ÁM ẢNH NGÀY MƯA (Truyện ngắn)

Cập nhật 26/2/2014, 14:02:43

Chiều mưa thường làm tâm hồn ta dịu lại, thanh thản đến lạ lùng. Ngồi trước cửa, Liên thả hồn ra khoảnh vườn phía trước ngắm mưa rơi, nghe tiếng nước tí tách từ mái hiên chảy xuống chiếc thùng hứng ngoài sân. Cô lặng lẽ, chăm chú đếm nước rơi. Những giọt nước nối … Continue reading “ÁM ẢNH NGÀY MƯA (Truyện ngắn)”

Chiều mưa thường làm tâm hồn ta dịu lại, thanh thản đến lạ lùng. Ngồi trước cửa, Liên thả hồn ra khoảnh vườn phía trước ngắm mưa rơi, nghe tiếng nước tí tách từ mái hiên chảy xuống chiếc thùng hứng ngoài sân. Cô lặng lẽ, chăm chú đếm nước rơi. Những giọt nước nối nhau chảy thành dòng trắng mát. Tiếng nước như tiếng tích tắc đếm thời gian. Đều đặn. Đều đặn. Cô nghĩ về ngày mai, mơ về tương lai của mình: tất cả đều rực sáng, tươi đẹp, lung linh.

Ánh chớp sắc lạnh rạch ngang trời. Sau đó là tiếng sấm “đoàng” hung tợn xé ngang dòng suy nghĩ của Liên, cướp đi giấc mơ đẹp của cô; kéo cô quay tuột trở lại kí ức tuổi thơ hãi hùng ngày ấy…

Liên được sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn – một gia đình nghèo như bao gia đình nông thôn khác. Ngày nào cũng vậy, nửa buổi đến trường với tất cả niềm say mê con chữ, nửa buổi còn lại cô giúp cha mẹ làm công việc nhà. Những ngày mùa cấy, mùa gặt cô cũng ra đồng cấy gặt cùng mẹ cha. Tháng sáu năm ấy, Liên học xong lớp 10. Nghỉ hè, cũng là lúc quê Liên bước vào mùa cấy. Trời miền Bắc tháng sáu nóng lắm, tưởng như có thể nhìn thấy nước đang bốc hơi trước mặt. Gần trưa, ở những ruộng ít nước, cá chết nổi vì nóng, lũ cua cũng ngoi hết lên bờ, rúc vào những bụi cỏ để tránh nóng. Mặt trời gay gắt, chói chang làm rát bỏng da người. Nhưng cũng có những cơn mưa rào bất chợt ập đến, đang nắng đó, rồi một làn gió mang theo hơi nước mát lạnh từ đâu ùa đến. Sau đó là mưa.

 Hai mẹ con Liên đang cấy thì trời đổ mưa. Mưa giữa cánh đồng, trú ở đâu bây giờ? Thôi thì cứ cấy vậy, với lại mưa càng mát chứ sao. Mẹ nói to:

 – Nắng rát mát tối con ạ! Trời mưa nhanh tối lắm, cấy cho xong kẻo mai nhỡ nông giang(1) họ cho nước vào to lại khó cấy.

Liên không nói gì nhưng cô cảm thấy thích thú khi trời mưa. Mười sáu tuổi, cái tuổi căng tròn đẹp mọng, cái tuổi đầy mộng và thơ. Liên khỏe khoắn, luôn nuôi ước mơ trở thành mộ cô giáo trường làng. Liên vui, vừa ra mạ thoăn thoắt cô vừa thì thầm bài hát “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa: “Hạt gạo làng ta có bão tháng bảy, có mưa tháng ba. Giọt mồ hôi sa…Những trưa tháng sáu, nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy…”. Những chú cá, cua đang thoi thóp chờ chết nóng gặp được cơn mưa rào thì khỏe hẳn lên, chúng bơi dồn hết về phía mạch nước chảy ra mương, chen nhau vọt sang bên kia, mặc dù chúng chẳng biết được bên kia bờ điều gì đang đợi chúng.

Tiếng sấm “Ầm! Ầm!”. Những luồng sáng sắc lạnh chạy dọc ngang trên trời. Chớp xé trời rạch xuống khô khốc làm Liên giật mình. Cô sợ! Trên đồng, người ta vẫn đang cấy, chỉ người nào hết mạ mới chịu quảy quang gánh ra về. May gặp được cơn mưa, mát, người ta tranh thủ. Chứ cứ nắng như ban trưa thì không những cua ngoi mà người cũng phải ngoi ấy chứ. Mưa tạnh đột ngột như lúc bắt đầu mưa. Nhưng đằng đông, cơn mưa vẫn đen sì trời. Gió lại mang hơi nước đến…

Nước mưa thấm mát lạnh làn da Liên. Dầm mưa lâu, cô cũng bắt đầu cảm thấy hơi lạnh. Đôi tay ra mạ không còn nhanh được nữa, cây lúa liêu xiêu.

  – Mình ơi! Hai mẹ con nghỉ tay lên ăn cơm đã!

 Liên ngẩng lên. Bố mang cơm trưa ra cho hai mẹ con đây  mà. Mẹ rửa tay đi lên bờ. Liên cấy nốt nắm mạ dở cũng lên theo. Hai mẹ con giở làn cơm ra: cá kho khế, kho chay thơm phức. Trưa hôm qua, bố cũng mang cơm ra cho mẹ con Liên, tranh thủ bắt ít cá. Con nào chết mang về nấu cho chó, mèo. Con sống thì kho làm thức ăn cho cả nhà. Những chú cá rô ron cứ chỉ bằng hai đầu ngón tay thôi mà ngon đáo để. Bố gánh mạ xuống ruộng, vừa vứt vừa nói với lên:

 – Giờ tôi quay về nhổ mạ luôn. Hai mẹ con cấy hết mạ thì về nhé. Còn ruộng ở Đìa Buồng mai cấy. Ở Đìa Khóa nước to, chắc phải vài hôm nữa nông giang họ cho nước ra mới cấy được!

Hai mẹ con Liên ăn xong, uống vội hớp nước rồi lại lội xuống ruộng cấy. Bố bỏ hết những bó mạ trên quang gánh xuống ruộng, quay lên bờ, cho chiếc làn cơm vào một bên quang, quẩy về. Về còn đi nhổ mạ nữa. Ở quê Liên, vào mùa cấy, phụ nữ đi cấy, đàn ông ở nhà nhổ mạ. Mùa đông, chân mạ khô, người ta còn tranh thủ đi nhổ cả vào buổi tối. Nhưng đây là mùa hè, phải nhổ ướt, có nước nên vất vả hơn. Những nhà có hai ba người đi nhổ mạ thì mang theo gầu giai. Nhà Liên, có mình bố, ông cứ vác theo cái gầu sòng, khi nào ruộng cạn nước, mạ khó nhổ, ông lại lội xuống mương mà tát nước lên.

 Trời lại đổ mưa! Hạt nặng hơn lần trước. Những hạt mưa to rào rào đánh ngã, đánh nổi những cây lúa non chưa kịp làm quen với đất mới. Mẹ chép miệng thở dài: “Mưa to thế này thì không cấy được rồi con ơi! Lúa nổi hết!” rồi quay sang bảo Liên: “Thôi, đi nhặt hết những bó mạ xếp gọn vào một chỗ rồi về. Mai tạnh mưa, nước rút thì cấy”. Liên không nói gì, cô thấy lạnh, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Thu gọn tất cả những bó mạ vào một góc, Liên rửa chân tay bước lên bờ. Mẹ bới cống ruộng cho nước rút ra mương…

Ánh chớp sắc lạnh cùng với tiếng sét ghê rợn bất ngờ ngay bên khiến Liên co rúm người lại. Khi định thần, toàn thân cô rã rời, mềm nhũn, nước mắt cô giàn giụa, nghẹn đắng, cô gào lên đau đớn: “Mẹ! Mẹ ơi!”…

     Liên tỉnh dậy trong sự ồn ào, tiếng người nói, tiếng bước chân đi lại, tiếng kê bàn ghế. Cô nhớ lại chuyện gì đã xảy ra. Nước mắt lã chã rơi, lồng ngực quặn thắt. Mẹ co quắp, khô khòng sau ánh chớp lạnh lùng và tiếng sét quái ác ấy. Tiếng sét định mệnh! Bố Liên bơ phờ như người mất hồn. Ông ngồi bên quan tài mẹ, không khóc. Cả đời bố mẹ Liên, khó khăn vất vả nào họ chẳng cùng nhau trải qua! Vậy mà giờ đây, mẹ đi trước, đầy đau đớn!

      Ở quê Liên, người bị sét đánh không được thổi kèn , đánh trống, chỉ cho vào quan tài, bà con làng xóm đến thăm viếng, hôm sau là đưa ra đồng(2). Ra đồng rồi phải có người nhà canh mộ nữa. Bởi ở quê Liên, người ta nói rằng bọn trộm luôn đi chặt tay của những người chết do sét đánh vì có câu chuyện kể rằng: Từ lâu lắm rồi, từ ngày làng quê Liên còn là vùng đất ít người sinh sống, đồng bãi mênh mông, nhà cửa thưa thớt chỉ đếm trên đầu ngón tay, có người bị sét đánh. Số là người đó đi chăn trâu. Trời mưa, dắt trâu vào một gốc cây đa to để trú. Bỗng nhiên bị sét đánh, cây và người chết khô. Vậy mà con trâu không bị sao, nó hoảng quá, dựt dây bỏ chạy. người ta đưa người chết về, tự nhiên cánh tay người chết cứ giơ lên. Mọi người hoảng sợ khấn vái, nhưng cứ ấn cánh tay xuống thì nó lại dựng lên. Mọi người quyết định chắc có điều gì đó mà người chết còn muốn làm nên quyết định đi theo hướng tay người đó chỉ. Cuối cùng cũng tìm được con trâu đang ăn giữa bãi cói rộng mênh mông. Chẳng ai biết thực hư câu chuyện đó ra sao nhưng họ cứ truyền tai nhau như vậy. Cho đến bây giờ, người làng Liên vẫn tin rằng, khi có được bàn tay của người bị sét đánh thì bọn trộm sẽ dễ dàng đi ăn cắp hơn và đi lấy ở đâu trúng ở đó, không sợ bị phát hiện. Vậy là suốt cả tháng trời, bố Liên ăn nằm bên mộ mẹ ở bãi tha ma để trông cho ngôi mộ của người vợ xấu số khỏi bị quật đào, thi thể của người bạc mệnh khỏi bị xẻ cắt.

          Cái chết của mẹ làm cho Liên ngày càng ít nói, ít giao tiếp với mọi người. Liên vẫn đi học nhưng dường như bạn bè không còn nhìn thấy nụ cười nở trên đôi môi cô nữa. Lúc nào cũng là đôi mắt buồn, chực khóc. Và Liên đã khóc vào mỗi đêm, giọt nước mắt nhớ mẹ, giọt nước mắt thương cha. Bố Liên ngày một tiều tụy, hốc hác đi trông thấy. Mẹ Liên chết, nhiều người cảm thương nhưng cũng không ít người độc mồm, độc miệng. Họ nói rằng mẹ Liên bị trời phạt. Nhưng phạt vì cái gì mới được? Mẹ Liên cả đời sống hiền lành, bà con lối xóm chẳng mất lòng ai. Thế là họ lại  nói rằng do kiếp trước mẹ Liên ăn ở ác nên kiếp này bị quả báo. Người dân quê mà, họ không có ác ý gì nhưng phải cái nhiều chuyện và luôn lí giải mọi chuyện một cách mê tín; một đồn mười, mười đồn trăm; miệng truyền miệng, tin họ đưa đi còn nhanh hơn gió. Cuối cùng họ cũng đánh bật được bố con Liên ra khỏi làng, khỏi xã.

          Học xong phổ thông, Liên thi đỗ vào một trường Đại học trong Nam. Liên muốn đi, đúng hơn là muốn trốn khỏi những lời xì xào không hay về mẹ, mặc dù Liên biết đó không phải là sự thật. Nhưng nó luôn làm Liên thương mẹ, khóc ròng hằng đêm. Liên đi thật. Sau ba năm, sang cát mẹ Liên xong, bố cũng bán nhà cửa vào Nam nuôi Liên ăn học. Mua một ngôi nhà nhỏ trong hẻm, bố con nương tựa vào nhau, những mong quên đi kí ức đau buồn, hãi hùng ngày nào. Nhưng vết thương thân thể còn có lúc lành, còn vết thương lòng có lẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai. Nó như con sóng ở đáy sông, âm thầm, không nhìn thấy bằng mắt thường nhưng luôn mạnh mẽ. Mất mẹ Liên, cuộc sống của hai bố con lúc nào cũng trở nên chênh vênh, trống vắng.

Liên ra trường, xin làm cho một công ty, bố thuê một gian mặt đường mở quán cắt tóc. Cuộc sống của hai bố con thế là tạm ổn. Cuộc sống mới, tất bật với công việc cũng làm Liên dần nguôi đi nỗi đau mất mẹ. Trời mưa, lại đúng ngày nghỉ, bố thì vẫn ở tiệm cắt tóc, Liên ngồi ngắm mưa trước hiên nhà và mơ về một hạnh phúc tương lai xa xăm. Bỗng tiếng sấm chát chúa, ánh chớp sắc lạnh lôi tuột cô về hiện tại. Đôi mắt ướt đầm, cay sè, tâm hồn cô trống vắng, xót xa.

 

 

* Chú thích:

(1) Nông giang: người coi việc tưới tiêu cho cánh đồng của một làng.

(2) Ra đồng: đem đi chôn ở bãi tha ma.

Trương Thị Thúy (Bình Định)


Lượt xem: 46

Trả lời