“Chân vấy bùn, tay lấm bẩn” làm sao có thể nêu gương, giáo dục người khác

Cập nhật 01/6/2023, 07:06:46

“Nếu chân tay đã vấy bùn mà còn tiếp tục đi giáo dục người khác là anh không thể làm gương; che giấu khiếm khuyết của mình, dối trá để đi dạy người khác là không thể chấp nhận được. Chọn cán bộ như thế mà “soi” người khác thì không thể hiệu quả, nhiều khi bị phản ứng trở lại”, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không ít lần đã sử dụng những câu ca dao, thành ngữ, những lời răn dạy của người xưa để nhắc nhở cán bộ đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức, phẩm chất.

 

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa yêu cầu cán bộ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình… Đặc biệt, người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh phải hết sức tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người!”.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nêu rõ, cán bộ đảng viên trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, phải biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cùng với câu ca dao “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, ông còn dẫn ra hàng loạt lời dạy của người xưa như: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, hay “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”, “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”, “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”, đồng thời nhấn mạnh, cán bộ lãnh đạo là đầy tớ của dân, phải gương mẫu, giữ gìn.

Câu ca dao “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người” phê phán các thói xấu, soi mói người khác, khi chính mình có rất nhiều tật xấu mà không chịu sửa đổi; ngụ ý khuyên con người ta nên sửa mình trước đã. Trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng hôm nay, ý nghĩa của câu ca dao ấy vẫn mang giá trị sâu sắc.

Tự soi, tự sửa hay tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Vì vậy, Đảng yêu cầu mọi đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương trước quần chúng để tăng cường sức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Cũng vì thế, việc thanh tra, kiểm tra đối với việc tự soi tự sửa là một yêu cầu cấp thiết.

“Chân vấy bùn, tay lấm bẩn” làm sao có thể giáo dục, nêu gương cho người khác

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học – Chiến lược và Lịch sử Công an, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Công an Nhân dân cho rằng, việc Tổng Bí thư sử dụng ca dao, thành ngữ của tiếng Việt trong chỉ đạo công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đã góp phần tạo nên một phong cách riêng có của Tổng Bí thư. Không chỉ trích dẫn nghị quyết hay sách kinh điển trong các bài viết rất hiệu quả, người đứng đầu Đảng ta còn vận dụng ngay những đúc kết trong dân gian, gần gũi với mỗi cán bộ đảng viên, với người dân, kết hợp với cách diễn đạt thủ thỉ như khuyên bảo, nhắc nhở thân tình, khiến cho những lời răn dạy, giáo dục của Tổng Bí thư thấm sâu vào suy nghĩ, nhận thức của mỗi cán bộ đảng viên, từ đó chuyển tải thành sức mạnh, khích lệ ý thức làm theo ở mỗi người.

“Với cách làm này, nhất là trong các bài phát biểu, giao lưu với cử tri và người dân, Tổng Bí thư đã thành công khi truyền đi thông điệp tự soi, tự sửa trong cán bộ đảng viên, khuyến khích người dân ủng hộ xây dựng Đảng. Đó cũng là một cách chuyển tải nghị quyết của Đảng vừa dễ hiểu, vừa sâu sắc mà không hề khô cứng”, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái nhận xét.

 

Cũng theo Thiếu tướng Thái, việc học tập nghị quyết hiện nay nếu cứ thực hiện theo kiểu sơ cứng, giáo điều không thể thấm vào tư tưởng, tình cảm mỗi đảng viên cũng như nhận thức của quần chúng nhân dân. Nhưng qua lời của Tổng Bí thư, nghị quyết của Đảng được truyền đến nhân dân không phải bằng những con số, bằng trích dẫn hay những câu cú có tính chất bác học mà dẫn nạp bằng ngôn ngữ đời thường, bằng văn học dân gian, như ca dao, tục ngữ, thành ngữ phù hợp với đời sống của cán bộ, nhân dân. Cách làm đó thực sự mang lại hiệu quả.

Trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực, yêu cầu tự soi tự sửa cần phải có thanh tra, kiểm tra, đúc kết kinh nghiệm, phát hiện những nơi làm tốt để nhân điển hình và xử lý nghiêm bằng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với những cán bộ đảng viên làm sai, vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng. Lời nhắc nhở của Tổng Bí thư còn đặc biệt dành cho những người làm công tác thanh tra, kiểm tra, thậm chí cả người đi điều tra vụ việc, cũng phải giữ cái tâm trong sạch, trong sáng, chí công, vô tư, công minh, chính trực thì mới phát hiện được cả cái xấu, phát hiện được tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ cái tốt. Người làm công tác thanh tra, kiểm tra mà “chân vấy bùn, tay lấm bẩn” làm sao có thể làm gương cho người khác, giáo dục được người khác.

“Nếu tiếp tục đi giáo dục người khác là anh không thể làm gương; che giấu khiếm khuyết của mình, dối trá để đi dạy người khác là không thể chấp nhận được”, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.

Ở đất nước do Đảng ta lãnh đạo, yêu cầu tự soi tự sửa đối với mỗi đảng viên để nâng cao uy tín, tăng cường sức chiến đấu của Đảng là yêu cầu sống còn. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, yêu cầu đó càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thực tế đã chứng minh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, đảng viên luôn phải là lực lượng tiên phong, đi đầu nêu gương về đạo đức, trí tuệ. Để nêu gương cho quần chúng, người đảng viên phải tự soi, tự sửa mỗi ngày để hoàn thiện nhân cách của mình. Ngược lại, chỉ cần lơ là, chểnh mảng tu dưỡng trong hoàn cảnh đời sống diễn biến rất nhanh và phức tạp, anh có thể sa ngã bất cứ lúc nào. Một đảng viên bị mất uy tín trước quần chúng cũng có nghĩa Đảng bị mất đi một phần uy tín. Từng đảng viên làm tốt thì Đảng sẽ mạnh lên và tăng thêm uy tín với nhân dân.

Trong bối cảnh đất nước đang đối diện với nhiều khó khăn cả ở trong và ngoài nước, vai trò của đảng viên, với việc tự soi, tự sửa để trở thành trụ cột lãnh đạo đất nước, lãnh đạo địa phương, đơn vị, trở thành tấm gương tin cậy của nhân dân càng quan trọng hơn lúc nào hết.

“Hạnh phúc của Đảng ta là cho đến nay vẫn giữ được niềm tin, gắn bó của nhân dân; người dân sẵn sàng giúp đỡ Đảng trở thành đội tiên phong lãnh đạo cách mạng, đất nước. Công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng của Đảng thời gian qua không chỉ củng cố lòng tin của nhân dân mà còn góp phần củng cố uy tín của đất nước trên bình diện quốc tế. Niềm tin ấy theo tôi là rất quý hiếm, nó chứng tỏ đông đảo đảng viên vẫn giữ được bản chất của người cộng sản về nhân cách, đạo đức”, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm.

Tham nhũng tràn lan sẽ tạo ra một xã hội bất công

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng, một bộ phận nhỏ cán bộ đảng viên và lãnh đạo các cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn tới vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật tuy mới chỉ là cá biệt, nhưng nếu để tình trạng đó kéo dài, số đông đảng viên tiếp tục sa sút phẩm chất, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật khi đó niềm tin của nhân dân đối với Đảng sẽ suy giảm. Hơn lúc nào hết, Đảng phải lãnh đạo đảng viên bằng nghị quyết, bằng nêu gương, bằng giáo dục, thuyết phục và bằng kỷ luật để Đảng ngày càng mạnh lên và số người vi phạm về đạo đức ngày càng ít đi, uy tín của Đảng ngày càng tăng lên.

“Có quan điểm lo ngại nếu đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, cán bộ sẽ vì sợ sai mà không dám làm. Nếu vậy, theo tôi cần phải đặt vấn đề ngược lại, nếu không chống tham nhũng, không xử lý những kẻ tham nhũng thì Đảng sẽ mất uy tín, nhân dân không tin vào Đảng; thậm chí tình trạng tham nhũng tràn lan như thế sẽ tạo ra một xã hội bất công, lệch chuẩn giữa những kẻ tham nhũng với người dân thì đời sống xã hội sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều”, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm.

Ông khẳng định, nếu không chống tham nhũng, để tham nhũng lôi cuốn cả xã hội trượt theo sự bất công bằng, trượt theo những việc làm xảo trá của những kẻ tham nhũng, xã hội sẽ rối loạn, ngày càng bất công, những kẻ nhiều tiền, lợi ích nhóm khống chế, chia phần trong xã hội, người dân lại càng khổ cực.

“Chống tham nhũng không ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, mà nó góp phần làm trong sạch bộ máy thì kinh tế càng phát triển, bởi không gây ách tắc, phiền nhiễu. Tham nhũng mới gây ách tắc, cản trở sự phát triển lành mạnh. Kỷ luật Đảng nghiêm minh, pháp luật nghiêm minh, cán bộ làm việc chí công, vô tư, người dân phấn khởi, ủng hộ thì kinh tế-xã hội mới càng phát triển mạnh”.

Nêu quan điểm như vậy, ông Nguyễn Hồng Thái cho rằng, cách làm của Đảng ta hiện nay đang đi đúng hướng, đó là vừa chống tham nhũng vừa phát triển kinh tế; vừa xử lý cán bộ sai phạm để làm gương, vừa tìm người tài, người tốt thay thế những “con sâu, con mọt”, thậm chí thay thế cả những người sợ sai không dám làm.

Tuy nhiên, theo ông Thái cũng cần phải thừa nhận, có nhiều luật, nhiều quy định còn mâu thuẫn, khiến người ta làm chỗ này nhưng vướng chỗ kia, dẫn tới tâm lý không hiểu làm thế đúng hay sai? Cùng thực hiện đúng pháp luật nhà nước nhưng đúng luật này nhưng lại sai ở luật khác nên người ta không làm, không dám làm. Đó vừa là nhận thức, vừa là tâm lý của cán bộ, kể cả các doanh nghiệp tư nhân.

“Nhìn ra thực tế này, nên Đảng ta mới nêu rõ ai thấy đúng không làm thì đứng ra ngoài để người khác làm. Ai chùn bước, ai nhụt chí, ai có “ăn” mới làm sẽ bị gạt ra khỏi bộ máy, như thế chúng ta tạo ra được lớp cán bộ mới, một trạng thái “bình thường mới” trong công tác cán bộ, trong ý thức, phương pháp làm việc mới – điều đó sẽ thúc đẩy đất nước phát triển. Tôi tin là chúng ta sẽ có những lớp cán bộ mới, cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước yêu cầu mới của đất nước. Chỉ cần Đảng phát hiện, bảo vệ những người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm gỡ khó, gỡ bí và có cơ chế để đưa họ vào đúng vị trí, giúp họ phát huy năng lực để cống hiến”, ông Thái nhấn mạnh./.


Lượt xem: 4

Trả lời