“Nga và Việt Nam: Tình hữu nghị đã trải qua nhiều thập kỷ”

Cập nhật 30/1/2020, 08:01:08

Trong 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nga và Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sáng tạo quan trọng về hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Hôm nay, 30/1, Việt Nam và LB Nga kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950 – 30/1/2020). Nhân dịp này, trên cổng thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Nga đã đăng tải bài viết của Bộ trưởng Sergei Lavrov, nhan đề: “Nga và Việt Nam: Tình hữu nghị đã trải qua nhiều thập kỷ”.

"nga va viet nam: tinh huu nghi da trai qua nhieu thap ky" hinh 1
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Sputnik.

Mở đầu bài viết, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nêu rõ, năm 2020 đầy ắp những ngày kỷ niệm trong lịch sử quan hệ Nga – Việt Nam và một trong những sự kiện có ý nghĩa nhất, đó là 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngày 30/1/1950, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận nước Việt Nam non trẻ, qua đó đặt nền móng cho tình hữu nghị lâu dài và hợp tác chặt chẽ giữa hai nước chúng ta.

Ngoại trưởng Lavrov khẳng định, hai nước đã cùng nhau trong những năm khó khăn của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì tự do và độc lập, đánh bật ngoại xâm, xây dựng hòa bình sau chiến tranh. Sự hợp tác giữa Moscow và Hà Nội đã vượt qua thử thách của thời gian, đã được củng cố và tăng cường, có tính chất đa dạng và thực sự đặc biệt.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ sự hài lòng rằng, những truyền thống đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau được đặt ra bởi các thế hệ đi trước đang được giữ gìn và nhân lên trong các điều kiện lịch sử mới. Nền tảng đáng tin cậy cho điều này là Hiệp ước giữa hai nước về các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ hữu nghị, được ký ngày 16/6/1994.

Nga và Việt Nam đã kỷ niệm 25 năm ngày ký kết văn kiện quan trọng này vào năm 2019. Năm 2001, sự hợp tác của chúng ta đạt đến cấp độ chiến lược và vào năm 2012 là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hiện tại, sự hợp tác tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong một loạt các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân Nga và Việt Nam.

Tiếp đó, Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng, đối thoại chính trị thường xuyên và có nội dung phong phú giữa hai bên luôn được duy trì, thể hiện mức độ cởi mở và tin tưởng lẫn nhau cao. Vào tháng 9/2018, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Nga, và vào tháng 11 và tháng 12 cùng năm, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga D.A. Medvedev và Chủ tịch Duma Quốc gia Nga V.V.Volodin đã thăm Việt Nam. Tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã sang thăm Nga, và vào tháng 12 Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Nga.

Những liên hệ chặt chẽ như vậy là yếu tố quan trọng trong sự phát triển quan hệ Nga – Việt và giúp giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế, điều này rất quan trọng khi đối mặt với tình hình khó khăn tiếp diễn trong khu vực và trên thế giới nói chung.

Bên cạnh đó, đối thoại trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh có tính chất truyền thống tin cậy chặt chẽ. Trao đổi qua kênh của các đảng chính trị và các tổ chức xã hội ngày càng sâu sắc.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga khẳng định, hai bên hài lòng về sự tiến bộ năng động của các mối quan hệ kinh tế trong các lĩnh vực truyền thống (năng lượng, sản xuất công nghiệp, giao thông, nông nghiệp) và trong các lĩnh vực đầy triển vọng mới (kinh tế kỹ thuật số, chính phủ điện tử, công nghệ “thành phố thông minh”, bảo mật thông tin và hệ thống truyền thông).

 Trao đổi thương mại song phương tăng nhanh. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên mà các quốc gia thành viên của Liên minh kinh tế Á – Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do vào tháng 5/2015. Việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định, cũng như gói các thỏa thuận song phương kèm theo đã cho phép vào năm 2018 kim ngạch thương mại song phương đạt 6,1 tỷ USD. Đây là một chỉ số kỷ lục cho toàn bộ thời kỳ hậu Xô Viết.

Cũng theo Bộ trưởng Sergei Lavrov, trong số các trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga – Việt là hợp tác năng lượng. Trong gần 4 thập kỷ, lá cờ đầu trong sự hợp tác của chúng ta, liên doanh Vietsovpetro, đã hoạt động thành công.

Các công ty hàng đầu trong nước của Nga là Gazprom, Rosneft, NOVATEK, Công ty Cổ phần Zarubezhneft cùng với Tập đoàn Dầu khí Petrovietnam thực hiện các dự án thăm dò và sản xuất hydrocarbon ở Nga và Việt Nam, thực hiện và đa dạng hóa hợp tác sử dụng những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất.

Đáng kể nữa là dự án xây dựng tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Rosatom, Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân, sẽ trở thành một trong những tổ chức khoa học chuyên ngành hàng đầu ở Đông Nam Á. Ông Lavrov tin rằng, chìa khóa cho các hoạt động thành công của Trung tâm trong tương lai là đào tạo các chuyên gia hạt nhân Việt Nam tại Nga.

Bên cạnh đó, niềm tự hào chung của hai nước là Trung tâm nghiên cứu và công nghệ nhiệt đới Nga – Việt, vừa kỷ niệm 30 năm thành lập. Bộ trưởng tin rằng, không có thứ tương tự trên thế giới. Ngày nay, Trung tâm nhiệt đới thực hiện một loạt các nghiên cứu trong lĩnh vực sinh thái, y học nhiệt đới, khoa học vật liệu vì lợi ích của các cơ quan và tổ chức của Nga và Việt Nam.

Bộ trưởng Lavrov chỉ rõ rằng, trong năm 2019 – 2020, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương, Năm Nga ở Việt Nam và Năm Việt Nam ở Nga đang được tiến hành với hơn một trăm sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, quân sự và kỹ thuật, khoa học và công nghệ, nhân đạo và phát triển hợp tác ở cấp liên vùng. Lễ khai mạc năm chéo, được tổ chức vào ngày 22/5/2019 tại thủ đô Moscow với sự chứng kiến của Thủ tướng chính phủ hai nước.

Ngoại trưởng Nga khẳng định, một hướng truyền thống hợp tác song phương khác giữa hai nước là giáo dục. Việt Nam vẫn nằm trong số các nước dẫn đầu về số lượng công dân được gửi đến học tại Nga. Trong những năm qua, hàng chục nghìn chuyên gia Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được đào tạo tại các cơ sở giáo dục của Nga.

Một lĩnh vực hợp tác khác mới nổi lên cũng được Bộ trưởng Ngoại giao Nga hoan nghênh, đó là du lịch. Năm 2019, khoảng 600.000 người Nga đã đến thăm Việt Nam. Số lượng người Việt đến Nga vì mục đích du lịch cũng ngày càng tăng.

Điểm quan trọng cuối cùng được Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, đó là sự hợp tác hiệu quả của hai nước trên trường thế giới, dựa trên sự trùng hợp hoặc sự gần gũi đáng kể về quan điểm đối với các vấn đề cấp bách của chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực.

Theo ông, Nga cùng với Việt Nam cam kết chắc chắn về việc hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng và dân chủ hơn dựa trên luật pháp quốc tế, trước hết, là trên các điều khoản chính của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Các cơ hội bổ sung để tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại đang mở ra liên quan đến việc Việt Nam được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong giai đoạn 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định, trong 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Nga và Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sáng tạo quan trọng về hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Những tình cảm hữu nghị và sự cảm thông chân thành giữa các dân tộc chúng ta đã trải qua nhiều thập kỷ, vẫn không lay chuyển, không chịu những biến động bởi hoàn cảnh. Cần phải giữ gìn di sản độc đáo này và truyền lại cho thế hệ trẻ. Bởi chính thế hệ trẻ sẽ phải tiếp tục mở rộng và tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga – Việt Nam./.

Theo VOV


Lượt xem: 13

Trả lời