“Gió và tình yêu” thổi trên sân khấu

Cập nhật 01/9/2014, 07:09:12

Phe vé lại đi như mắc cửi trước giờ diễn của các đêm kịch tưởng nhớ Lưu Quang Vũ tại Hà Nội. Một cảnh tượng như những năm Lưu Quang Vũ còn sống, còn viết kịch. Người xem lại đến để thấy phận người, thấy gió và tình yêu thổi trên sân khấu của ông.

 


Cảnh trong vở Bệnh sĩ – Ảnh: nhà hát kịch vn cung cấp  

Chùm 5 đêm kịch Lưu Quang Vũ được tổ chức tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô đúng dịp nghỉ lễ 2.9. Bệnh sĩ, Hồn Trương Ba da hàng thịt của Nhà hát Kịch VN. Lời thề thứ chín, Mùa hạ cuối cùng của Nhà hát Tuổi trẻ. Vở chèo Nàng Sita của Nhà hát Chèo Hà Nội. Chỉ có Bệnh sĩ là mới, số còn lại đều đã dự Liên hoan vở diễn Lưu Quang Vũ hồi năm ngoái. Tuy nhiên đây đều là những tác phẩm xuất hiện đều đặn trong kịch mục của các nhà hát lâu nay.

Sống lại như tuổi 17

Không khó để nhận ra những người đi xem phần nhiều chẳng còn trẻ. Họ thường rơi vào khoảng trên dưới 40, 50 tuổi. Thậm chí còn cao hơn nữa. Ở độ tuổi đó, họ hầu hết đã trải qua những ngày trước đổi mới khi kịch Lưu Quang Vũ cho thấy sự nghẽn mạch trong một lối tư duy, cảm nhận được nhu cầu thay đổi của người người lớp lớp trong xã hội. Cũng chính công chúng ấy đã chứng kiến cả những ngày người ta khóc cho sự ra đi của 3 người trong gia đình nhà biên kịch nổi tiếng hồi năm 1988. Trong suốt chùm đêm diễn, cả ngàn người đã mua vé để đến Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô được sống lại như tuổi 17.

Nhưng, đằng sau 5 vở diễn đâu chỉ là câu chuyện tưởng niệm. Lưu Quang Vũ trở lại vì chính những câu chuyện năm ấy, những vấn đề xã hội mà ông tha thiết nói đến, vẫn còn hiện diện. Thậm chí, nó còn bùng phát trên một diện rộng hơn. Bệnh sĩ giờ đã có một tên mới: bệnh thành tích, bệnh kỷ lục. Lời thề trung thành với nhân dân đã bị nhiều công bộc vi phạm. Giá trị của lòng chung thủy trong tình yêu, sự bền bỉ trong tình bạn luôn luôn bị quyền lực thách đố. Những bài thi được biết trước đáp án đâu chỉ còn cá biệt, trong phạm vi một ngôi trường.

 

 
 

Lưu Quang Vũ trở lại vì chính những câu chuyện năm ấy, những vấn đề xã hội mà ông tha thiết nói đến, vẫn còn hiện diện. Thậm chí, nó còn bùng phát trên một diện rộng hơn

 

 

“Khi chúng tôi tìm lại các kịch bản của Lưu Quang Vũ, nhiều trong số đó đã không còn hợp với thời đại”, ông Chí Trung – Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói. Điều này đúng với Cô gái đội mũ nồi xám. Vở diễn kể câu chuyện xung đột giữa ước mơ, lý tưởng của người trẻ với những quan điểm đạo đức đương thời. Và bây giờ khi người trẻ đã tự do ra ở riêng, tự lập thì câu chuyện bỏ nhà đi “dạt” xưa không còn kịch tính đáng kể. Cũng như thế, khi chung cư thu nhập thấp cũng cao ngất thì ước mơ về một tòa nhà vươn lên mây cũng không còn đủ hấp dẫn để trở thành một hình tượng vừa đẹp vừa đầy ẩn ý.

Lấy bao dung, nhân hậu làm nền

Xuyên suốt thì cái nhìn bao dung, nhân hậu, câu chuyện cốt lõi về giá trị đã làm nên Lưu Quang Vũ, trong quá khứ và ở chùm các đêm diễn lần này. Những lời thoại mềm như nước, tuy lúc nào đó tạo mâu thuẫn gay gắt nhưng không tiêu cực. Có nhiều tình thương, có sự xót xa nhưng không xúi giục căm hận. Lưu Quang Vũ, qua câu chuyện kịch, cho người xem thấy một khuôn mặt nhà biên kịch dũng cảm, mạnh mẽ tranh đấu, nhưng cũng rất mềm dịu đúng như một nhà thơ.

 

 
Cảnh trong vở Nàng Sita – Ảnh: nhà hát chèo hà nội cung cấp

 

Phần lớn các vở diễn của ông lần này, khi ở cao trào, bao giờ cũng đặt ra một lựa chọn sinh tử. Cái chết tức thì của ông Trương Ba. Tòa án binh mà những người lính trẻ phải đối mặt. Án kỷ luật và có thể là vĩnh viễn không còn cơ hội bước chân vào giảng đường đại học… Vừa mạnh mẽ, vừa mềm dịu như thế nên lựa chọn sinh tử của ông bao giờ cũng thiệt thân. Để làm một xác tín, Trương Ba phải chết giữa một buổi trưa nhiều âm thanh cuộc đời, đẫm tiếng trẻ con nói. Nhưng phải chết để không bị xa lánh, ghẻ lạnh. Nhất là chết để được sống đúng là mình: “Tôi không muốn ở trong một đằng, ở ngoài một nẻo, tôi muốn được là mình, toàn vẹn”.

Lưu Quang Vũ ở thời kỳ đỉnh cao sáng tác, đã viết trong sự hối thúc của nhiều đoàn cho kịp dựng vở. Và để ăn khách, ông sử dụng chen lẫn nhiều yếu tố hài kịch như một nam châm. Sau này, cũng có lúc giới phê bình cho đây là một hạn chế. Tuy nhiên, bất chấp yếu tố hài đó, chất bi thương trong những vở kịch của ông vẫn luôn nổi trội. Chính những yếu tố này đã làm nên sức hút lớn của ông. Cùng lúc, đưa ra những thói xấu ông cũng nói rõ rằng không còn con đường nào khác phải sửa nó. Ông cũng nói chắc chắn sửa được nó vì xã hội vẫn còn những phẩm chất người trong những con người cụ thể này.

Xem kịch Lưu Quang Vũ để nhìn lại mình. Cũng là để thấy, như trong thơ ông “gió và tình yêu vẫn thổi trên đất nước tôi” nên gió và tình yêu ấy sau bao nhiêu năm vẫn thổi trên sân khấu. Nó cũng đặt câu hỏi, vì sao gió vẫn thế, tình yêu vẫn vậy mà lâu nay sân khấu của chúng ta thiếu những vở diễn mang hơi thở thời đại?

Cả giới sân khấu đã cùng nhau chạy…

Trong cuốn Lưu Quang Vũ di cảo, nhà phê bình Ngô Thảo viết: “An táng ba người ba tiêu chuẩn. Nhà thơ Xuân Quỳnh – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn – được an táng khu A Văn Điển. Còn Vũ mới chỉ cán sự ba (nên không được nằm gần vợ – PV). Và cháu Quỳnh Thơ có khu dành cho tuổi nhỏ.

May có mấy ngày chờ đợi, cả giới sân khấu đã cùng nhau chạy để cuối cùng đồng chí Trần Độ, Ủy viên Trung ương Đảng – Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương quyết định để 3 người có một suất mộ chung ở khu A nghĩa trang Văn Điển. Có lẽ đến giờ, đây vẫn là khu mộ gia đình duy nhất ở nghĩa trang này…

Để được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2, không thể không nói đến tình cảm, nhận thức và nhất là cách ứng xử rất đẹp của giới sân khấu. Sự đố kỵ tài năng là hiện thực khó tránh trong đời sống xã hội; đặc biệt được bộc lộ công khai trong giới văn nghệ sĩ. Bản thân Lưu Quang Vũ có nhiều lý do để bị kỳ thị: những năm quân ngũ không nghiêm túc, tính cả nể, hứa hẹn bừa, làm khổ bao cán bộ lãnh đạo các đoàn nghệ thuật; các vở đã viết không phải đều từ khá trở lên theo cách nói mà đạo diễn Xuân Huyền khiêm tốn tự đánh giá các vở diễn của mình. Nhưng nhờ sự đồng thuận của giới sân khấu, đặc biệt của các bậc trưởng lão trong Hội đồng xét duyệt của hội, biết nhìn đại cục, tổng thể, để kiên trì đề nghị giải thưởng xứng đáng cho tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ. Giải thưởng đó không chỉ giúp công chúng đánh giá đúng về một tác giả, mà còn là dịp cho công chúng thấy tầm nhìn, trình độ, tâm đức của những người có trách nhiệm trao giải”.

theo Thanh Niên Online


Lượt xem: 43

Trả lời