Đại lý vé máy bay ‘ma’

Cập nhật 15/7/2014, 06:07:37

Tốn gần 20 triệu đồng tiền vé, đến sát giờ cất cánh, gia đình chị Loan mới biết mình không thể lên máy bay.

Gửi thư đến VnExpress, chị Nguyễn Thanh Loan (Hà Nội) cho biết đầu tháng 5, gia đình chị mua 18 vé một chiều Vietjet Air từ Đà Nẵng về Hà Nội với giá tổng cộng 19,4 triệu đồng. Điểm mua là một đại lý có tên "Phòng vé Vietjet Air" ở Phố Huế (Hà Nội)

Đến ngày bay, gia đình chị ra sân Đà Nẵng và phát hiện cả đoàn đều không có tên trên chuyến bay. Không cách nào, chị cùng gia đình phải bỏ tiền mua vé khác với giá gần 30 triệu đồng để về Hà Nội.

phong-ve-vja-1162-1404817278.jpg

Hãng đưa ra khuyến cáo khách hàng nên mua vé qua các kênh bán chính thức hoặc các đại lý chính thức có tên trên website. Ảnh minh họa: VJA

Khi mang sự việc đến Vietjet Air để hỏi, chị Loan được thông báo đây là phòng vé giả mạo, không nằm trong danh sách đại lý chính thức của hãng, do đó cũng không được bồi thường. Ra đến nơi mua thì phòng vé đã đóng cửa từ bao giờ.

Không riêng chị Loan, hàng chục khách hàng khác cũng là nạn nhân của phòng vé giả này, có người bị lừa hơn 50 triệu đồng. Họ chỉ còn cách báo công an vì nơi này đã đóng cửa, chủ phòng vé cũng đã biến mất.

Trao đổi với VnExpress, ông Dương Hoài Nam, đại diện văn phòng miền Bắc của Vietjet Air lý giải kẻ gian đã dùng một chiêu không mới là đặt vé cho khách nhưng không thanh toán với hãng. "Sau khi thu tiền của khách và xuất vé, họ không thanh toán lại cho hãng. Theo quy định, sau 24 giờ nếu người mua không thanh toán, mã đặt chỗ sẽ bị hủy", ông Dương Hoài Nam nói.

Những người trong nghề cho biết hiện tượng phòng vé lập lên với mục đích lừa đảo không còn mới, đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Điểm chung của những phòng vé này là sau khi gom được một "mẻ" lớn khách hàng, phòng vé đóng cửa và ôm tiền bỏ trốn. 

Hồi đầu năm, nhiều khách hàng cũng tố một phòng vé ở Gia Ngư, Hà Nội cầm tiền của khách rồi đóng cửa bỏ trốn. Anh Tuấn, một khách hàng của phòng vé cho biết anh đã bỏ ra hơn 23 triệu đồng để mua vé của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Phú Quốc cho 5 người. Khi ra đến sân bay, anh được thông báo toàn bộ số vé của mình đã bị hủy. Hỏi Vietnam Airlines, hãng cho biết phòng vé trên đặt vé thông qua một đại lý khác, đã book chỗ nhưng không xuất vé. Sau khi lừa anh Tuấn cùng nhiều người khác một lúc, phòng vé đóng cửa, mất liên lạc.

"Những phòng vé 'ma' dạng này xuất hiện ngày một nhiều, nhất là vào các dịp gần Tết khi nhu cầu đi máy bay của người dân tăng cao", đại diện một hãng hàng không cho biết. Không chỉ lừa khách, những phòng vé này trước khi đóng cửa cũng tranh thủ quăng mẻ lưới lớn, đi lừa nhiều đại lý khác và xù tiền đặt vé.

Thủ tục mở phòng vé đơn giản cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng nhan nhản phòng vé được mở ra chỉ để lừa đảo. Các hãng hàng không cho biết họ chỉ kiểm soát và chịu trách nhiệm về những đại lý của họ hoặc đại lý có hợp đồng với hãng.

Nhằm giúp khách tránh gặp phải phòng vé lừa, các hãng đưa ra khuyến cáo nên mua vé qua các kênh chính thống như website, trên điện thoại, trên Facebook, qua tổng đài và qua các phòng vé, đại lý chính thức. Nếu mua qua đại lý, sau khi mua, hành khách có thể kiểm tra xem mã số vé, tình trạng đặt vé bằng cách vào website của hãng hoặc gọi đến tổng đài.

theo VNExpress


Lượt xem: 17

Trả lời