ĐBQH nhất trí nâng tỷ lệ tối thiểu ĐBQH chuyên trách lên 40%

Cập nhật 26/5/2020, 13:05:35

Các đại biểu cho rằng, việc nâng cao tỷ lệ ĐBQH chuyên trách sẽ tăng cường nhân sự cho Quốc hội, giúp các hoạt động của Quốc hội chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, ở địa phương còn phải có thêm một số tiêu chuẩn riêng để làm cơ sở cho công tác bố trí cán bộ và theo dõi, đánh giá trong quá trình làm nhiệm vụ đại biểu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng là nhu cầu chính đáng, cần thiết nhằm nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng trong quá trình lựa chọn, giới thiệu cán bộ ứng cử đại biểu Quốc hội trong các nhiệm kỳ qua. Bên cạnh các tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, các văn bản chỉ đạo của Đảng còn đề ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể (như về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, lĩnh vực chuyên môn, vị trí công tác, kinh nghiệm, uy tín, độ tuổi…) với quy trình đề cử, giới thiệu chặt chẽ hơn. Qua đó, nhằm phát hiện, lựa chọn được những cán bộ xứng đáng, có năng lực, phẩm chất phù hợp để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội làm cơ sở cho cử tri xem xét, đánh giá, bầu chọn làm người đại diện cho mình tại Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã thể hiện đầy đủ các năng lực, phẩm chất mà người đại biểu Quốc hội phải có, cụ thể hóa quyền ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp quy định để áp dụng chung cho cả đại biểu Quốc hội là người do các cơ quan, tổ chức, do Đảng giới thiệu và đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng, người tự ứng cử. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ các nội dung này và không bổ sung các tiêu chuẩn trong Đảng làm tiêu chuẩn chung cho các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để cụ thể hóa trong Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đại biểu Quốc hội tái cử…) nhằm tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn, bầu ra được những đại biểu thực sự xứng đáng.

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc quy định trong Luật tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 2 Điều 23 theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu đề xuất, thực hiện các giải pháp phù hợp để bảo đảm bầu và bố trí đủ số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách như quy định của Luật.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đồng tình với việc nâng tỷ lệ tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là 40%. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần có quy định về cơ chế dành tỷ lệ 5% cơ cấu đại biểu hoạt động chuyên trách là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… hội tụ các điều kiện về sức khỏe, kinh nghiệm, năng lực và uy tín tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Quốc hội. Cũng có đại biểu cho rằng, không nên quá nặng về cơ cấu mà cần phải đảm bảo chất lượng đại biểu.

Các đại biểu cũng nhất trí với việc bổ sung quy định đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam nhưng để nghị cần quy định chặt chẽ hơn. Trong trường hợp ngoài quốc tịch Việt Nam còn có thể có thêm quốc tịch khác, như vậy sẽ dẫn đến tranh cãi về pháp lý.

Về công tác quản lý cán bộ đối với Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, một số đại biểu đề nghị làm rõ thẩm quyền phân loại, đánh giá đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý cán bộ ở địa phương và trung ương để bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác cán bộ đối với nhóm đối tượng này.

Theo VTV


Lượt xem: 21

Trả lời