Đại dịch Covid-19: Nhiều DN vẫn kiên cường chống trọi “tự mình cứu mình”

Cập nhật 31/5/2020, 16:05:39

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhiều DN vẫn kiên cường chống trọi, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp chủ động “tự mình cứu mình”

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều ngành hàng đã bị tác động mạnh, tuy nhiên, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đang phục hồi khá nhanh. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 nhưng ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản đang phục hồi khá nhanh do niềm tin của các nhà đầu tư, nhập khẩu, bán lẻ với Việt Nam, với thuỷ sản Việt Nam gia tăng đáng kể thời gian qua. Doanh nghiệp (DN) và người dân tin tưởng vào việc Chính phủ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nên thả nuôi các loại thủy sản ngay trong thời gian có dịch để đón bắt cơ hội tốt hơn.

“Trong khi các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác còn đang mắc kẹt trong đại dịch thì Việt Nam đã bắt đầu phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam”, ông Trương Đình Hòe cho biết.

dai dich covid-19: nhieu dn van kien cuong chong troi "tu minh cuu minh" hinh 1
DN thủy sản chủ động sản xuất, tự mình cứu mình

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thuỷ sản của Việt Nam hầu như không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó, tạo điều kiện để các DN thủy sản chủ động hơn trong sản xuất. Đặc biệt, theo ông Hoè nhận định, sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid-19, cùng với đó là nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là thuỷ sản theo dự báo sẽ tăng mạnh sau dịch.

“Tự mình cứu mình” trong đại dịch Covid-19 là chiến lược đang được DN các ngành hàng nỗ lực triển khai trong thời gian qua, đơn cử như đối với ngành dệt may. Từ một trong những ngành chịu nhiều tổn thất do dịch, tuy nhiên trong thời gian qua, ngành dệt may đã chuyển khó khăn thành cơ hội tập trung sản xuất nhanh các đơn hàng thị trường đang cần như: đồ bảo hộ phòng dịch, khẩu trang… đỡ được một phần áp lực, tạo việc làm cho công nhân.

Anh Nguyễn Triết, đại diện một DN dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ (Hải Dương) cho biết, công ty hiện vẫn duy trì sản xuất đơn hàng đã ký trước đó, tạo việc làm ổn định cho 300 lao động, trong lúc này, công ty vẫn đang nỗ lực đàm phán với các đối tác để không bị hoãn, huỷ hợp đồng cho các đơn hàng mới.

“Trong khó khăn nhưng DN vẫn tìm được thị trường, có đơn hàng, tuy nhiên giá thành ký kết cũng bị giảm rất nhiều. Hậu Covid-19, hy vọng thị trường khả quan, sức tiêu thụ tăng thì khi có đơn hàng xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn”, anh Nguyễn Triết nói.

Khai thác “mảnh đất màu mỡ” thị trường nội địa

Đại dịch Covid-19 khiến xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm, nhiều đơn hàng đã bị huỷ hoãn. Bên cạnh những nỗ lực “tự mình cứu mình” để giữ vững thị trường xuất khẩu, với gần 100 triệu dân, thị trường nội địa vẫn là mảnh đất “ màu mỡ”, còn dư địa rất lớn để DN duy trì sản xuất, khai thác trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ông Vũ Quốc Vương, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển gỗ Đồng Kỵ, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nước phong toả, đóng cửa biên giới khiến hàng hoá xuất nhập khẩu khó khăn, công ty và các hội viên đã chủ động tìm kiếm và khai thác thị trường nội địa, thay đổi mẫu mã, cải tiến nhiều khâu trong thiết kế, tiếp cận khách hàng, đa dạng sản phẩm để duy trì sản xuất.

“Thị trường khó khăn chung nhưng khi tiếp cận được thị trường nội địa, có đơn hàng thì DN và cơ sở sản xuất có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này. Tất cả đều phải nỗ lực, thay đổi để có thể “sống sót”, bởi sản xuất được duy trì thì công nhân có việc làm và tạo thành một chuỗi liên kết”, ông Vũ Quốc Vương cho hay.

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Vượng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Thành, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh cho rằng, hiện nay DN sản xuất, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ngành nhựa. Hiện, nhựa xuất khẩu chiếm tới 60-70%, còn lại khoảng 30% tiêu thụ nội địa. Khi tiêu dùng sụt giảm, đặc biệt là các ngành sản xuất bị ngưng trệ tác động dây truyền tới ngành nhựa, để nâng tỷ lệ xuất khẩu chuyển sang tiêu thụ trong nước là rất khó khi tâm lý người tiêu dùng hiện đang hạn chế chi tiêu, xây dựng. Trong thời gian tới, khi các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ được triển khai, giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh thì sẽ tạo động lực để các DN hồi phục dần.

“Thị trường trong nước lúc này là “cứu cánh” cho DN nhưng phải có động lực thúc đẩy như triển khai các công trình xây dựng, giao thông, bất động sản…. khi các công trình được triển khai thì nhu cầu về việc làm, xây dựng, mua sắm sẽ tăng lên và hàng hoá theo đó cũng sẽ tìm được thị trường cho mình”, ông Hoàng Đức Vượng nêu ý kiến.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, với gần 100 triệu dân, thị trường nội địa là thị trường rất tiềm năng, có sức hút lớn đối với các DN. Đặc biệt, tại thị trường Hà Nội, với 10 triệu dân, sức mua rất lớn. Hơn thế, Hà Nội còn giữ vai trò là một trung tâm kinh tế, thương mại lớn, đặc biệt là trong khâu lưu chuyển hàng hóa nên cần dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thương mại nhằm tiếp cận địa bàn nông thôn – một thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, thì giải pháp kích cầu quan trọng là các DN cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, tăng cường khâu chế biến, mẫu mã, giảm giá và tăng ưu đãi cho khách hàng.

“Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi nhận thức, phải coi thị trường trong nước quan trọng như thị trường nước ngoài. Cần thay đổi cách làm mang đồ ngon, đồ đẹp đi xuất khẩu trong khi hàng hóa tiêu thụ trong nước lại kém chất lượng hơn”, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh./.

Theo VOV


Lượt xem: 19

Trả lời