Hoa sữa hồ “Thuyền Quang”

Cập nhật 03/10/2017, 08:10:52

Thành phố ngủ riêng hoa sữa thức.

Góc hội tụ nhân tài                                                       

Tôi cố tình viết Thuyền Quang dù rành rành chữ đề tên phố, tên hồ: Thiền Quang, ánh đạo sáng. Lại còn ba ngôi chùa kế cận bên nhau dọc phố Trần Bình Trọng cũng mang những tên hoằng pháp: Pháp Hoa, Quang Hoa, Thiền Quang. Bởi mùi hoa sữa Hà Nội trong tôi gắn với một tên hồ tôi bắt gặp khi lần đầu đặt chân lên đất Thăng Long 70 năm về trước. Bà bán nước chè tươi trên bờ hồ phố Nguyễn Du giới thiệu với tôi tên cái hồ gắn bó với cả đời bà: Thuyền Quang. Gia đình bà, họ hàng, xóm giềng bà sinh sống bao đời nơi đây nhờ chiếc thuyền con đánh bắt cá hồ và đôi quang gánh chạy chợ.

“Chúng tôi vẫn gọi hồ Thuyền Quang từ hồi còn bé”, bà nói. Nửa hồ phía bà ngồi thời ấy đã hội đủ dáng dấp đô thị với những hàng cây đẹp, những người già thơ thẩn đón gió chiều, những dãy bóng đèn ánh đỏ lờ nhờ khi “Hà Nội lên đèn” – cụm từ văn hoa từng làm cậu trẻ mơ màng thuở học trường tỉnh xép hóa chẳng có gì lộng lẫy lắm, trong khi nửa phía bên kia vẫn dân dã, phố Trần Nhân Tông là con đường đất, tôi ngại đạp xe trên đường ấy lúc Hà Nội lên đèn.

hoa sua ho thuyen quang hinh 1
Một góc Hồ Thuyền Quang (Ảnh: Internet)

Hoa sữa Hà Nội nổi tiếng và thật sự có sức cuốn hút những người thân sống xa nhau, những đôi nam nữ Hai đứa đi trong mùi hoa sữa/ Hồ Thiền Quang mờ trăng và sương (thơ Hải Như), hay qua bộ phim kết thúc da diết: Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em/ Có lẽ nào anh lại quên em (nhạc Hồng Đăng). Hoa sữa nhìn từ xa đẹp thật, nhất là khi cánh hoa cùng với sương đêm rụng trắng mặt đường, nhưng mùi hương hình như hơi quá nồng với những ai thường xuyên gần gũi hoa.

Thật lòng tôi không thích mùi hoa sữa. Phải chăng hoa chưa thấu hiểu lời cụ Trạng Trình: “Tình người thoang thoảng thì hơn quá nồng”? Ngẫm ngợi miên man, tự dưng không nén được nụ cười khi nhớ một kỷ niệm cách đây chưa lâu. Kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô 10/10, Hội Giao lưu văn hóa Việt-Nhật có nhã ý tổ chức buổi gặp mặt giữa các vị đương kim lãnh đạo Hội hầu hết là văn nghệ sĩ thành danh với “các bác” đồng sáng lập viên của hội nay trời còn cho sống, tại một nhà hàng gần hồ Thiền Quang nức mùi hoa sữa.

Hôm ấy nhạc sĩ Hồng Đăng đang đợt đau khớp gối, vẫn chống gậy khó nhọc trèo qua mấy bậc thềm bước vào nơi hẹn. “Anh vẫn khỏe?” – nắm chặt tay tôi, anh hỏi. Tôi cười: “Không khỏe vẫn tới. Bởi… hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào Quang lại quên Đăng!”.

Đến những năm cuối thế kỷ trước, Hà Nội đổi thay đã nhiều, riêng ánh điện đường quanh hồ Thiền Quang thì vẫn đỏ quạch lúc trời sập tối. Ẩn hiện sau hàng cây hoa sữa qua ánh đèn đường không lúc nào sáng đủ công suất kia, những ngôi nhà kiến trúc cổ điển, mặt tiền chưa bị các bảng thương hiệu che khuất như ngày nay, từng là nơi dừng chân tạm ghé của nhiều danh nhân đất nước: Phạm Văn Đồng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát… nhiều bạn quý như Hoàng thân Xuphanuvong, nhà báo Úc Wilfred Burchett, nhà thơ Bungari Blaga Dimitrova, đặc phái viên báo “Nước Đức mới” Karl Hagel, đại diện Hãng thông tấn Nga Andrei Levin thành thạo Việt ngữ, tác giả bộ tiểu thuyết “Âm mưu hội Tam Hoàng” viết về các mafia người gốc Hoa tại Đông Nam Á…

Tại góc phố Nguyễn Du – Trần Bình Trọng có ngôi nhà bề thế, nghe nói vốn là nhà riêng của một điền chủ giàu nức tiếng Bắc Kỳ, sau giải phóng Hà Nội tháng 10 năm 1954 được dùng làm nhà khách. Kẻ viết bài này có lần tiếp nhà hoạt động xã hội Len Aldis, Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh Việt, tại đó. Sau buổi làm việc, khách ngỏ ý muốn thưởng thức hương vị ẩm thực cổ truyền Việt Nam. Tôi mời ông dùng cơm tám giò chả phố Huế.

hoa sua ho thuyen quang hinh 2
Len Aldis đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. (Ảnh: EastLondonNews).

Đưa bạn trở lại Nhà khách, hai người leo bộ ba tầng lầu, từ chân cầu thang giữa sân lên phòng VIP. Nhìn ông già tóc bạc lơ thơ vừa đi vừa thở, thi thoảng dừng bước lấy hơi, tôi hỏi bạn có mệt lắm không. Ông ôm ngực trái: “Tôi bị suy tim”. Con người suy tim đã cùng Hội Chữ thập đỏ nước ta phát động phong trào thế giới ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ấy tiếp tục dấn thân vì công bằng và lẽ phải cho đến hơi thở cuối cùng.

Lại nhớ một lần khác, tôi cùng bà xã được vợ chồng anh bạn người Pháp mời dùng đặc sản quê anh tại một biệt thự kín đáo nhìn ra hồ Thuyền Quang. Jean Pierre Debris là con người đặc biệt. Anh cùng bạn là André Menras, thời chiến tranh chống Mỹ đến hồi ác liệt, mang một lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam to đùng treo lên đỉnh tượng đài lính thủy đánh bộ trước trụ sở Hạ viện Sài Gòn vào lúc giữa trưa. Anh bị cảnh sát Sài Gòn tống vào nhà giam, đánh đập dã man, bắt ngồi tù mấy năm trước khi đuổi về nước.

Vẫn trên con phố mang tên Nguyễn Du từng có một ngôi nhà, một tòa báo, nay các nhà báo trẻ chẳng mấy ai tường, bởi nó đã đi vào lịch sử sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình: báo Thống nhất. Tờ tuần báo gắn bó với nhiều tên tuổi: Phạm Hùng người chỉ đạo, Dương Bạch Mai chủ nhiệm, Nguyễn Minh Vỹ phó chủ nhiệm, Lưu Quý Kỳ, Phan Thao, Nguyễn Chánh Sắt chủ bút, cùng một đội ngũ phóng viên, biên tập hầu hết người miền Nam. Số 1 báo Thống nhất ra ngày 19/5/1957, số cuối tập trung vào chủ đề nóng hổi: Sài Gòn giải phóng. Hội sở chính của Hội Nhà văn Việt Nam một thời ở phố Nguyễn Du, sau chuyển sang phố Nguyễn Đình Chiểu, bám trụ tại phố ấy, có vẻ như hội ta không lòng nào rời xa nổi Truyện Kiều và Lục Vân Tiên.

Các đường phố ven hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất đều mang tên danh nhân: Trần Nhân Tông, Trần Bình Trọng, Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn (vốn là đường Nam Bộ)… Cận kề hồ Thuyền Quang, cư trú nhiều nhà văn nghệ, báo chí tên tuổi. Các nhà báo Trần Quang Huy tổng biên tập tạp chí Cộng sản, Nguyễn Thành Lê chủ bút báo Cứu quốc sống tại phố Nguyễn Gia Thiều, song song vớiphố Nguyễn Du. Nhà các nhà văn Tô Hoài, Kim Lân cách con đường hoa sữa mấy trăm mét. Chiều nào Tô Hoài cũng lửng thửng mấy vòng quanh hồ.

Riêng một ngôi biệt thự cũ phố Nguyễn Thượng Hiền, cách bờ hồ vài chục bước chân, đã chen chúc gia đình bao danh gia: họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà phê bình văn học Hoài Thanh, nhà thơ Tế Hanh, nhà văn Nguyễn Văn Bổng cùng bạn đời nhà báo Hồ Vân…

Nhiều lần tôi đến thăm vợ chồng Tế Hanh và vợ chồng Vân – Bổng, khi ra về chầm chậm theo các bậc cầu thang rộng bước xuống sân, tôi tự hỏi có bao nhiêu tác phẩm để đời được sáng tạo nên tại chốn này? Nỗi ám ảnh nhà văn đi B Nguyễn Văn Bổng-Trần Hiếu Minh lúc ở rừng U Minh hay tại nội đô Sài Gòn, anh bày tỏ qua thư gửi con trai: “Con ơi, năm nay con học vỡ lòng, con được học chữ thích quá, con đừng ra hồ bắt cua như trước, rồi ngã xuống không ai vớt lên thì tội lắm và không gặp lại ba nữa…”. Chỗ cháu bé hay một mình lần xuống mép nước nghịch mò cua bắt ốc là bên cạnh ba ngôi chùa hoằng pháp, nơi đây còn có cái ngách dẫn vào nếp nhà của thi sĩ Mộng Tuyết và chồng, nhà văn Nguyễn Uyển Diễm…

Một làng cư dân Hà Nội

Một lần, tôi hỏi vui một đồng nghiệp, bạn vong niên thân thiết: “Anh cứ khoe mình là dân Hà Nội gốc. Vậy tôi hỏi anh, làng Thuyền Quang nằm ở nơi nào?”. Và tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe anh đáp:

– Thuyền Quang là làng quê em. Em sinh ra tại đó. Dân làng em ai cũng tự hào mình người Thuyền Quang.

Anh bình thản kể tiếp: Ngày xưa vốn là ba thôn: Thiền Quang, Pháp Hoa, Quang Hoa, thôn nào cũng có chùa riêng, nay ba ngôi chùa cùng dời về một phía dọc đường Trần Bình Trọng. Chùa làng em xưa ở vào nơi nay là góc phố Trần Nhân Tông – Nguyễn Đình Chiểu, hồi nhỏ em đi ngang qua còn nhìn thấy mấy cái tháp. Vua Minh Mạng cho sáp ba thôn làm một, mang tên Thiền Quang, thuộc tổng Vĩnh Nghiêm huyện Thọ Xương. Làng có hai giáp, Thiền Quang trên và Thiền Quang dưới. Em ra đời tại Thuyền Quang dưới, chỗ phố Trần Nhân Tông gần bến xe Kim Liên bây giờ.

Làng nằm trên khu vực đầm ao chi chít, phần đất nổi và phần mặt nước rộng xấp xỉ nhau, đan xen nhau. Muốn vào làng phải qua những lối đi hẹp, có đoạn bước lên mặt cầu lát ván ghép. Dân cư trú lâu đời sống xen dân nơi khác đến ngụ cư. Hầu hết sinh sống bằng nghề thả cá, nuôi lợn, trồng quất, trồng rau muống, làm đậu phụ…  Hồi bé, sáng mùng một Tết em vẫn ra đình làng xem chào cờ, nhìn các cụ thắp hương lễ tổ, cũng có khi mấy cụ chức sắc họp bàn việc làng. Trước đình, về phía trái còn có ngôi đền nhỏ em hay đến, luồn vào các xó xỉnh chơi. Sau một khoảng sân, có bức tường văn chỉ. Trước đình là dãy muỗm cổ thụ không biết trồng từ đời nào. Quân Nhật vào, xây boongke đặt súng cao xạ, chúng cho chặt hàng cổ thụ để khỏi hạn chế tầm nhìn… Trong ký ức em, làng Thuyền Quang xưa thật đẹp. Tất cả cảnh quan trên chấm dứt khi hình thành Công viên Thống Nhất.

– Làng mình có trồng cây hoa sữa?

– Em không thấy, dù em rất thích hoa sữa.

 Tôi không ngờ anh bạn hiểu biết sâu đến vậy. Đến lượt anh cười: “Các cụ bảo dòng họ em lắm “cử võ”, nhiều người phục vụ trong quân ngũ. Em là “cử văn” đầu tiên của gia đình.

Tôi nghĩ chắc các làng Thiền Quang, Pháp Hoa, Quang Hoa đều là dân tứ trấn về Thăng Long lập nghiệp, hóa ra không phải. Anh bạn bảo, các cụ nhà em nói dòng họ ta đến từ đất Thanh.

– Chắc là các cụ theo Lê Lợi và Nguyễn Trãi rời đất Lam Sơn ra giải phóng Đông Đô?

– Em không rõ. Có lẽ chẳng xa xưa đến vậy. Em chỉ biết, đến đời ông nội em là cụ Trương Công Phẩm, gia đình em khá giả nhất làng. Nhờ vậy cha em được ăn học, có bằng Certificat, 19 tuổi làm nhân viên Trường cao đẳng Khoa học (nay là Khoa Hóa Đại học Tổng hợp Hà Nội). Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả dòng họ em rời làng đi kháng chiến, lúc trở về tài sản không còn gì. Hai ông bác em làm công nhân nhà in Tiến Bộ mãi trên Việt Bắc. Cha em vào ngành quân dược, chẳng may ốm nặng, được cấp trên cho vào thành chữa bệnh, có nhiệm vụ mua hóa chất chuyển ra ngoài, và cũng là một đầu mối cho các bác hoạt động nội thành lui tới. Em ra đời tại Hà Nội là do vậy.

Anh cả em đang học Bách nghệ, sau tháng Tám 1945 tham gia hoạt động, được kết nạp vào Đảng làm cán bộ Đoàn, sau điều sang quân đội học Trường Lục quân khóa 6, tham gia chiến dịch Điện Biên, rồi tiếp tục tại ngũ cho đến tuổi hưu. Anh thứ hai em học Trường Mỹ thuật phố Yết Kiêu, tốt nghiệp khóa đầu tiên sau hòa bình (khóa Tô Ngọc Vân). Anh được biết nhiều nhờ bức tranh khắc gỗ “Cây gạo đầu bản” hiện bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện bảo tàng Đông phương học Liên Xô có mua một bản. Anh thứ ba em tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1967, vào bộ đội Sư đoàn 304, xuất quân ra làm Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật.

Riêng ông bà nội em có đến sáu người cháu gắn bó với nghệ thuật tạo hình. Em còn có hai người anh họ theo ngành nhạc, một là nghệ sĩ vĩ cầm Tổng cục chính trị thời chống Pháp, anh kia làm Trưởng đoàn văn công Binh chủng Phòng không, Không quân. Đứa cháu gái con ông anh cả em nay là Phó Giáo sư, Tiến sĩ…

– Riêng mình ông cử văn gắn bó với truyền thông?

– Em kể chuyện nhà để anh hiểu thêm về người Hà Nội. Các hậu duệ của những người sống nhờ chiếc thuyền nan và đôi quang gánh trên vai đã cống hiến cho cách mạng và đã thành đạt thế nào dưới chế độ mới. Bọn em luôn ghi nhớ lời cha em dạy. “Các con không biết cái nhục mất nước, khi Pháp gọi ta là dân annammít”. Bố mẹ em bốn lần tiễn bốn con đi bộ đội, không bao giờ tiễn xa quá cổng nhà. Em là con thứ năm, “cử văn”, bố mẹ cũng không ngăn khi em xin chuyền sang làm ở Thông tấn xã Giải phóng./.

Theo VOV


Lượt xem: 77

Trả lời