58,2% doanh nghiệp FDI phải chi phí “bôi trơn” để được việc

Cập nhật 17/4/2015, 06:04:16

Tỷ lệ này đã giảm nhẹ so với mức 59,2% của năm 2013, nhưng vẫn rất cao so với mức 47,3% năm 2010.

Trong số các chỉ số thành phần tạo nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chi phí không chính thức trong môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2014 vẫn là một điểm đen gây nản lòng nhà đầu tư.

58,2% doanh nghiệp phải “bôi trơn”

Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 vừa được công bố cho thấy, năm vừa qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức để được giải quyết công việc vẫn ở mức rất cao, tới 58,2%. Tỷ lệ này đã giảm nhẹ so với mức 59,2% của năm 2013, nhưng vẫn rất cao so với mức 47,3% năm 2010.


Chỉ số doanh nghiệp đồng ý rằng Việt Nam tốt hơn các nước cạnh tranh khác (Nguồn: PCI 2014)

 

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong nhiều hoạt động khác cũng ở mức cao, đơn cử như: Khoảng 17,2% doanh nghiệp FDI thừa nhận họ đã trả chi phí không chính thức để có được giấy phép đầu tư. 31,4% doanh nghiệp đã phải trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hối lộ trong quá trình ký kết giành hợp đồng tăng cao gấp 3 lần so với năm 2013. Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cũng rất cao khi thực hiện dịch vụ ở cảng khi xuất, nhập khẩu (66,2%), giám sát tuân thủ (60,1%)…

Đặc biệt, quy mô chi phí không chính thức trên tổng thu nhập năm của doanh nghiệp cũng rất cao. Trong đó, chi phí dưới 1% là 42,5% doanh nghiệp; từ 2-5% là 11,9% doanh nghiệp; từ 5-10% là 4,7% doanh nghiệp; trên 10% thì có 2% doanh nghiệp.

Ông Edmund Malesky, GS.TS Kinh tế, Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI 2014 cho biết: Cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề tham nhũng ngày càng có chiều hướng đáng lo ngại bất chấp những nỗ lực của nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Doanh nghiệp cho biết tình trạng và tần suất chi trả chi phí không chính thức trong mọi hoạt động từ xin giấy phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng và giải quyết tranh chấp ở tòa án ngày càng tăng, và bày tỏ quan ngại về hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.

Muốn hấp dẫn nhà đầu tư, phải cắt giảm chi phí bôi trơn

Dẫn một vài trường hợp ngoại lệ so với xu thế chung trên cả nước qua số liệu khả quan hơn, ông Edmund Malesky cho biết, tỉnh Bình Dương là địa phương mà nhà đầu tư ghi nhận có tần suất bị yêu cầu trả chi phí không chính thức và quy mô khoản chi phí này thấp hơn. Đáng chú ý nhất, tỷ lệ doanh nghiệp FDI ở Bình Dương (50%) cho biết họ gặp bất lợi khi từ chối trả chi phí không chính thức thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước (89%).

Phân tích sâu hơn về thực trạng chi phí không chính thức đang cản trở lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ở Việt Nam, ông Edmund Malesky chi rõ: Chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ nằm ở các khoản chi bôi trơn trực tiếp, mà còn gồm cả hiệu quả bị mất đi khi các nhà thầu không đủ năng lực được lựa chọn thay vì những nhà thầu có năng lực nhưng không hối lộ.

Theo PCI 2014, Hà Nội nằm trong khu vực có mức chi phí không chính thức thấp trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên lại là địa phương có tần suất tham nhũng trong quá trình đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước cao hơn đáng kể. Còn Đà Nẵng, TP HCM, Đồng Nai có tần suất hối lộ tương đối cao trong quá trình đăng ký kinh doanh….

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, kết quả điều tra PCI 2014 cho thấy, qua phân tích về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với các quốc gia khác, bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ công… các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam cần cắt giảm chi phí không chính thức. Có như vậy Việt Nam mới trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chất lượng cao./.

Theo VOV


Lượt xem: 35

Trả lời