Hơn 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019

Cập nhật 20/11/2019, 09:11:26

Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vừa được thông qua sáng 20/11 có nhiều nội dung đáng chú ý như giờ làm việc bình thường, giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu…

Với 90,06% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 với nhiều nội dung liên quan mật thiết đến người lao động.

Hơn 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 - Ảnh 1.

Kết quả biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 sáng 20/11.

Có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường

Về thời giờ làm việc bình thường (Điều 105) quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

Không tăng giờ làm thêm

Về làm thêm giờ (Điều 107): Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Hơn 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết. Ảnh: TTXVN

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

Phải được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng;

Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Tăng tuổi nghỉ hưu

Về tuổi nghỉ hưu (Điều 169): Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Hơn 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 - Ảnh 3.

Hơn 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019. Ảnh: TTXVN

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ

Về nghỉ lễ, tết (Điều 112), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến, kết quả có 402 đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung này và có 370 đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung một (01) ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và ghi trong dự thảo Bộ luật, bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2/9

Sau nội dung này, trong ngày 20/11, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình xin ý kiến dự kiến sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014.

Hơn 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN

Những nội dung chủ yếu sửa đổi gồm: phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; chính sách về đầu tư kinh doanh; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; triển khai thực hiện dự án đầu tư; ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài…

Trong phiên họp tổ cho ý kiến về dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định đầy đủ, chặt chẽ về hành lang pháp lý cho loại hình dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê; quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chí phân địa bàn được và không được tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài; cân nhắc các ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài về đất đai bảo đảm với lợi ích của Nhà nước; tiêu chí chuyển nhượng dự án…

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội dự kiến sửa đổi 66 điều, bổ sung 01 chương (Chương VIIa về hộ kinh doanh) và 08 điều, bãi bỏ 01 điều so với Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nội dung cụ thể sửa đổi, bổ sung trình xin ý kiến bao gồm: phạm vi điều chỉnh; doanh nghiệp nhà nước; quyền của cổ đông; cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ và chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết; phát hành trái phiếu; Hộ kinh doanh và một số nội dung cụ thể khác.

Theo VTV


Lượt xem: 11

Trả lời