Phóng viên Mỹ vạch trần sự hung tợn của tàu Trung Quốc tại nơi đặt giàn khoan Hải Dương-981

Cập nhật 15/7/2014, 20:07:27

Hãng tin CNBC (Mỹ) ngày 15.7 đã cho đăng bài phóng sự của phóng viên Eunice Yoon tường thuật lại chuyến đi cùng lực lượng tuần duyên Việt Nam đến khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Thanh Niên Online xin được lược dịch lại bài phóng sự của nữ phóng viên Yoon.


Tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi tàu Việt Nam ngay trong vùng biển của Việt Nam – Ảnh: Reuters

Chúng tôi lên một chiếc thuyền hướng ra biển Đông để đến nơi đang diễn ra cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cho rằng vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa là một phần của vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc, phía đang chiếm giữ Hoàng Sa, tuyên bố điều ngược lại.

Để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình, vào tháng 5.2014, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã kéo một giàn khoan vào vùng biển tranh chấp, dẫn đến đối đầu giữa 2 nước.

Trong một chiến dịch nhằm phản đối Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã tổ chức chuyến đi ra vùng đang có tranh chấp cho một vài phóng viên.

Chúng tôi được cho biết rằng chuyến đi sẽ kéo dài khoảng 1 tuần và sẽ được đưa sang tàu khác trên đường đi.

Cùng với lực lượng tuần duyên Việt Nam, chúng tôi khởi hành từ thành phố cảng Đà Nẵng, đi suốt đêm và đến sáng thì đã được chứng kiến tận mắt những gì đang diễn ra.

Từ trên boong tàu Việt Nam, chúng tôi thấy một chiếc tàu chiến Trung Quốc.

Khi đến gần giàn khoan Trung Quốc, chúng tôi được đưa sang tàu khác. Những người tiếp chúng tôi ở Việt Nam cho biết tàu lớn hơn sẽ dễ chạy thoát khỏi vòng vây đông đảo tàu Trung Quốc mà chúng tôi có thể gặp phải.


Tàu Trung Quốc lao vào tàu tuần duyên Việt Nam – Ảnh : TTXVN

Sau đó, chúng tôi có mặt trên con tàu CSB-8003 có tải trọng 1.600 tấn, có nhiệm vụ tuần tra khu vực gần giàn khoan Trung Quốc hạ đặt.

Trên tàu, tôi có dịp gặp gỡ thủy thủ đoàn do Thuyền trưởng Nguyen Van Hung chỉ huy.

Mỗi ngày, Thuyền trưởng Hùng và khoảng 30 thủy thủ của mình cố đưa tàu đến gần giàn khoan để nhắc nhở phía Trung Quốc rằng Việt Nam vẫn kiểm soát vùng biển này.

Hôm đó, tôi được cho biết rằng tàu Trung Quốc vượt trội tàu Việt Nam về số lượng với tỉ lệ 110 tàu Trung Quốc/5 tàu Việt Nam, nhưng chênh lệch này dường như không làm nản lòng Thuyền trưởng Hung.

“Giàn khoan này rõ ràng là nằm trong vùng biển Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thềm lục địa của Việt Nam”, anh nói.

Chúng tôi hướng về phía giàn khoan.

Giàn khoan Hải Dương-981 trông như một sân bóng đá dài, cao 40 tầng và được cho là có chi phí chế tạo lên đến 1 tỉ USD, theo CNOOC.

Thủy thủ trên tàu Việt Nam cảnh báo với chúng tôi rằng có 8 tàu Trung Quốc đang hướng về phía CSB-8003.


Các tàu hộ tống Trung Quốc co cụm quanh giàn khoan – Ảnh: Độc Lập

Khi đang ở cách giàn khoan 15 km thì một tàu tuần duyên Trung Quốc chắn ngang đường của chúng tôi, trong khi một chiếc khác thì lao thẳng vào tàu chúng tôi.

Tàu tuần duyên Việt Nam khi đó đã cho phát thông báo bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Việt, cảnh báo tàu Trung Quốc ngừng hoạt động khoan dầu và rời khỏi vùng biển của Việt Nam.

Nhưng thông báo này lại phản tác dụng khi nó khiến tàu Việt Nam trở thành mục tiêu của các tàu Trung Quốc.

Xa phía chân trời, có thêm nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện. Chúng tôi ngay sau đó bị bao vây và bị buộc phải quay đầu lại.

Suýt xảy ra sự cố

Vào hôm sau, chúng tôi được thấy một buổi lễ chào cờ của thủ thủy đoàn trên tàu trước sự chứng kiến của cánh phóng viên địa phương, những người sẽ cho phát sóng sự kiện này trên khắp đất nước.

Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc đối đầu tồi tệ nhất với phía Trung Quốc kể từ sau khi 2 nước giao chiến hồi năm 1979.

Chính phủ Việt Nam muốn người dân trong nước biết rằng Việt Nam đang chuẩn bị chống lại Trung Quốc.

Vài phút sau, tới giờ xuất phát và tàu chúng tôi lại hướng về giàn khoan.

Một tàu tuần duyên Trung Quốc hung hăng lao về phía tàu chúng tôi. Phía Việt Nam cho biết đây là một trong 9 con tàu Trung Quốc bám theo chúng tôi.

Con tàu này chạy với tốc độ cao và sẵn sàng húc vào tàu chúng tôi bất kỳ lúc nào. Nó tiến tới cách chúng tôi khoảng 100 m trước khi quay đầu khi chúng tôi tăng tốc.

Đại tá Tran Van Hau, một thành viên thủy thủ đoàn Việt Nam, kể với tôi rằng vào đầu tháng 6, tàu Trung Quốc đã tấn công chiếc tàu mà anh đang có mặt.

“Ban đầu, chỉ có một tàu Trung Quốc đuổi theo chúng tôi, nhưng rồi sau đó có thêm 2 chiếc nữa kè 2 bên tàu chúng tôi. Một chiếc tăng tốc rất nhanh và húc thẳng vào mạn phải ở phần đuôi tàu của chúng tôi. Sau đó nó tiếp tục tăng tốc lần nữa và cứ đâm vào tàu chúng tôi, khiến tàu bị thủng 4 lỗ”, anh thuật lại.

Nhưng người Trung Quốc lại không thắc mắc xem ai là kẻ hiếu chiến trên biển.


Mạn trái tàu kiểm ngư KN 951 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm rách nát – Ảnh: Nguyễn Tú

Quan điểm từ phía Trung Quốc

Sau chuyến bay ngắn từ Việt Nam tôi đến Trung Quốc tìm người có quan điểm hoàn toàn khác về xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Trên đảo Hải Nam cộng đồng ngư dân Trung Quốc đang rất phát đạt. Hòn đảo cực nam Trung Quốc này là bệ phóng cho những người đánh bắt xa bờ và lực lượng hải quân để hướng ra biển Đông.

Tiến sĩ Wu Shicun, một học giả nghiên cứu hàng hải giàu kinh nghiệm của Viện Nghiên cứu biển Đông Quốc gia Trung Quốc, dẫn tôi đến kho lưu trữ tư liệu để chỉ cho tôi vô số các bản đồ có đường lưỡi bò, đường biên giới trên biển mà Bắc Kinh cho rằng bao bọc lãnh hải của Trung Quốc ở biển Đông.

Tiến sĩ Wu nói đây là lý do vì sao Trung Quốc cảm thấy nước này có quyền đặt giàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và vì sao họ nổi giận khi tàu Việt Nam, theo khẳng định của Bắc Kinh là đâm tàu Trung Quốc hơn 1.000 lần.

“Những gì Trung Quốc đang làm là phản ứng với hành động đâm húc tàu Trung Quốc của phía Việt Nam. Những gì Trung Quốc đang làm là bảo vệ giàn khoan của chúng tôi", ông này nói.

“Sự thật là Trung Quốc giờ đang trở thành một thế lực có ảnh hưởng. Vì vậy Trung Quốc có quyền lợi phải bảo vệ”, vị tiến sĩ Trung Quốc này nói.

theo Thanh Niên Online


Lượt xem: 35

Trả lời