Chậm giải ngân:13 Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh bị Thủ tướng phê bình

Cập nhật 25/7/2017, 14:07:51

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “phê bình gắt gao” 13 Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, kiểm tra 13 Bộ, cơ quan, địa phương trong thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 sáng 25/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời nhấn mạnh không thể chấp nhận có tiền, có vốn mà không giải ngân được do thủ tục hành chính và thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương.

Theo báo cáo, 13 Bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, TP Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

cham giai ngan13 bo truong chu tich tinh bi thu tuong phe binh hinh 1
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong vốn NSNN đợt 1/2017, Bộ giao 93,9%, đợt 2 giao 4,8%, như vậy hiện nay vốn ngân sách có 4.074 tỷ, vốn trái phiếu Chính phủ còn 44.802 tỷ đồng. Trong đó, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư công của một số dự án lớn.

Trong chương trình mục tiêu Quốc gia thì đã giao 8.000 tỷ cho Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới, còn lại chưa giải ngân 190 tỷ cho chương trình phát triển giảm nghèo bền vững.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, đáng lo ngại nhất là vấn đề giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ. Nguyên nhân chậm mới chỉ giao 12.000 tỷ các các dự án chuyển tiếp, dở dang của giai đoạn cũ mà Quốc hội cho phép kéo dài sang giai đoạn này.

Còn toàn bộ các dự án mới thì Quốc hội mới thông qua vào tháng 10/2016, trong đó mới có danh mục các dự án trái phiếu chính phủ mỗi tỉnh được 1 dự án hoặc là thủy lợi, giao thông, y tế tmới xong được bước chủ trương đầu tư nhưng lại vướng Nghị định 77 nên không giao được.

“Hiện Bộ Kế hoạch đầu tư đang xin ý kiến Chính phủ cho đặc cách Biến đổi khí hậu và trái phiếu chính phủ. Nếu giữ mốc vào tháng 10/2016 thì năm nay đóng băng không triển khai được”, Thứ trưởng Thu cho biết.

Trong 13 bộ, ngành, địa phương, đáng chú ý là Bộ Y tế được giao 5.100 tỉ nhưng đến nay tỉ lệ giải ngân rất thấp do công tác chuẩn bị và thủ tục hành chính.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, nguyên nhân giải ngân thấp là liên quan đến đề án 125 có dự án trọng điểm là đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức. Thực tế tiền tạm ứng cho nhà đầu tư là 2.000 đến 3.200 tỉ đồng, hiện còn khâu thủ tục chưa xong.

“Dự án tổ chức theo gói thầu hỗn hợp là một dạng của tổng thầu EPC, vừa thiết kế, vừa thi công. Giá gói thầu được tính toán theo khái toán tổng mức đầu tư nên liên quan đến thẩm tra, thẩm định phê duyệt thiết kế dự toán, khó nên kéo dài. Là dự án lớn phức tạp trong quá trình triển khai có nhiều điều chỉnh với đơn vị sử dụng. Trong quá trình triển khai thiết kế vừa thi công nên nhiều công công việc đã hoàn thành nhưng chưa có dự toán phê duyệt dẫn đến tình trạng chưa thanh toán được khối lượng hoàn thành”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nêu khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời phê bình của Thủ tướng Chính phủ tới 13 Bộ ngành, địa phương có vốn giải ngân chậm dưới 20%. Đồng thời nhận định: Một trong những điểm nghẽn tăng trưởng là giải ngân chậm, trong khi đang phải trả lãi vay để huy động nguồn lực.

Nguyên nhân giải ngân chậm trễ là thuộc về lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; Trong đó, có vấn đề về thủ tục hành chính, chỉ đạo không quyết liệt của thủ trưởng bộ ngành, địa phương trong giải phóng mặt bằng. Đáng lưu ý có đơn vị đẩy tiến độ giải ngân để ứng vốn gửi ngân hàng, tăng tỷ lệ giải ngân nhưng số tiền đó không vào đầu tư phát triển.

Do đó, ông Mai Tiến Dũng đề nghị, tiền đầu tư phải đúng mục tiêu và có khối lượng. Các Bộ, ngành địa phương, trong đó có 13 Bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp mạnh nhất để tháng 8, tháng 9 tập trung giải ngân quyết liệt.

“Chúng ta không thể chấp nhận có tiền, có vốn mà không tiêu được tiền do thủ tục hành chính và không chỉ đạo quyết liệt. Các bộ, ngành cũng có biện pháp quyết liệt nhất, ngay cả xem xét năng lực đầu tư công. Nếu bộ phận theo dõi không tốt, có rào cản liên quan đến thanh toán thì chủ động thay thế cán bộ. Nếu do mặt bằng không tốt thì trực tiếp chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng. Tinh thần phải tập trung giải ngân tốt, đôn đốc và trực tiếp chỉ đạo”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ, đối với các bộ, ngành địa phương nếu như đến tháng 10 năm nay không giải ngân, thì Thủ tướng sẽ xem xét điều chuyển vốn sang các công trình khác./.

Theo VOV


Lượt xem: 25

Trả lời