Tuyến chi viện Trường Sơn và dấu ấn Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Cập nhật 10/4/2019, 07:04:51

Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến công ấy in đậm dấu ấn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.

Đầu năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra vô cùng quyết liệt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định giao Đại tá Đồng Sỹ Nguyên (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đặc trách Tổng cục Hậu cần tiền phương ở tuyến nam Quân khu 4) kiêm làm Tư lệnh Đoàn 559 (Đoàn vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn).

Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn chiến trường, thấm nhuần đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, trong gần 10 năm làm chỉ huy cao nhất tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn (1967-1975), Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có những chỉ đạo xuất sắc, góp phần quan trọng tạo nên chiến công kỳ vĩ của tuyến đường huyền thoại này.

tuyen chi vien truong son va dau an tu lenh dong sy nguyen hinh 1
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm và động viên các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn vận tải 101 trong chiến dịch mùa khô 1970-1971.

Xây dựng tư tưởng chiến lược tiến công

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới (“nhập tuyến”), Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khảo sát nắm bắt tình hình cầu đường và thế bố trí lực lượng toàn tuyến, đặc biệt là tại các địa bàn trọng yếu. Với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, vị Tư lệnh đã đề xuất với Đảng ủy Đoàn 559 đưa ra quyết định quan trọng: mọi lực lượng, phương thức vận tải trên đường Trường Sơn phải bỏ tư tưởng “phòng tránh” không phù hợp trước đây để chuyển hẳn sang lấy tư tưởng “tiến công” làm chủ đạo; cần nhìn nhận Trường Sơn thực sự là một chiến trường, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, từ đó thực hiện phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Tư tưởng “tiến công” ấy cần được quán triệt và vận dụng linh hoạt, cụ thể hóa đến từng lực lượng trên tuyến, nhất là đối với những binh chủng chủ yếu (cao xạ, công binh, vận tải).

Dựa trên tư tưởng “tiến công”, ông ra lệnh cho các binh trạm phải tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại chỗ để bảo vệ đội hình xe vận tải với khẩu hiệu: ‘Tất cả phải chiến đấu hiệp đồng binh chủng, tất cả phải phục vụ theo những bánh xe lăn”.

Đây là hình thức tác chiến ở trình độ cao, lấy đội hình vận tải làm trung tâm, bảo đảm thắng lợi cho những đợt vận chuyển, nhất là chiến dịch vận chuyển vượt trọng điểm có quy mô lớn. Để đạt được yêu cầu này, mỗi binh trạm vừa có nhiệm vụ phụ trách cung đường vận chuyển, nhưng đồng thời cũng phải thực sự trở thành một tổ chức chỉ huy chiến đấu thực sự của bộ đội hợp thành, phải biết nắm vững và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào chiến đấu theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Thực hiện phương châm chiến lược mới, từ ngày 23 đến 25/3/1967, Bộ đội Trường Sơn tổ chức trận đánh hiệp đồng binh chủng chiến đấu đầu tiên (gồm bộ đội vận tải, cao xạ, công binh) nhằm giải tỏa đèo Cốc Mạc (cây số 70-đường 128 Tây Trường Sơn), giải tỏa thành công cho 200 xe vận tải chở hàng vượt trọng điểm an toàn trước sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Thắng lợi của trận đánh này đã khẳng định cho tư tưởng “tiến công” là hoàn toàn đúng đắn, sau được áp dụng trên toàn tuyến trong suốt chiều dài chiến tranh. Từ năm 1967 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn đã đánh hơn 100.000 trận (chủ yếu là hiệp đồng binh chủng), bắn rơi hơn 2.300 máy bay các loại.

Xây dựng thế trận vận tải đa dạng rộng khắp, bảo đảm chỉ huy tập trung thống nhất

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về tinh thần đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nhiều lần khẳng định: đại ngàn Trường Sơn là “nóc nhà chung” của nhân dân ba nước Đông Dương, Bộ đội Trường Sơn vinh dự được sử dụng vị trí chiến lược đó là để mở đường vận tải chi viện chiến trường xuyên ba nước. Mặt khác, do địa hình phức tạp, hiểm trở, kẻ thù lại dùng mọi thủ đoạn đánh phá dữ dội, nên muốn giành thắng lợi thì căn cứ vào điều kiện cụ thể để ra sức xây dựng thế trận vận tải đa dạng, rộng khắp gồm nhiều phương thức (đường bộ, đường sông, đường ống, vận tải thô sơ, cơ giới…), nhiều loại hình (đường kín, đường vòng tránh,…), nhiều tổ chức lực lượng (binh trạm, sư đoàn vận tải, cơ giới, binh chủng…), gắn liền với bảo đảm chỉ huy tập trung thống nhất.

tuyen chi vien truong son va dau an tu lenh dong sy nguyen hinh 2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe báo cáo từ Tướng Đồng Sỹ Nguyên trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, năm 1970.

Thực hiện theo tư tưởng chỉ đạo đúng đắn của vị Tư lệnh chiến trường đề ra, dù kẻ địch đánh phá rất ác liệt (chỉ riêng thời gian 1965-1975, Mỹ đã huy động trên 700.000 lần chiếc máy bay, ném xuống Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn), nhưng đường Trường Sơn không ngừng phát triển, vươn sâu, vươn xa đưa người và hàng ra mặt trận.

Cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn năm 1975, tuyến chi viện chiến lược (cả Đông và Tây Trường Sơn), đã đi qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương có tổng chiều dài hơn 16.000 km, gồm 6 đường trục dọc theo sườn Đông và Tây Trường Sơn, 25 đường trục ngang vắt qua núi và một hệ thống đường nhánh toả ra các chiến trường, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” như cách gọi của các nhà sử học, quân sự phương Tây.

tuyen chi vien truong son va dau an tu lenh dong sy nguyen hinh 3
Xe vận tải vũ khí, hàng hóa của Đoàn 559 đang vượt qua trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc trên đường Trường Sơn để vào chiến trường – Ảnh: Văn Sắc

Toàn tuyến có trên 10 vạn cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 8 sư đoàn, 18 trung đoàn binh chủng độc lập trực thuộc và 1 sư đoàn phối thuộc của Bộ. Thế trận vận tải ấy rõ ràng đã vượt lên trên mọi toan tính và sức tưởng tượng của các nhà hoạch định chính sách phía Mỹ.

Khắc phục công tác chỉ huy cồng kềnh, nhiều khâu trung gian trước đây, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên rất coi trọng việc xây dựng hệ thống sở chỉ huy hiệp đồng binh chủng thống nhất trên toàn tuyến, bảo đảm giữ được thông tin liên lạc 24/24 giờ. Ngay cả Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn có riêng một trung tâm chỉ huy hiệp đồng binh chủng, nhưng cũng có cả hầm dành riêng cho tham mưu trưởng các binh chủng, hầm tổng đài thông tin liên lạc hỗn hợp… Tất cả đều nhằm giúp cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn nắm bắt chính xác diễn biến chiến trường, từ đó kịp thời đưa ra những chỉ đạo sát hợp trên toàn tuyến.

 Chỉ đạo Bộ đội Trường Sơn tích cực tham gia chiến đấu phối hợp chặt chẽ với chiến trường toàn miền, toàn Đông Dương

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ trung tâm là xây dựng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn chỉ đạo Bộ đội Trường Sơn tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu phối hợp chặt chẽ với chiến trường toàn miền Nam, cũng như chiến trường hai nước bạn (Lào, Campuchia). Đây cũng là một quan điểm chỉ đạo rất mới trong lịch sử vận tải quân sự.

Nhận rõ mối quan hệ biện chứng giữa đánh địch giành thắng lợi chiến trường, mở rộng vùng giải phóng, tạo thuận lợi củng cố, mở rộng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn và ngược lại, nên Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thường xuyên yêu cầu Bộ đội Trường Sơn không chỉ làm tròn nhiệm vụ vận tải quân sự chiến lược, đưa hàng bảo đảm đủ nhu cầu chiến trường, đồng thời phải trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ hậu cần chiến dịch, mỗi chiến sĩ Trường Sơn không chỉ vận chuyển giỏi mà còn tham gia chiến đấu tốt.

Đối với nhiều chiến dịch lớn, ông thường chỉ đạo xây dựng thêm một binh trạm để bảo đảm phục vụ, đồng thời sẵn sàng tổ chức lực lượng cùng tham gia chiến đấu. Chiến thắng của những chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (1968), Đường 9-Nam Lào (1971), cuộc tiến công chiến lược (1972), chiến dịch Tây Nguyên (1975),… đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4-1975) đã chứng minh rõ tư tưởng chỉ đạo đúng đắn ấy.

Ngoài ra, Bộ đội Trường Sơn còn tích cực phối hợp với lực lượng kháng chiến và nhân dân các bộ tộc Lào, nhân dân Campuchia mở nhiều chiến dịch tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng, qua đó góp phần củng cố tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, tăng cường tình đoàn kết, liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương. Đáp lại tình cảm sâu sắc ấy, nhân dân các dân tộc Lào và Campuchia trên tuyến hành lang đi qua đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà và góp phần xây dựng bảo vệ con đường trong suốt những năm dài chiến tranh.

tuyen chi vien truong son va dau an tu lenh dong sy nguyen hinh 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ( 6/12/2018). Ảnh: Chinhphu.vn

Tính chung trong 16 năm hoạt động (1959-1975), tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển được 1,4 triệu tấn vật chất các loại, giao đến các chiến trường và cho cách mạng Lào, Campuchia gần 600.000 tấn; đưa đón gần 2 triệu lượt người, góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến công hiển hách ấy là của chung toàn dân tộc, nhưng cũng in đậm dấu ấn của một cá nhân-Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Năm 1974, ông được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc cách phong quân hàm Trung tướng. Những chỉ đạo xuất sắc của ông trên đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa là tài sản quý giá, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh./.

Theo VOV


Lượt xem: 57

Trả lời