Chủ tịch Quốc hội: Phải giám sát về công tác phòng, chống cháy nổ

Cập nhật 17/4/2018, 14:04:37

Cháy nổ xảy ra liên tục, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân nên Quốc hội cần giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật như thế nào.

Từ 190 nội dung đề xuất của các cơ quan và 35 nhóm vấn đề trọng tâm, sáng nay (17/4), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2019.

Bày tỏ cơ bản thống nhất với Tờ trình nhưng nhiều ý kiến vẫn khác nhau về nội dung các chuyên đề giám sát. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm chuyên đề như công tác thi hành án.

de xuat quoc hoi giam sat toi cao ve phong chong chay no hinh 1
Chủ tịch Quốc hội: Cháy nổ xảy ra nhiều, Quốc hội nên cũng phải giám sát

Cho rằng việc lựa chọn chuyên đề giám sát cần có tính thời sự, dư luận bức xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giám sát tối cao về lĩnh vực tư pháp như công tác thi hành án. Ngoài ra, cháy nổ xảy ra liên tục, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân nên Quốc hội cũng phải giám sát xem công tác thực hiện chính sách pháp luật như thế nào, nhưng giám sát ở mức tối cao thì hơi rộng.

“Luật có rồi nhưng anh xây dựng công trình, quản lý và vận hành công trình có thực hiện đúng chính sách pháp luật hay không? Qua đó đánh động với các cơ quan nhà nước và nhân dân về ý thức phòng chống cháy nổ, bảo đảm tài sản, tính mạng của nhân dân” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Xây dựng nhiều chung cư, cao tầng trong nội đô thì bảo sao không tắc đường. Việc quản lý quy hoạch và xây dựng công trình đô thị như thế nào?”

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng lưu ý công tác phòng chống cháy, nổ hiện nay là vấn đề lớn, liên quan đến việc thực hiện nhiều luật cũng như trách nhiệm của chính quyền đến người dân nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần giám sát. Ngoài ra, đất đai đô thị cũng là vấn đề rất được dư luận và cử tri quan tâm.

Đánh giá nội dung lĩnh vực tư pháp còn ít, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, cả một kỳ không có giám sát nào về tư pháp là không được. Bởi, công tác thi hành án cả về hình sự, dân sự cũng là vấn đề.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị xác định lại thời điểm giám sát cho phù hợp, bởi 10 năm là dài trong khi luật thay đổi nhiều; đề nghị nên lấy thời điểm luật liên quan có hiệu lực và chỉ gói gọn trong nhiệm kỳ khóa XIII trở lại đây.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ tiếp thu và nghiên cứu chỉnh lý tên gọi cũng như thời gian cho phù hợp. Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu Văn phòng Quốc hội tổng hợp các ý kiến, tiếp thu và chỉnh lý Tờ trình để xin ý kiến chính thức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội./.

Theo VOV


Lượt xem: 19

Trả lời