Kỳ thi THPT Quốc gia: Thầy trò căng thẳng vì quá tải kiến thức

Cập nhật 04/4/2019, 07:04:18

Khoảng 3 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Đây là thời điểm chạy nước rút của cả thầy và trò.

Hơn 73.000 học sinh Hà Nội tổng duyệt cho kỳ thi

Ngày 27 – 29/3, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức đợt kiểm tra khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 THPT trên toàn thành phố với 4 môn thi do Sở ra đề. Đây là cơ hội để các sĩ tử lớp 12 tập dượt làm quen với kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra vào tháng 6 tới, đồng thời rà soát lại hệ thống kiến thức đã học.

ky thi thpt quoc gia thay tro cang thang vi qua tai kien thuc hinh 1
3 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

Khoảng 3 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Đây là thời điểm chạy nước rút của cả thầy và trò, tuy nhiên do năm nay có một số điểm thay đổi nên khiến nhiều học sinh lo lắng…

Áp lực vì quá tải kiến thức

Chia sẻ về những điều lo lắng trước kỳ thi này, em Tuấn, học sinh (HS) lớp 12, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Em cũng như nhiều bạn khác đang gồng mình ôn thi với mong muốn có được kết quả tốt nhất. Vì vẫn có thêm kiến thức lớp 10, 11 trong đề thi nên chúng em phải học nhiều hơn, không dám bỏ phần nào. Nhiều khi mệt, uể oải nhưng chúng em vẫn cố gắng học ngày 2 – 3 ca…”.

Để chuẩn bị cho việc ôn tập giai đoạn nước rút kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đã tổ chức hội thảo để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả ôn tập. Em Đỗ Hà Chi, lớp 12D0, bày tỏ: “Bộ GD-ĐT công bố phần lớn nội dung thi là kiến thức lớp 12 nhưng kể cả có một phần nhỏ ở lớp 10, 11 thì HS không bỏ qua được phần nào nên sẽ phải học lượng kiến thức rất rộng. Trên lớp, một số thầy cô giáo dạy hơi nhanh nên học sinh khó theo kịp”. Học sinh Nguyễn Hà Vy, lớp 12 chuyên Anh 1 chia sẻ rằng, em có áp lực nhất định vì phải học thêm, luyện đề để bổ sung kiến thức. Em Tạ Bình Minh, lớp 12A, thì băn khoăn không biết độ khó và cấu trúc của đề thi thật có giống đề thi minh hoạ hay không. “Mong Bộ GD-ĐT không thay đổi độ khó của đề thi thật so với đề minh hoạ”, em Minh đề xuất.

Cô Bích Liên, Tổ trưởng tổ Tâm lý (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm), cho biết kết quả khảo sát được thực hiện trên 304 HS lớp 12 cho thấy, rất nhiều học sinh cảm thấy lo lắng, thậm chí hoang mang về kỳ thi THPT Quốc gia. Đây là tâm lý chung, có lẽ là của phần lớn HS lớp 12 hiện nay chứ không riêng HS Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đứng trước tâm trạng hoang mang lo lắng này, HS đã chuẩn bị những gì? 73,2% HS ôn tập kiến thức theo định hướng của thầy cô; 59,2% HS tập trung học chắc kiến thức lớp 12 và rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm (chiếm 49,5%). Có thể thấy sự chuẩn bị này của HS cũng là kết quả của một quá trình thầy cô giáo đồng hành với các con. Khi được hỏi, trong thời điểm hiện tại, đâu là phương pháp học mà các em cho là hiệu quả? Kết quả khảo sát của HS Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đem lại những câu trả lời rất cơ bản như: tự học, ôn chắc kiến thức cơ bản, làm nhiều dạng đề trắc nghiệm… là những lựa chọn được phần lớn HS đưa ra.

Qua cuộc khảo sát này, các em cũng cho biết môn thi các em tự tin là môn Giáo dục công dân; còn môn mà HS lo lắng nhất là Tiếng Anh (chiếm 58%) và môn Toán (chiếm 54%) bởi vì môn Toán khối lượng kiến thức nhiều, cách ra đề đa dạng… Một con số đáng lưu ý, đó là chỉ có 28% HS hiện nay có thể ôn tập kỹ nhiều lần các môn thi. Vậy 72% còn lại các emn đang cảm thấy thế nào trước khối lượng kiến thức và khoảng thời gian đếm ngược đến kỳ thi, và đâu là giải pháp để tháo gỡ vấn đề này giúp HS?

Phân loại HS để ôn tập, không “bỏ rơi” HS yếu

Các trường THPT tại Hà Nội bắt đầu tăng tốc cho học sinh ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia vào tháng 6 tới. Th.s Phan Trắc Thúc Định (giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) cho biết, ngay từ khi có lịch thi THPT Quốc gia 2019, nhà trường đã lập kế hoạch ôn thi theo chủ trương và bám sát yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Nhà trường và giáo viên cũng kết hợp phân chia học sinh lớp 12 để ôn tập và hướng dẫn các em sâu sát hơn. Cụ thể, với nhóm học sinh khá, giỏi, nội dung ôn tập được nâng cao nhằm hướng các em thi đậu vào các học viện, trường đại học như mong muốn. Còn nhóm đối tượng học sinh yếu hơn, mục tiêu và nội dung ôn tập giúp các em nắm chắc kiến thức sách giáo khoa và tập trung ôn luyện tất cả các bài lớp 12, nắm các dạng đề phổ biến nhất… Theo thầy Định, thời gian ôn luyện và phân chia đối tượng để ôn tập là rất cần thiết.

Thầy Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, thầy cô phải hiểu từng học sinh, không để học sinh nào bị bỏ quên, bị bất ngờ vì kỳ thi này. Bất ngờ là gì? Có thể lấy ví dụ, một học sinh bình thường là học sinh khá, điểm số cao nhưng đến lúc thi lại bị trượt tốt nghiệp; HS bị bất ngờ về tâm lý phòng thi do không được chuẩn bị trước đó, dẫn tới căng thẳng và làm bài không tốt. “Năm ngoái có trường hợp HS như vậy”, thầy Hoà nói và đề nghị giáo viên không để và không bắt học sinh học quá sức.

Với những HS có biểu hiện tâm lý quá căng thẳng thì phải động viên, giảm bớt áp lực cho các em. “Giáo viên phải có những cái…. “cù” trong giờ lên lớp, tạo ra không khí vui vẻ, giờ học nào cũng có tiếng cười… Tôi không đánh giá học sinh ồn ào là kém. Điều quan trọng là học tập trọng tâm, không dàn trải, không lo lắng đến kiệt sức vì điểm số, thành tích trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới”, thầy Hoà chia sẻ./.

 VOV.

Lượt xem: 10

Trả lời