Quét sạch chủ nghĩa cá nhân: Một trong những ưu tiên hàng đầu trong xây dựng chỉnh đốn Đảng

Cập nhật 15/10/2021, 06:10:06

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực… trong nội bộ có nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân.

“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đây là một trong những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là một nội dung trọng tâm, vừa là một biện pháp rất quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tại Hội nghị Lần thứ 4 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ có nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận từ rất sớm những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và Người đã gọi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong.

Quan điểm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong gần 200 bài nói, viết về công tác xây dựng đảng, về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Và trong số đó, đáng chú ý nhất là bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng báo Nhân dân ngày 3/2/1969 kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng.

Quét sạch chủ nghĩa cá nhân: Một trong những ưu tiên hàng đầu trong xây dựng chỉnh đốn Đảng - Ảnh 1.

Với gần 700 chữ trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh thông điệp: Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân sẽ làm giảm lòng tin của dân với Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng. Vì vậy, Bác không dùng từ “Chống” mà phải là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Nhận diện kẻ thù bên trong là chủ nghĩa cá nhân đã quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải để mỗi cán bộ đảng viên phải nhận thức được sự nguy hiểm đó và chiến đấu để giữ mình trước những cám dỗ, những viên đạn bọc đường trước tiền tài, quyền lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương từ việc lớn đến việc nhỏ, nói đi đôi với làm, tất cả vì nước vì dân, không màng tới lợi ích cho cá nhân mình.

Trọn đời với cách mạng, với đất nước với nhân dân, cuộc đời của Chủ tịch Hồ chí Minh là một tấm gương ngời sáng với những phẩm chất cao quý: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây chính là những phẩm chất tiên quyết để làm việc vì sự nghiệp chung, đặt lợi ích công lên trên hết, trước hết; không tư lợi, vụ lợi, không vì lợi ích riêng để đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng tâm sự, mỗi khi đến thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Nhà 67 trong Phủ Chủ tịch: “Đến đây để ghi nhớ những lời dạy của Bác để cố gắng tự soi, tự sửa, tự rèn luyện mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ một cách hệ thống 10 loại bệnh nảy sinh từ “virus” chủ nghĩa cá nhân: Bệnh quan liêu, Bệnh tham lam, Bệnh lười biếng, Bệnh kiêu ngạo, Bệnh hiếu danh, Bệnh “hữu danh, vô thực”, Bệnh không trông xa, thấy rộng, Bệnh tị nạnh, Bệnh xu nịnh, a dua và Bệnh kéo bè, kéo cánh.

Có thể nói, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đối lập với đạo đức cách mạng. Nếu không có bản lĩnh và tự nghiêm khắc, rèn luyện mà chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân thì cá nhân đó sẽ lún từ sai lầm này đến sai lầm khác ngày càng nghiêm trọng hơn và cuối cùng là vi phạm pháp luật với những hậu quả đau xót.

Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp XI, XII và XIII, Hội nghị Trung ương 4 đều đặt lên hàng đầu thảo luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Với việc xác định chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và đó cũng là con đường rất ngắn dẫn đến sự phản bội lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, do vậy, tới đây kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Trong mỗi con người đều có cá nhân nhưng đừng đặt ham muốn tiền bạc, quyền lực cho cá nhân mình lên trên lợi ích của người khác, chứ chưa nói tới vơ vét những gì không phải mình làm ra. Được Đảng tin tưởng giao cho trọng trách đó là cơ hội để người cán bộ cống hiến vì cái chung, vì nhân dân chứ không phải là cơ hội để vinh thân, phì gia.

Sa vào chủ nghĩa cá nhân, quấn vào vòng xoáy của quyền lực và tiền bạc đó là đi ngược lại đường lối của Đảng và Đảng sẽ quyết tâm để loại những con người sa ngã ra khỏi đội ngũ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, phải trọng liêm sỉ đừng có bị chủ nghĩa cá nhân kéo xuống để thân bại danh liệt.

Theo VTV


Lượt xem: 22

Trả lời