Quốc hội thảo luận Đề án phát triển vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật 01/11/2019, 09:11:29

Trước phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đi đôi với nguồn lực thực hiện.

Hôm nay 1/11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đề án tổng thế phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

quoc hoi thao luan de an phat trien vung dan toc thieu so  hinh 1
Quốc hội thảo luận Đề án phát triển vùng dân tộc thiểu số 

Theo tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật phong phú đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn nước cung cấp cho khu vực đồng bằng.

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiện nay vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

quoc hoi thao luan de an phat trien vung dan toc thieu so  hinh 2
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc, đoàn TPHCM
 Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng “Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,0 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 5%;

100% xã có đường ô tô đến trung tâm, theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải; 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa;

80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; sắp xếp ổn định 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm; hỗ trợ giải quyết 70%số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm so với cuối năm 2020; tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì 42%;

Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 50%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 10-15%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học phổ thông trung học trên 60%; thanh niên 15 đến 35 tuổi đọc thông viết thạo tiếng Việt trên 95%;

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số dân tộc thiểu số; 95% người dân tộc thiểu số biết nói tiếng dân tộc của mình trong giao tiếp; 80% xã, thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống; trên 80% phụ nữ được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thiếu cân xuống dưới 15%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85-90%.

Đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,5 lần so với năm 2026; không còn hộ đói; giảm 80% hộ nghèo so với năm 2020; phấn đấu 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực; trên 85% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân; giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát trong đồng bào dân tộc thiểu số; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

quoc hoi thao luan de an phat trien vung dan toc thieu so  hinh 3
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp

Góp ý Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trước phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần  quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết nhất hiện nay của vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo thứ tự ưu tiên, đồng thời ban hành chính sách phải đi đôi với nguồn lực thực hiện.

Việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn tới 1 nghìn 957 xã và 20 nghìn 176 thôn đặc biệt khó khăn. Đây là khu vực còn tồn tại “5 nhất” so với cả nước : vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế – xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; và tỷ lệ người nghèo cao nhất.

Việc Quốc hội dự kiến thông qua Đề án phát triển xã hội vùng đặc biệt khó khăn được các đại biểu Quốc hội đồng tình và nhận định đây là một bước tiến lớn. Trong đó, vấn đề đặt ra là tạo cơ sở hàng lang pháp lý hiệu quả để thúc đẩy phát triển khu vực này. Điểm mới của Đề án là Quốc hội ban hành chính sách và sau đó bố trí nguồn lực đảm bảo cho Đề án hoạt động có hiệu quả. Một số ý kiến cho rằng, thách thức khó khăn lớn nhất của đề án lần này là tạo ra cơ chế chính sách phát huy tính tự chủ của  người dân .

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đoàn Hòa Bình phân tích: “Cần thực hiện như thế nào để cùng với các nguồn lực của nhà nước, xã hội đầu tư phải khơi dậy được tính tự chủ, coi người dân là trung tâm thì Đề án mới thực sự đạt được hiệu quả, phát triển một cách bền vững những chính sách hỗ trợ, chính sách tạo điều kiện, thậm chí là đầu tư về cơ sở hạ tầng, bởi nếu người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn không phát huy nội lực của mình để bắt kịp được các mục tiêu, chính sách mà chỉ là trông chờ rồi mong muốn nguồn lực từ bên ngoài thì khi kết thúc chương trình sẽ không thu được kết quả như mong đợi”.
Một số ý kiến cho rằng, cần quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết nhất hiện nay của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo thứ tự ưu tiên như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư ở nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa – du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa, tri thức của đồng bào các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Vùng miền núi dân tộc thiểu số có những văn hóa riêng. Vì vậy giải pháp phải tôn trọng văn hóa cũng như tập quán của họ. Dựa vào đó đưa vào những giải pháp làm sao họ có thể giữ được tập tục, tập quán để tồn tại trong văn hóa dân tộc. Thứ hai làm thế nào phát triển nghề của mình, giúp người dân ở đó phát triển, tránh việc người dân phải di dân, tha hương rồi chúng ta mới đưa ra những giải pháp nhưng không hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, Đề án và quyết tâm thực hiện để nâng cao đời sống thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn là hết sức cần thiết, tuy nhiên, nếu chủ trương đúng mà quá trình thực thi chưa tốt thì hiệu quả cũng sẽ không được cao.

“Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách cụ thể, tuy nhiên phải nói rằng trong quá trình tổ chức thực hiện còn những mặt khiếm khuyết đó là: vấn đề con người, tài chính, tôi cho rằng cốt lõi đó là vấn đề tài chính. Cho nên lần này tôi nghĩ là Chính phủ cũng phải có phân kỳ dự trù ngân sách phân bổ vốn là trung và dài hạn để đầu tư quyết liệt cho vùng miền này mà đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, xã hội”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Vì vậy, theo các đại biểu Quốc hội, để Đề án Phát triẻn kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn phát huy hiệu quả, cần phải đặt mục tiêu phát triển trong tổng hòa các yếu tố, kinh tế- văn hóa- xã hội- an ninh- quốc phòng, từ đó phát huy lợi thế từng vùng, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi./.

Theo VOV


Lượt xem: 13

Trả lời