Ích lợi gì với một đoàn 600 VĐV dự SEA Games?

Cập nhật 12/9/2013, 13:09:24

Khi SEA Games ngày càng có xu hướng trở thành một kỳ festival liệu thể thao Việt Nam( TTVN) có cần thiết phải cử nhiều VĐV và quyết giành hạng cao?

Làng thể thao Việt Nam những ngày qua râm ran chuyện đội tuyển Vovinam của chúng ta sẽ phải nhường 7 HCV tại SEA Games vào cuối năm nay, rồi một đoàn thể thao khác cũng đòi phải có HCV nếu muốn đưa vovinam vào chương trình thi đấu ở SEA Games 2 năm sau đó.

Thậm chí, một môn thể thao phong trào như kéo co cũng được cân nhắc đưa vào chương trình thi đấu của một kỳ SEA Games. Những diễn biến mang tính chất cò kè, trả giá này khiến người ta không khỏi có cách nhìn khác đối với sự kiện thể thao lớn nhất khu vực này. Câu hỏi đặt ra là: Khi SEA Games ngày càng có xu hướng trở thành một kỳ festival thể thao của khu vực, liệu đoàn thể thao Việt Nam có cần thiết cử nhiều VĐV và quyết tâm giành thứ hạng cao, thay vào đó tập trung đầu tư cho Asiad và Olympic?

 
 

Trả lời PV VOV mới đây về vấn đề đầu tư cho các đội tuyển thể thao chuẩn bị SEA Games, ông Trần Đức Phấn, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT), vẫn khẳng định “tập trung các điều kiện tốt nhất cho các vận động viên tham dự SEA Games. Vì đây là nhiệm vụ chính, trọng tâm nên toàn ngành phải tập trung cho các vận động viên tham dự SEA Games tại Myanmar. Năm 2013 cũng là mốc để chuẩn bị cho các nhiệm vụ tiếp theo như ASIAD Incheon 2014, Olympic 2016 tại Brazil”. 

"Thể thao Việt Nam tham dự đấu trường SEA Games này khoảng 30 môn. Đến thời điểm hiện nay, trừ một số đội tuyển của các môn tập thể như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ hiện nay chưa tập trung. Còn lại các môn khác đã tập trung ngay từ giai đoạn ban đầu (tức là cuối năm 2012 – đầu tháng 1/2013). Với mục tiêu phấn đấu đứng thứ 3 trong các nước tham dự, nên ngành thể thao đã chuẩn bị lực lượng hết sức thận trọng. Điều đó cũng dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng hiện nay của các nước tham dự, đặc biệt là các nước trong tốp đầu như Thái Lan, Indonesia và chủ nhà Myanmar". – ông Phấn nêu rõ.

Tại SEA Games 26 ở Indonesia năm 2011, đoàn thể thao Việt Nam gồm 593 VĐV đã giành vị trí thứ 3 chung cuộc với 96 HCV. Còn lần này, dù bị cắt giảm nhiều môn cũng như nội dung thế mạnh, nhưng mục tiêu của thể thao nước nhà là giành ít nhất 70 HCV và xếp thứ hai chung cuộc.

Có một chút mâu thuẫn khi nhìn vào những mục tiêu đề ra của thể thao Việt Nam. Theo thông tin chưa chính thức, đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games lần này có số lượng VĐV và HLV dao động từ 650- 690 người, chưa kể lãnh đạo, chuyên gia và nhân viên phục vụ, tức là số lượng người cao hơn SEA Games trước, nhưng chỉ tiêu giành huy chương Vàng lại thấp hơn. Nếu cho rằng đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games lần này có nhiều VĐV trẻ, thuộc diện đào tạo và phát triển phục vụ kế hoạch dài hạn, thì các nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng cần công khai trả lời về câu hỏi: Có bao nhiêu VĐV trẻ dự SEA Games và thi đấu ở các môn thể thao nằm trong chương trình của Asiad và Olympic? Bởi rõ ràng, chương trình thi đấu của SEA Games với Asiad Incheon 2014, Olympic 2016 và xa hơn là Asiad tại Việt Nam 2019 chắc chắn có sự khác biệt nhiều về nội dung.

Mặt khác, nhìn từ thành công của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad trẻ châu Á ở Trung Quốc mới đây, chúng ta có thể nảy ra thêm câu hỏi khác: Phải chăng thể thao Việt Nam vẫn chưa đầu tư tập trung theo chiến lược và các nhóm thể thao trọng điểm đã được quy hoạch? Tại Asiad vừa qua, đoàn thể thao Việt Nam có hơn 101 VĐV tham dự 11/16 môn của Đại hội, giành 5 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ, xếp thứ 7/42 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 

Lý Hoàng Nam giành HCV giải Asiad trẻ (Ảnh: AFP).

Đáng lưu ý hơn, các VĐV giành huy chương lần này đều thuộc nhóm VĐV thi đấu ở các môn Olympic, như 3 tấm HCV, 1 tấm HCB của Nguyễn Thị Ánh Viên ở môn bơi, 1 HCV ở môn nhảy xa và tấm HCV đơn nam quần vợt của Lý Hoàng Nam. Ngoài ra các môn taekwondo và cử tạ cũng để lại dấu ấn đậm nét. 

Chính bản thân Lý Hoàng Nam sau khi trở về từ Trung Quốc cũng thừa nhận để có được tấm HCV đơn nam quần vợt lịch sử đó, VĐV 16 tuổi này đã phải trải qua một thời gian dài tập huấn cực khổ.

"Trước khi đi Asiad, em có qua New York 1 tháng, tập nhiều, tích lũy kinh nghiệm, thể lực lên, đến lúc vào đánh chung kết em cũng không mệt nhiều. Chuyến đi như vậy rất có ích đối với em". – Lý Hoàng Nam nói.

Còn HLV Trần Đức Quỳnh của Lý Hoàng Nam cho biết: "Giành được tấm HCV châu lục quả là điều không thể tưởng đối với những người làm quân vợt Việt Nam. Riêng bản thân tôi có 2 đêm không thể nào ngủ được, rất hãnh diện cho Việt Nam vì mình không có điều kiện như những nước phát triển khác, nhưng với ý chí quyết tâm thì có thể vượt qua mọi cái. PV Philippines đã mô tả rất trung thực rằng tay vợt nước họ đã bị cướp mất HCV vì sức mạnh kiên trì của tay vợt Việt Nam".

Cả Hoàng Nam và HLV của anh đều ý thức về vinh dự to lớn mà họ mang về cho thể thao nước nhà, nhưng chúng ta cũng cần nhận thức rằng đó là công lao của bộ đôi thầy trò VĐV quần vợt này đã đổ biết bao mồ hôi trên sân tập. Do đó, quyết định của Hoàng Nam- Đức Quỳnh không tham gia tập trung cùng ĐTQG dự Davis Cup hẳn phải có hơn một lý do trong đó. 

Câu chuyện của Lý Hoàng Nam không phải là ngoại lệ, bởi trước đó đã có trường hợp của Hoàng Quý Phước được đầu tư đi tập huấn ở Mỹ sau SEA Games 26, nhưng sau đó sớm trở về nước vì những lý do không mấy liên quan tới chuyên môn. Hậu quả là Quý Phước sa sút phong độ và lỡ mất cơ hội tới Olympic. Trong khi đó, Ánh Viên vẫn đang luyện tập theo phương pháp của chuyên gia người Mỹ và thành công xuất sắc.

Từ những câu chuyện của Hoàng Nam, Quý Phước hay Ánh Viên được tập trung đầu tư nhưng có thể thành công hoặc thất bại vì những lý do nằm ngoài chuyên môn, cho đến chuyện ngành thể thao Việt Nam tập trung hơn 1000 VĐV cho 30 môn tham dự SEA Games trong một thời gian dài, tham dự nhiều giải đấu, người ta rất khó thể phân biệt đâu là nhóm tuyển thủ trọng điểm hay nhóm môn chiến lược. Và cuối cùng, thể thao Việt Nam sẽ chẳng thể phát triển và thực sự hướng tới đẳng cấp Asiad, Olympic, dù luôn đứng trong top 3 của khu vực/.

Theo VOV


Lượt xem: 47

Trả lời