cẩm nói./.

Theo VOV


Lượt xem: 28

Trả lời