Covid-19 cơ hội để doanh nghiệp củng cố thị trường nội địa

Cập nhật 22/4/2020, 08:04:30

Những diễn biến bất lợi trong giao thương hàng hóa, phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ rủi ro, trong khi thị trường trong nước đang có những “khoảng trống”.

Theo Tổng Cục Thống kê, trong quý 1 vừa qua GDP tăng thấp, cùng với đó, các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra kém sôi động… Tuy nhiên, trong khó khăn chung đó doanh thu ở lĩnh vực bán lẻ hàng hóa vẫn ghi nhận tăng 7,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng vì dịch bệnh, việc khai thác tốt được thị trường nội địa với gần 100 triệu dân sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Do đang phải giãn cách xã hội, nên chị Nguyễn Thị Ánh Hồng ở quận Hà Đông chỉ đi siêu thị 1 lần trong tuần, nhưng rất yên tâm bởi hàng hóa luôn đầy đủ, không có tình trạng khan hàng, thiếu hàng, đặc biệt là các sản phẩm trong nước. Trong thời điểm dịch Covid-19, tại các siêu thị, chợ truyền thống hàng Việt hiện chiếm khoảng 90% lượng hàng tiêu thụ trong nước. Cùng với đó, hàng hóa luôn được đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, bán hàng đúng giá niêm yết, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá…

covid-19 co hoi de doanh nghiep cung co thi truong noi dia hinh 1
Các doanh nghiệp cần khẳng định được vị thế, chất lượng hàng hóa để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Theo chị Hồng, đây là những việc làm đang góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo làn sóng thay đổi xu hướng mua sắm của người dân.

“Tôi đã chuyển sang sử dụng rất nhiều hàng Việt. Tôi thấy là đợt này lượng hàng hóa của Việt Nam rất phong phú, chất lượng lại tốt mà giá cả thì rất hợp túi tiền, hàng hóa đầy đủ đáp ứng nhu cầu của dân…” – chị Hồng nói.

Không riêng gì lĩnh vực bán lẻ, một số ngành hàng khác thời điểm này đã và đang nỗ lực, đổi mới, sáng tạo biến “nguy” thành cơ hội khẳng định được tên tuổi ở thị trường trong nước. Ông Tô Văn Nhật, Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao cho biết, khi nguồn cung nước ngoài bị hạn chế chính là cơ hội để các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước khẳng định được tên tuổi, cũng như chất lượng để chiếm lĩnh thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.

Hiện doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát triển thị trường, chào hàng tới nhiều đối tác, doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ sản phẩm với giá thành cạnh tranh. Song song với đó là ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, doanh số sản phẩm đối với các thiết bị điện, van vòi, ống nước… của đơn vị tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ.

“Đợt này liên tục các đơn hàng, liên tục các nhà phân phối tìm đến chúng tôi. Chúng tôi đầu tư máy móc thiết bị và nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để phát triển thị trường, đồng thời khẳng định vị thế với các bạn hàng trong nước. Khi đó thì các doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc… sẽ không có cơ hội để chen chân vào” – ông Nhật chia sẻ.

covid-19 co hoi de doanh nghiep cung co thi truong noi dia hinh 2
Ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp trong nước cần chớp thời cơ để chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận những giá trị kinh tế to lớn từ hoạt động xuất khẩu mang lại. Song trước những diễn biến bất lợi trong giao thương hàng hóa do ảnh hưởng của dịch bệnh, một lần nữa chứng tỏ thực tế nếu chúng ta quá tập trung nhiều vào thị trường xuất khẩu sẽ dẫn đến những rủi ro khi xảy ra những biến động như đại dịch Covid-19.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu quan điểm, các doanh nghiệp trong nước cần khẳng định được vị thế, chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng thực phẩm.

“Hơn bất cứ lúc nào các doanh nghiệp trong nước phải gấp rút thực hiện sản xuất các sản phẩm để thay thế sản phẩm nhập khẩu. Từ đó tạo thói quen cho người tiêu dùng chuyển từ sản phẩm nhập ngoại sang các sản phẩm nội địa. Bởi thực tế hiện nhiều sản phẩm trong nước chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt, giá cả hợp lý… chắc chắn sau này sẽ là cơ hội cho các sản phẩm trong nước được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi. Từ đó thúc đẩy hàng hóa trong nước chiếm lĩnh thị trường” – bà Hậu nhận xét.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh này, một mặt doanh nghiệp phải thích ứng để vượt qua khó khăn, mặt khác phải tái cấu trúc về quản trị, tiếp thị và đặc biệt là chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và cần vững chân, khai thác tốt thị trường nội địa, tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm trụ vững và phát triển trong tương lai.

“Hiện tại tình trạng dịch bệnh đang điểm kiếm soát khá tốt, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi, với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh để tự cứu mình cũng như đảm bảo việc làm cho người lao động. Từ đó góp phần vào việc giảm được áp lực trợ giúp chính sách xã hội trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn. Đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để góp phần giải quyết ách tắc trong đầu ra của doanh nghiệp” – ông Lộc nói.

Với lợi thế dân số đông sẽ là tài nguyên lớn cho sự phát triển. Do đó phát triển thị trường trong nước sẽ là hướng đi quan trọng, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải nắm bắt để khai thác và phát triển, cũng như khẳng định vị thế và tên tuổi của mình trong hiện tại và tương lai. Từ đó tạo niền tin cho người tiêu dùng, đối tác, bạn hàng…/.

Theo VOV


Lượt xem: 31

Trả lời