Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tiếp tục chỉnh sửa

Cập nhật 24/5/2017, 13:05:53

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tiếp tục chỉnh sửa bảo đảm tính khoa học, liên thông, đồng bộ.

Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: sau gần 45 ngày công bố dự thảo chương trình giáo dục tổng thể lấy ý kiến, Ban soạn thảo đã nhận được khoảng 200 bài viết và 400 ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học.

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cơ bản về nội dung và cho rằng, dự thảo Chương trình giáo dục tổng thể đã quán triệt các quan điểm, tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thể hiện quyết tâm đổi mới ngành Giáo dục.

Tuy nhiên vẫn còn có những ý kiến băn khoăn hiện đang xây dựng chương trình tổng thể, tiếp theo xây dựng chương trình môn học và biên soạn sách giáo khoa liệu có kịp triển khai vào năm 2018-2019.

du thao chuong trinh giao duc pho thong tong the tiep tuc chinh sua hinh 1
Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông đã nhận được khoảng 200 bài viết và 400 ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học. (ảnh: KT)

Về vấn đề này, Ban soạn thảo chương trình giáo dục tổng thể khẳng định, việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới đã và đang được tiến hành theo đúng kế hoạch tổng thể.

Quá trình triển khai thực hiện bám sát lộ trình đề ra song không nóng vội, duy ý chí mà đặt ưu tiên cao nhất là đảm bảo chất lượng, hiệu quả của chương trình. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân và tiếp tục rà soát, chỉnh sửa  hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục nhằm bảo đảm tính khoa học, liên thông, đồng bộ và khả thi.

Cụ thể: Ở cấp tiểu học, điều chỉnh thiết kế chương trình hướng tới dạy học 2 buổi/ngày nhưng sẽ bảo đảm cho các trường chỉ có điều kiện dạy học 5 buổi/tuần vẫn thực hiện được đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc thống nhất trong toàn quốc, đồng thời chương trình có phần mở dành cho trường học 2 buổi/ ngày ở các địa phương có điều kiện đảm bảo.

Cấp trung học cơ sở, môn học và hoạt động giáo dục sẽ được thiết kế đảm bảo tính tiếp nối, kế thừa cấp tiểu học và đáp ứng yêu cầu giai đoạn giáo dục cơ bản và phân luồng sau trung học cơ sở.

Cấp trung học phổ thông, thực hiện dạy học phân hóa từ lớp 10; điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc, tự chọn ở các lớp 10, 11, 12 bảo đảm thống nhất theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện Việt Nam; điều chỉnh cách thức học sinh tự chọn môn học để vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh vừa có tính khả thi đối với khả năng vận dụng linh hoạt của nhà trường./.

VOV,


Lượt xem: 38

Trả lời