Ngày 5/6, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Cập nhật 05/6/2023, 06:06:01

Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật.

Bước sang tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 5, hôm nay (5/6), Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ngày 5/6, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành; giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ở lần trình này đã bỏ quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định về thời hạn sử dụng chung cư, trường hợp phá dỡ và làm rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Việc này, theo Chính phủ, để có cơ sở pháp lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp khó khăn, vướng mắc thực tế.

Trước đó, khi trình lại Chính phủ dự thảo luật này, Bộ Xây dựng cũng đề xuất không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Theo VTV

Lượt xem:

Trả lời