Đồng chí Lê Khả Phiêu: Luôn là ‘người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trận’

Cập nhật 14/8/2020, 13:08:16

Vĩnh biệt Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người đảng viên hơn 70 năm tuổi Đảng, người nhiệm vụ nào cũng “gắng sức làm”, người ở tuổi nào cũng “như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931-2020).

Sách “Lê Khả Phiêu – Ký ức thời gian” (Nhà xuất bản Thông tấn 2018) viết: “Ngày 27/12/1931, khi bình minh ló rạng tại một làng nhỏ xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cũng là lúc cậu con trai của gia đình người nông dân Lê Khả Phan cất tiếng khóc chào đời”.

Bắt đầu từ “Thời niên thiếu” như thế, sách viết đến “Bước đường trưởng thành” của người cán bộ Lê Khả Phiêu từ năm 18 tuổi (1949), tham gia Việt Minh và cách mạng tháng Tám, rồi làm người lính theo nghiệp binh, chuyển sang nhà chính trị và giữ nhiệm vụ cao nhất – Tổng Bí thư Đảng.

Ông làm lãnh đạo cao nhất của Đảng chỉ 3 năm 4 tháng (từ Hội nghị Trung ương lần thứ 4, tháng 12/1997) đến hết nhiệm kỳ (tháng 4/2001) và xin không tái nhiệm. Ông thôi chức và nghỉ hưu nhưng vẫn không mệt mỏi đi khắp mọi miền đất nước lo việc Đảng, việc nước, việc dân, cả việc miệt mài đi vận động xây dựng Quỹ học bổng cho quê hương hiếu học…

Còn nhớ trên những mặt trận Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), Trị Thiên (1965), Chiến dịch Mậu Thân (1968), Mặt trận 719 (1979 -1988)… bất chấp chiến sự ác liệt, địch phục kích, ông vào tận các chốt của hệ thống phòng thủ để nắm bắt tình hình và thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ. Ông giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ bằng cảm nhận đời sống, tâm tư người lính, bằng trái tim và tình thương yêu đồng đội, đồng chí. Làm sĩ quan hay tướng chỉ huy, lãnh đạo đơn vị hay lãnh đạo cấp cao, ông đi địa phương không cần người lo về an ninh vì: “Chẳng ai bảo vệ mình tốt bằng nhân dân”.

Lúc làm lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông nhận rõ việc gánh vác những trọng trách lớn của đất nước khi cả châu Á đang gồng mình chống chọi với khủng hoảng kinh tế tài chính (1997), thế giới bước vào thời kỳ toàn cầu hóa, quốc gia vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… Tổng Bí thư phải lắng nghe ý kiến để có đủ cơ sở đưa ra chủ trương, phải quyết đoán chính xác và phù hợp với tình hình và xu thế phát triển, phải bảo đảm sự thống nhất, đồng lòng trong bộ máy.

Giữ cương vị người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất, ông cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nỗ lực cao độ, dành tất cả tâm huyết của mình cho công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn. Ông đặt lại vấn đề cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mở ra bước đột phá trong công cuộc trọng đại xây dựng Đảng được đặt ra từ bấy lâu nay, là “hiện thân” của ý chí quyết tâm xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới mở đầu bằng ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ, ngày 02/02/1999.

Đặc biệt là việc đưa “Nghị quyết 6 (lần 2)” vào cuộc sống, bắt đầu bằng những cuộc kiểm điểm phê bình và tự phê bình rất nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn trong Bộ Chính trị, từ cá nhân Tổng Bí thư trở xuống. Ông chọn khâu đột phá là công tác cán bộ, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Ông bắt đầu việc bố trí, luân chuyển, sắp xếp, đến việc đề bạt, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo ở Trung ương và các địa phương.

Khi trở thành người đại diện cho Đảng lãnh đạo quốc gia, ông thực hiện những chuyến thăm thông lệ đến các láng giềng (tháng 2/1999), chuyến thăm mở đường đến Liên minh châu Âu (năm 2000) và là người đầu tiên tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu tại Thủ đô Hà Nội.

Ông cũng là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp đón Tổng thống Hoa kỳ (năm 2000) đến Việt Nam theo tư duy đổi mới “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”…

Những hoạt động đối ngoại này có tính lịch sử quan trọng, đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, đồng thời thu được nhiều thắng lợi trong xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và trật tự xã hội cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Cứ nghe Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thẳng thắn nói chuyện với Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton mới thấy tư thế và vị thế đất nước đổi mới trong thế giới chuyển biến nhanh đến nhường nào.

Ông nói “chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ” và “đối với Việt Nam, quá khứ không phải trang sử đen tối, đau buồn và bất hạnh, đối với người Việt Nam, quá khứ là gốc rễ, là nền tảng, là sức mạnh của hiện tại, tương lai” và “chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi”.

Đất nước những năm cuối thế kỷ XX vắt sang thế kỷ XXI, Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế và tiếp tục phát triển; Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ được ký kết; chủ trương ký kết Hiệp định biên giới với Trung Quốc và giải quyết việc cắm mốc biên giới được thi hành.

Đảng vững mạnh lên nhờ “kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị là một nhiệm vụ trong toàn bộ cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ có kết hợp chặt chẽ việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì công việc ấy mới có kết quả”. Đảng cũng vững tin vào sự lãnh đạo của mình hơn khi định chế cố vấn được đưa vào lịch sử, mở ra thời kỳ tự chủ, tự chịu trách nhiệm cá nhân trong phong cách lãnh đạo của Đảng.

Đời sống chính trị-xã hội đất nước được củng cố vì mối quan hệ Đảng với dân, người dân với chính phủ được từng bước cải thiện khi công tác cán bộ được đổi mới, từ việc bố trí, sắp xếp, đề bạt, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo ở Trung ương và địa phương. Cán bộ Đảng, Nhà nước các cấp là cán bộ của nhân dân, phải thực hành dân chủ rộng rãi trong việc tham khảo ý kiến nhân dân, làm cán bộ là phải gương mẫu cả trong lời nói và hành động, có như vậy mới làm gương và lôi kéo được quần chúng, mới tạo ra được phong trào cách mạng.

Ông thường lập luận: “Luôn khẳng định nhân dân vĩ đại, chế độ của dân, do dân, vì dân nhưng cán bộ không sát dân, không có tinh thần phục vụ nhân dân một cách vô điều kiện thì chưa được. Phải hiểu và thấy được khó khăn của người dân để giải quyết, chưa giải quyết được thì chân thành xin lỗi để người dân hiểu, thông cảm chứ vô cảm trước những khó khăn của người dân, thậm chí trước cả những nỗi đau, trước cảnh đói kém của người dân thì dứt khoát để mất lòng dân, không làm tròn vai trò công bộc”.

Trong cuộc đời binh nghiệp 5 lần được gặp Bác Hồ, ông nhớ nhất vẫn là lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (năm 1957) với lời căn dặn: “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Vì thế dù bận đến đâu cũng vẫn dành thời gian lắng nghe dân.

Ông nói đến việc tự soi mình, tự kiểm, tự phê và tự nhận: “Tớ thấy tất nhiên cũng có khuyết điểm, nhưng tinh thần đấu tranh không bao giờ nản, kể cả lúc nghỉ rồi. Đi cơ sở về, viết thư cho các anh ấy, nếu không được thì đến tận nơi nói chứ không nói ra ngoài, nghĩa là có nguyên tắc”. Nghỉ hưu và không “can chính”, nhưng ông thực hành nhiều hơn điều từng nói “phải tiếp tục nghĩa vụ của người đảng viên, khi tim còn đập thì còn cống hiến”. Anh em đồng chí bạn bè thừa nhận “Không ai có thể hối lộ, mua chuộc được anh Phiêu”.

Ông tâm sự với quân đội: “Điều đọng lại sâu lắng nhất sau nửa thế kỷ trong quân ngũ của tôi, đó là tình đồng đội – một tình cảm đặc biệt, gắn kết những người lính cách mạng với nhau, vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù”. Ông phân tích về cội nguồn tên gọi “Anh Bộ đội Cụ Hồ” và tán thành việc công nhận danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, sao cho “danh xưng và những giá trị của danh xưng này được gìn giữ, phát huy và nhân rộng”.

Ông động viên cán bộ nữ: “Đi học khó, nhưng khó cũng phải học… Đánh giặc Mỹ khó thế chúng ta còn làm được, chẳng lẽ có mấy con chữ lại không “đánh” được?”. Để ươm mầm và khuyến khích tài năng, xây dựng xã hội học tập, ông bắt đầu từ quê hương Thanh Hóa với việc lập Quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài từ năm 2015. Từ đó nhiều học sinh được nhận học bổng đã ra sức rèn đức, luyện tài học tập, phấn đấu, trưởng thành.

Đâu cần “cái quan định luận”. Đương thời vẫn luôn tìm tòi, suy nghĩ, khám phá, “nói đi đôi với làm”, miệng nói tay làm, nói ít làm nhiều, đột phá và sáng tạo, trọng dân và vì dân, chịu lắng nghe và dám chịu trách nhiệm, giữ nguyên tắc và  giữ đoàn kết; khi nằm xuống vẫn thấy trong tinh anh còn nguyên phong cách quân nhân một nhà lãnh đạo, còn mãi đức mẫu mực của người cộng sản trung trinh.

Đọc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1946: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, thấy người cộng sản Lê Khả Phiêu như là hiện thân của việc học tập và làm theo tinh thần, đạo đức tác phong ấy, gần 90 năm tuổi đời, gần nửa thế kỷ tuổi quân, hơn 70 năm tuổi Đảng, nhiệm vụ nào cũng “gắng sức làm”, tuổi nào cũng “như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”.

Theo báo Điện tử Chính phủ


Lượt xem: 21

Trả lời