“Cứu sống” TPP mới chỉ là bước đầu

Cập nhật 13/11/2017, 13:11:43

Tất các nước đều phải xem xét đánh giá lại yêu cầu, lợi ích cũng như những điểm cân bằng để duy trì hiệp định này ở chất lượng cao.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)- tên gọi mới của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phiên bản không có Mỹ, là cụm từ đang được vô cùng quan tâm hiện nay.

Cứu được TPP mới chỉ là bước đầu, song điều này là hết sức có ý nghĩa cho thấy lòng tin vào xu thế toàn cầu hóa với nội dung cốt lõi là liên kết và hợp tác phát triển đã được khẳng định. Cùng với Nhật Bản, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tìm giải pháp cho TPP, mở ra cánh cửa cơ hội cho thúc đẩy hợp tác toàn cầu hóa.

Được nhất trí bên lề Tuần lễ cấp cao APEC vừa diễn ra tại TP Đã Nẵng, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số lượng hạn chế nghĩa vụ của mình.

cuu song tpp moi chi la buoc dau hinh 1
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Motegi trong buổi họp báo sáng 11/11.

Các Bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nền kinh tế thành viên APEC tham gia Hiệp định TPP nhất trí rằng, Hiệp định CPTPP là một hiệp định toàn diện và quy chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Có thể gọi đây là sự hồi sinh của TPP vốn đang ở trên bờ vực đổ bể khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút lui. Không ít ý kiến chuyên gia đánh giá đây là bước đột phá cho thương mại tự do trong khu vực, trong bối cảnh xu thế bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Để đạt được kết quả này, các Bộ trưởng đã có 3 ngày nhóm họp căng thẳng từ ngày 8 – 10/11 bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Đồng chủ trì các phiên họp, Nhật Bản và nền kinh tế chủ nhà Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tìm giải pháp cho TPP khi không có Mỹ. Dù vậy, khả năng Mỹ có thể trở lại trong tương lai vẫn đang để ngỏ.

Theo ý kiến chuyên gia, với cú đột phá này, lòng tin vào xu thế toàn cầu hóa với nội dung cốt lõi là liên kết và hợp tác phát triển được khẳng định. Việc duy trì gắn kết 11 nền kinh tế vào một hiệp định phát triển ở trình độ cao nhất trong điều kiện Mỹ – một trụ cột đặc biệt quan trọng rút khỏi TPP, có giá trị của một “tuyên ngôn”.

Một thông điệp rằng, xu thế liên kết phát triển ở trình độ cao nhất sẽ mang lại những lợi ích phát triển to lớn không thể thay thế, ngay cả khi không có Mỹ: “Việt Nam cũng như các thành viên khác của CPTPP đã xác lập được đà chạy. Cần tận dụng tốt bước chạy đà này để tiến vượt lên”.

Chủ trì cuộc họp báo về quá trình đàm phán TPP bên lề Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, không chỉ riêng Việt Nam, mà tất các nước đều phải xem xét đánh giá lại yêu cầu, lợi ích cũng như những điểm cân bằng để duy trì hiệp định này ở chất lượng cao.

“Quá trình đàm phán TPP 11 với mục tiêu duy trì Hiệp định TPP 12 ở những tiêu chuẩn cao nhất đã đặt ra khó khăn cho tất cả các nước khi phải tìm ra điểm cân bằng để duy trì TPP trong bối cảnh mới. Việt Nam có những nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn cụ thể để yêu cầu việc cải cách mở cửa và thực hiện hội nhập, cũng như với những yêu cầu khác trong các khía cạnh về chính trị- kinh tế- xã hội, để có thể đưa ra một quan điểm đảm bảo sự cân bằng, lợi ích của Việt Nam trong tham gia TPP11. Nhưng cũng đồng thời đóng góp cho việc đưa TPP11 đạt được đồng thuận chung để sớm đưa vào thực thi”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Các Bộ trưởng của TPP 11 đã thống nhất và muốn nhấn mạnh, tính chất và chất lượng của hiệp định CPTPP qua 2 từ bổ sung “toàn diện” và “tiến bộ”, coi đây là mục tiêu chung có tính bao trùm của hiệp định. Các Bộ trưởng tiếp tục giao các trưởng đoàn đàm phán xử lý các vấn đề kỹ thuật còn chưa đạt được sự đồng thuận, cũng như tiến hành công tác rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc báo tại Đà Nẵng cũng nhấn mạnh các nước tham gia thảo luận về TPP mới sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Nhà lãnh đạo Canađa cũng khẳng định cam kết tiếp tục tham gia thảo luận CPTPP, trong đó, thỏa thuận này phải mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân Canađa.

“Chúng tôi vui mừng về tiến trình đã đạt được để thiết lập một khuôn khổ cho thỏa thuận TPP mới, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ có được thỏa thuận tốt nhất cho Canađa và cho người dân Canađa. Thỏa thuận này là tin tốt cho những gia đình cho thu nhập trung bình và các doanh nghiệp nhỏ. Canađa vẫn tiếp tục theo đuổi TPP”, Thủ tướng Justin Trudeau bày tỏ.

Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP, trong đó phải kể đến vai trò tích cực của Nhật Bản và nền kinh tế chủ nhà APEC Việt Nam. Đồng thời cũng là những nỗ lực của các quốc gia trong việc tiếp tục mở cửa và thực hiện hội nhập có hiệu quả với thế giới./.

Theo VOV


Lượt xem: 19

Trả lời