Những cựu chiến binh vẫn giữ bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình

Cập nhật 04/12/2019, 07:12:32

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cựu chiến binh luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong mọi hoạt động,

Đại hội thi đua yêu nước của cựu chiến binh toàn quốc diễn ra trong 2 ngày 3-4/12 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989). Những người lính một thời trận mạc, giờ đây lại gặp nhau ở Hà Nội để chia sẻ những câu chuyện có thật, đầy cảm động về bản lĩnh người lính Cụ Hồ.

5 năm qua, đã có hàng ngàn cựu chiến binh trên cả nước nỗ lực không mệt mỏi, tỏa sáng tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái.

cuu chien binh: phat huy ban linh "bo doi cu ho" trong thoi binh   hinh 1
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Đại tá Huỳnh Trí (nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) – người đã cùng đồng đội tìm kiếm, quy tập, cất bốc hàng nghìn hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã có những chia sẻ hết sức xúc động.

Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn cho đến khi trở về nước, mang trên mình nhiều thương tật nhưng Đại tá Huỳnh Trí luôn tâm niệm, bản thân còn sống đến ngày hôm nay là may mắn và hạnh phúc hơn gấp vạn lần so với đồng đội, nên phải có trách nhiệm với đồng đội, anh em và gia đình khi điều kiện sức khỏe còn cho phép. Trong lòng ông luôn chất chứa khát khao tìm kiếm được hài cốt đồng đội để đưa về đất mẹ.

Tháng 3/1999, trong khi chờ quyết định nghỉ hưu, ông Huỳnh Trí đi tìm đồng đội hy sinh ở khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia và đã tìm được 152 bộ hài cốt liệt sỹ, đưa về các nghĩa trang quy tập. Nhiều lần, nhờ sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Việt Nam và Đồn Biên phòng bạn, ông cùng một số người sang Campuchia tìm được 11 bộ hài cốt.

Thời gian đầu, việc qua lại biên giới để tìm hài cốt liệt sĩ còn khó khăn bởi chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Campuchia, phạm vi thực hiện chủ yếu ở vùng ven biên giới. Trăn trở với công việc, ông Trí đã gửi thư tới ông Phạm Thanh Ngân – khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Không lâu sau, với sự vào cuộc, phối hợp giữa Chính phủ hai nước, công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam được chấp thuận.

“Theo thỏa thuận giữa 2 Chính phủ, ta được sang tìm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam trong 5 năm (2001-2005). Tôi nghĩ, thời gian này không đủ để ta tìm kiếm hết hài cốt nên tôi động viên anh em làm quyết liệt, ngày chủ nhật cũng đi đào, mưa bão, nước lũ cũng không nghỉ. Có ngày đào đến 7-8 giờ đêm, phần lớn những khu vực đào tìm hài cốt đều ở xa nơi đóng quân nên phải gánh cơm, gánh nước, vác cuốc, xẻng, xà beng… hành quân băng rừng, vượt suối hàng chục km”- cựu chiến binh Huỳnh Trí kể lại.

cuu chien binh: phat huy ban linh "bo doi cu ho" trong thoi binh   hinh 2
Ông Huỳnh Trí với những kỷ vật theo ông trong suốt cuộc đời binh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

19 năm đi tìm đồng đội cũng chừng ấy thời gian in dấu chân ông khắp các địa danh ở Campuchia, phải đối diện với không ít khó khăn, nguy hiểm. Ông chia sẻ, khó khăn gian khổ là vậy nhưng nhớ đến công ơn các anh hùng, liệt sĩ, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của bạn bè, đồng chí, đồng bào cùng sự động viên của gia đình đã làm động lực cho ông vượt qua khó khăn, quyết tâm đi tìm đồng đội. Nhờ thế, gần 20 năm qua, ông cùng đồng đội đã tìm được hơn 2.700 bộ hài cốt, có 306 bộ hài cốt được biết tên.

Đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước

 Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã động viên cựu chiến binh nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động ngăn chặn, đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trước tình hình một số địa bàn xảy ra những vấn đề bức xúc, phức tạp nảy sinh từ cơ sở, nhiều tổ chức Hội, hội viên cựu chiến binh với bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín, đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình; đồng thời vạch trần âm mưu thủ đoạn của các thế lực phản động, những kẻ cầm đầu xúi giục, lôi kéo người dân để tạo điểm nóng về an ninh chính trị.

Ông Lê Văn Điền – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, Quỳnh Lưu là địa bàn rộng, dân số đông, có đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo thiên chúa. Hội cựu chiến binh đã xác định, mỗi cán bộ, hội viên là một chiến sĩ xung kích và là một trong những lực lượng nòng cốt trên địa bàn bảo vệ an ninh ở cơ sở. Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp với các ban, ngành cùng cấp thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Hiện nay, toàn huyện có 100% xã, thị trấn đều thành lập tổ an ninh ở các chi hội, có hơn 2.300 lượt hội viên tham gia các tổ an ninh, tổ tự quản, các hội viên cựu chiến binh còn là thành viên của các tổ thanh tra nhân dân.

“5 năm qua, Hội đã phối hợp với công an cơ sở tổ chức tuần tra được hàng nghìn cuộc. Với trách nhiệm uy tín, cán bộ, hội viên đã tham gia hòa giải có kết quả 814 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; cảm hóa, giáo dục được 145 người lầm lỗi tiến bộ” – ông Lê Văn Điền cho biết.

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Quỳnh Lưu, năm 2016, lợi dụng sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, một số phần tử xấu, một số linh mục cực đoan đã tuyên truyền kích động lôi kéo một bộ phận giáo dân tụ tập đông người để phản đối, nộp đơn khởi kiện công ty Formosa, gây áp lực với chính quyền, gây rối an ninh trật tự ở địa phương. Một số linh mục cực đoan đã rao giảng nói xấu chế độ và có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, vi phạm giáo lý.

Với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện và Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã tập trung làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, định hướng dư luận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội trên địa bàn huyện và một số địa bàn lân cận.

“Chiến tranh đã chấm dứt hơn 4 thập kỷ, một chặng đường dài đầy gian lao vất vả đã đi qua nhưng con đường hướng tới tương lai tươi đẹp, thịnh vượng của đất nước ta vẫn còn nhiều chông gai, thách thức”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vậy tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước của cựu chiến binh Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cựu chiến binh luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong mọi hoạt động, kiên quyết đấu tranh chống diễn biến hòa bình và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ chế độ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Rất nhiều cựu chiến binh đã tham gia các chương trình phát triển kinh tế, các hoạt động xã hội, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng, trở thành những doanh nhân thành đạt.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, các cựu chiến binh luôn là những tấm gương sáng về giáo dục lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về ý chí và nghị lực phấn đấu, vươn lên cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo./.

Theo VOV


Lượt xem: 34

Trả lời