CẬP NHẬT: Bão số 9 đang quét qua Quảng Nam-Quảng Ngãi, thiệt hại rất nặng nề

Cập nhật 28/10/2020, 15:10:50

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Khoảng 12h00 ngày 28/10, bão số 9 đã đi vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Ngay khi điều kiện cho phép, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác sẽ tiếp tục di chuyển vào các tỉnh phía nam Trung bộ để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của bão số 9.

Theo báo cáo lúc 14h của Ban chỉ đạo tiền phương, thống kê thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra, đã có 972 nhà bị tốc mái, (Quảng Ngãi: 934 nhà, Bình Định: 02 nhà, Phú Yên: 36 nhà); 31 trụ sở cơ quan và 28 điểm trường bị hư hại, tốc mái (Quảng Ngãi).

“Bão đã làm sập những nhà yếu, tốc mái hầu hết nhà cấp 4 và những công trình có mái lợp; cây cối đổ rất nhiều, thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt ở Quảng Ngãi và một số địa phương”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin tại cuộc họp khẩn trưa 28/10 tại Ban chỉ đạo tiền phương.

Hiện nay bão mới bắt đầu, sẽ tiếp tục vào sâu đất liền trong những giờ tới và lưu lại rất lâu, nên ảnh hưởng của cơn bão là rất lớn. “Nếu chúng ta không quyết liệt ứng phó thì rất nguy hiểm”, Phó thủ tướng cảnh báo và đánh giá cao Ban Chỉ đạo tiền phương cùng các địa phương đã quyết liệt ứng phó với bão số 9, tập trung sơ tán dân, giảm thiểu thiệt hại.

Đưa xe bọc thép cấp cứu người dân

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13 giờ 30 phút, ngày 28/10, bão số 9 với cường độ mạnh đã làm 934 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, thị xã Đức Phổ (300 nhà), huyện Sơn Tịnh (493 nhà), Tư Nghĩa (70 nhà), Trà Bồng (22 nhà), Sơn Tây (16 nhà), Ba Tơ (32 nhà), Sơn Hà (1 nhà). Riêng ở huyện Tư Nghĩa đã có 1 nhà bị sập đổ; 01 trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị đổ.

Nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Ngãi bị thiệt hại khi cơn bão số 9 đi qua. – Ảnh: QĐND

Bão số 9 cũng làm 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Chợ Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa bị hư hỏng. Mưa bão cũng làm một số ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.

Để giúp người dân an toàn trong lúc bão số 9 đổ bộ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều xe bọc thép đến khách sạn Sông Trà hỗ trợ đưa một trường hợp đang lưu trú tại khách sạn Sông Trà (thành phố Quảng Ngãi) bị huyết áp cao, đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời.

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến 14h chiều nay, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, như bệnh viện đa khoa tỉnh tốc hầu hết mái tôn nhà 8 tầng, gãy đổ toàn bộ cây lớn và nhỏ trong BV, sập một đoạn tường rào…Nhiều trạm y tế xã và bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tịnh bị tốc mái, đổ nhiều cây cối, vỡ nhiều cửa kính, nhôm… Riêng Trung tâm y tế huyện Lý Sơn còn bị sập 80m bờ tường, toàn bộ trung tâm dột ẩm ướt…

Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có gió và mưa to, dù đã giảm nhẹ nhiều so với cuối giờ sáng, nước ở các sông đang dâng cao. Trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi mưa lũ làm gãy đổ nhiều cây lớn, gió cũng xé rách nhiều bảng hiệu, pano. Nhiều người dân vẫn tạm thời tránh trú tại các nơi an toàn do tỉnh bố trí.

Thông tin ban đầu từ Ban Tác chiến, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, hiện Bình Định có 2 tàu cá đang trôi dạt trên biển với 26 thuyền viên; đã có 10 người bị thương,  558 ngôi nhà bị tốc mái…

Kon Tum: Mưa lớn gây trôi cầu sắt, 1.600 người bị chia cắt

Trưa 28/10, ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết: Do lượng nước đổ về lớn, đột ngột nên cây cầu sắt bắc qua suối Đăk Pne, nối thôn 2 đến UBND xã đã bị cuốn trôi, chia cắt khoảng 500 hộ dân.

TTXVN cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 28/10. Cây cầu bị cuốn trôi là cầu sắt, đã được người dân trên địa bàn sử dụng từ nhiều năm qua. Do nước trên suối Đăk Pne về nhanh, đột ngột, cầu đã bị ngập khoảng 1m và sau đó bị cuốn trôi. May mắn, vụ việc không gây thiệt hại về người.

Tuy nhiên, khoảng 500 hộ dân với 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Bahnar thuộc ba thôn 2, 3 và 4, xã Đăk Pne đã bị chia cắt.

Ông Lê Đình Phương cho biết, trước tình trạng mưa lớn, nước đổ về nhiều như hiện nay, UBND xã đã huy động lực lượng, thực hiện phương án bốn tại chỗ, cung cấp gạo, mì tôm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con nhân dân. Chờ sau cơm bão số 9, chính quyền địa phương sẽ có phương án xây dựng lại cầu này.

EVN cho biết đã thực hiện cắt điện chủ động tại các tỉnh để bảo đảm an toàn cho thiết bị, con người trong mưa bão. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã mất điện hoàn toàn, tỉnh Bình Định mất điện 93%, Quảng Nam 71%, Phú Yên 55%, thành phố Đà Nẵng mất điện 47% và tỉnh Gia Lai mất điện 20%.

Bão đã gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh miền Trung. – Ảnh: VGP

Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Trà My (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) có gió giật cấp 8; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; các nơi khác ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có gió giật cấp 7-8. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-320mm.

Hồi 13 giờ (28/10), vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 12 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong chiều nay, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 7-8, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.

Gió mạnh trên đất liền: Trong chiều nay, ở các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong chiều và đêm nay, ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm; từ ngày mai mưa giảm nhanh.

Từ đêm nay đến ngày 31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm; Ở Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.

Phó Thủ tướng nghe báo cáo nhanh, cập nhật tình hình bão số 9 tại Ban Chỉ đạo tiền phương lúc 11 giờ 30 ngày 28/10. Ảnh: VGP Nhật Bắc

Trưa 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo tiền phương, đặt tại TP. Đà Nẵng, trong lúc bão số 9 đang ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh/thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Hiện các tỉnh từ Quảng Nam đến phía bắc tỉnh Bình Định đang có gió cấp 11-12, giật cấp 14. Tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên có gió cấp 8-10, giật cấp 12. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai; Quảng Bình, Quảng Trị, phía bắc tỉnh Khánh Hòa  có gió từ cấp 6 đến cấp 8, giật cấp 10.

Vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên có sóng và nước dâng từ 7,5 – 9,5 m

Toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm (46 tàu/368 LĐ Bình Định đã ra khỏi khu vực nguy hiểm). Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ tàu cá BĐ98658 TS đang gặp nạn trên vùng biển Bình Định. Dự kiến khoảng 20 giờ tối nay các tàu cứu hộ sẽ tiếp cận tàu cá gặp nạn. Hiện sức khỏe các thuyền viên trên tàu cá gặp nạn ổn định.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết sau cuộc họp sáng nay, Bộ Quốc phòng đã quyết định điều động thêm tàu Kiểm ngư 490 cũng từ Cam Ranh xuất phát ra khu vực tàu BĐ 96338 bị chìm lúc 13h30 ngày 27/10. “Bộ Quốc phòng cũng nghiên cứu phương án sẵn sàng sử dụng máy bay để bay tìm kiếm, thả phao và thông báo cho các lực lượng tàu tìm kiếm nạn nhân trôi dạt trên biển. Đội bay sẽ sẵn sàng ngay khi thời tiết cho phép”, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình thông tin.

Ảnh: VGP/Thế Phong

Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 11, giật cấp 13; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) có gió giật cấp 8; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 100-250mm.

Hồi 10 giờ (28/10), vị trí tâm bão ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển và nước dâng do bão: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11; sóng biển cao từ 5-7m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Gió mạnh trên đất liền: Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14; Đà Nẵng có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Mưa lớn: Ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt.

Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng sớm 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp gấp với các lực lượng phòng chống bão số 9 khi chỉ còn khoảng 2 giờ đồng hồ nữa là bão đổ bộ vào đất liền.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù bão số 9 đã giảm cấp theo dự báo nhưng còn rất mạnh, ảnh hưởng rộng, mưa rất lớn. Các địa phương phải tận dụng tối đa thời gian để bảo vệ tính mạng, tài sản của của người dân, tiếp tục kiểm tra, rà soát các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là 42 tàu còn đang ở trong khu vực nguy hiểm; các khu vực neo đậu; “cưỡng chế di dời tất cả những người còn ở trên tàu thuyền tại khu neo đâu, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản”.

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, gió giật mạnh. Tất cả những nơi tránh trú bão, đón người dân sơ tán phải kiểm tra, gia cố lại chắc chắn.

Các địa phương sẵn sàng ứng phó với các sự cố mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực miền núi. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị đóng chân trên địa bàn có trách nhiệm cùng chuẩn bị lực lượng, vật tư, trang thiết bị chủ động ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp khi có sự cố xảy ra.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác sơ tán người dân, đảm bảo an toàn nơi tránh trú bão số 9 tại trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương bảo đảm đồ ăn, nước uống đầy đủ cho người dân tại nơi tránh trú bão. “Các điểm tránh trú, người dân không được chủ quan, phải giữ tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tai nạn, sự cố khi bão đổ bộ”.

Điểm tránh trú bão số 9 tại trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra bờ kè tại  Đường Nguyễn Tất Thành, TP. Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão (00 giờ ngày 28/10): Khoảng 13,9oN; 111,5oE, cách Đà Nẵng khoảng 430km, cách Quảng Nam 365 km, cách Quảng Ngãi 325 km, cách Phú Yên 260 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 13 (135-150km/h), giật cấp 16.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 00h tại đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 12m/s (cấp 6) giật 19m/s (cấp 8).

Theo báo cáo của các địa phương cũng như lãnh đạo các ngành liên quan, tính đến 22h ngày 27/10, hầu hết tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú bão an toàn. Riêng tỉnh Bình Định còn 92 tàu với 668 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán hơn 374 nghìn người dân thuộc 6 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tới nơi an toàn, tổ chức gia cố, sơ tán người trên 188265 lồng bè Có 2 tàu bị chìm ở xa bờ vùng biển Bình Định chưa thể tiếp cận được.

Hiện các hồ chứa trong 10 liên hồ chứa đã đưa về mực nước trước lũ theo quy định, riêng hồ Đắk Ring trên lưu vực sông Trà Khúc – Quảng Ngãi hiện lớn hơn mực nước cao nhất trước lũ là 0,57m (đang xả với lưu lượng 160m3/s, dự kiến đến chiều 28/10 sẽ đưa về mực nước quy định).

23h đêm 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng chống bão số 9, đặc biệt là quyết tâm di dời hàng trăm nghìn người dân ra khỏi những địa điểm nguy hiểm. Phó Thủ tướng lưu ý, phải đảm bảo an toàn cho người dân ở các điểm sơ tán, cần chuẩn bị lương thực, nước uống trong vòng ít nhất 1 ngày.

Trưởng đoàn công tác của Chính phủ cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ các địa điểm nguy hiểm, tránh không để bất kỳ trường hợp người dân nào còn lưu lại, đồng thời giữ liên lạc với các tàu cá vẫn còn ngoài biển. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các ngành chức năng bảo vệ tuyệt đối an toàn hồ đập, vận hành hồ chứa, xả nước an toàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh khoảng thời gian từ 2h sáng ngày đến 8h sáng trước khi bão đổ bộ là khoảng thời gian vàng để các địa phương tập trung, dồn toàn lực lượng thực hiện các phương án phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu đảm bảo công tác thông tin, cảnh báo cho khu vực miền núi Tây Nguyên, thậm chí cả Bắc Trung Bộ về nguy cơ mưa lớn, sạt lở, lũ ống, lũ quét do hoàn lưu sau bão gây ra.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu giữ liên lạc, cập nhật thông tin với 92 tàu vẫng đang trong khu vực nguy hiểm, đồng thời đảm bảo an toàn cho tất cả các tàu thuyền đang neo đậu tại các nơi tránh trú bão. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị cán bộ địa phương, lực lượng công an, quân đội có người trực tại các điểm xung yếu, những nơi có nguy cơ cao, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để ứng cứu khi có sự cổ xảy ra. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn các hồ, nhất là hồ Kẻ Gỗ và Tả Trạch, lưu ý lượng mưa lớn, xả nước an toàn, tránh ảnh hưởng tới người dân ở vùng hạ lưu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý các địa phương cần chuẩn bị sẵn kịch bản mất điện diện rộng, tránh bị động lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống bão.

Các lực lượng báo cáo tại cuộc họp khẩn lúc nửa đêm rạng sáng. – Ảnh: VGP

Tìm kiếm hai tàu bị chìm, 26 thuyền viên mất tích

Về sự cố trên biển, Ban Chỉ đạo tiền phương thông tin việc 2 tàu bị chìm hiện vẫn chưa được tìm thấy. Trên 2 tàu có tổng cộng 26 thuyền viên.

Tàu BĐ96388-TS/12 LĐ bị chìm lúc 13h30 ngày 27/10 tại khu vực cách bờ Phú Yên 330 km về phía Đông. Tàu BĐ97469-TS/14 LĐ bị chìm cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km.

Các lực lượng đang thông báo cho các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Ban Chỉ đạo tiền phương yêu cầu khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 2 tàu bị chìm của Bình Định; kiên quyết kêu gọi 92 tàu của Bình Định ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cùng với đó, bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tìm kiếm các tàu và thuyền viên mất tích qua điện thoại. – Ảnh: VGP

Bão giật cấp 17 lúc 22h ngày 27/10

Bản tin 23h ngày 27/10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết hồi 22 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 460km, cách Quảng Nam 400 km, cách Quảng Ngãi 360 km, cách Phú Yên 280 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Gió mạnh trên đất liền: Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ đêm nay; thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối mai (28/10). Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Mưa lớn: Từ nay đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.

Thời gian vàng di dời người dân

Tại cuộc họp gấp của Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP. Đà Nẵng, tối 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tận dụng “thời gian vàng” trước khi bão số 9 đổ bộ, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm.

Phó Thủ tướng đánh giá các địa phương đã vào cuộc hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, một số địa phương đang gặp khó khăn, và phải khắc phục ngay trong công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền ngư dân trên biển. Các địa phương, nhất là những tỉnh Nam Trung bộ, phải quyết liệt, khẩn trương hơn nữa, hỗ trợ kịp thời những tàu, thuyền gặp khó khăn, sự cố khi bão số 9 đang đến gần, không được bỏ sót những hộ nuôi trồng thủy hải sản trên biển.

Phó Thủ tướng đánh giá các địa phương đã vào cuộc hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, một số địa phương đang gặp khó khăn, và phải khắc phục ngay trong công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền ngư dân trên biển. Các địa phương, nhất là những tỉnh Nam Trung bộ, phải quyết liệt, khẩn trương hơn nữa, hỗ trợ kịp thời những tàu, thuyền gặp khó khăn, sự cố khi bão số 9 đang đến gần, không được bỏ sót những hộ nuôi trồng thủy hải sản trên biển.

Đối với tàu thuyền di chuyển vào nơi tránh trú, phải hết sức lưu ý bảo đảm an toàn neo đậu, chống va đập nếu không nguy cơ đắm thuyền lại khu vực neo đậu là rất lớn, vì bão số 9 mạnh và rất nguy hiểm.

Một lần nữa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương  hoàn thành việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất. Các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng, trạm y tế, trường học, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp,… thậm chí phải cao hơn một mức so với cảnh báo.

“Những địa điểm đưa người dân vào trú tránh bão phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đây là thời gian vàng để chuẩn bị tốt nhất cho công tác phòng chống bão, có như vậy mới bảo vệ được người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng trực tiếp gọi điện thoại cho lãnh đạo một số tỉnh miền Trung, yêu cầu chuẩn bị mọi biện pháp phòng, chống bão, với tinh thần “đêm nay chúng ta phải thức cả đêm”.

Từ trưa 27/10, thực hiện quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có mặt tại Đà Nẵng, trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 9 từ Ban Chỉ đạo tiền phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nghe báo cáo từ hiện trường và có các chỉ đạo trực tiếp qua điện thoại với Phó Thủ tướng.

Chỉ đạo công tác ứng phó tại tâm bão Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng trực chiến xuyên đêm, đến 18-19h tối nay phải xong nhiệm vụ sơ tán dân, cưỡng chế những người chịu đi.

Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp tại Ban chỉ đạo tiền phương, tối 27/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dứt khoát đưa dân về nơi an toàn, kể cả cưỡng chế

Khoảng 17h tại Quảng Ngãi, trời đã mưa khá to, gió thổi mạnh.

Chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9 tại Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao các cấp, ngành,địa phương đã tập trung ứng phó.

Clip Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Dung Quất, Quảng Ngãi

Đây là cơn bão mạnh, đi nhanh và Quảng Ngãi là tâm bão. Thông tin mới nhất vừa nhận được từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết bão vào đất liền có thể mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. “Tình hình rất khẩn trương. Nhiệm vụ số một là bảo vệ tính mạng người dân, bảo về tài sản của người dân và Nhà nước”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng kiểm tra công tác tác ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng đề nghị rà soát lại tất cả tàu thuyền để đảm bảo neo đậu an toàn, người dân tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền. Đồng thời, tập trung sơ tán người dân. “Hiện mới sơ tán được 55.000 người, còn khoảng 60.000 nữa, nên phải tập trung đến 18-19h tối nay phải xong hết nhiệm vụ này, cưỡng chế những người chịu đi”, Phó Thủ tướng chỉ đạo không để người dân bị đe dọa tính mạng.

Phó Thủ tướng cảnh báo nếu chúng ta không làm tốt sẽ thiệt hại rất nặng nề.

Phó Thủ tướng đề nghị tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 9, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại hiện trường. Theo Phó Thủ tướng, quân đội là nòng cốt trong công tác ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là tâm bão, chúng ta không còn nhiều thời gian. Phải tranh thủ thời gian sơ tán dân, khi bão vào rồi sẽ không thể làm gì.

“Đêm nay không ngủ, tập trung rà soát các công việc, các cơ quan phải gọi điện báo cáo thường xuyên, nơi nào lơ là phải kỷ luật”, Phó Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các địa phương và các đơn vị làm nhiệm vụ ứng phó bão.

Cơn bão mạnh nhất trong 20 năm

Sau khi thăm hỏi bà con tại khu sơ tán Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu đoàn công tác chia thành 3 mũi đi kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão.

Phó Thủ tướng tiếp tục đi kiểm tra công tác tác ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Đoàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn kiểm tra công tác đảm bảo an ninh an toàn cho người dân tại Quảng Nam, Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng thăm hỏi, động viên người dân tại khu sơ tán Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thăm hỏi, động viên người dân tại khu sơ tán dân tại Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm, các nhà yếu sẽ không chịu nổi.

“Nên bà con chịu khó vất vả, thực hiện ý kiến chỉ đạo chính quyền, chủ động sơ tán. Tôi đề nghị lực lượng công an bảo vệ tài sản người dân, bảo vệ an ninh trật tự để bà con yên tâm. Tôi cũng đề nghị chính quyền bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán. Khi an toàn, chúng ta sẽ trở về”, Phó Thủ tướng chia sẻ với người dân địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân.

Các công tác chuẩn bị ứng phó bão đang được gấp rút triển khai. Ảnh: VGP

 

Phó Thủ tướng kiểm tra vị trí sạt lở và khu sơ tán dân tại Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam. – Ảnh: VGP
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo trực tiếp và nhận các chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc qua điện thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận cuộc họp tại Ban chỉ đạo tiền phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc chủ động ứng phó với bão số 9 của các địa phương dự báo bão số 9 sẽ vào như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt cùng với nhân dân ứng phó hiệu quả với thiên tai.

Tuy nhiên đây là 1 trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây hướng vào miền Trung, vì vậy chúng ta không được phép chủ quan, triển khai có hiệu quả biện pháp ứng phó với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như của nhà nước. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động, khẩn trương triển khai phòng chống bão số 9 và mưa lũ sau bão với phương châm “4 tại chỗ” với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương cần phải bảo đảm an toàn trên biển. Rà soát tất cả các tàu thuyền trên biển ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc đưa về nơi tránh trú an toàn; tổ chức neo đậu an toàn để hạn chế các tàu va vào nhau, gây hư hỏng, chìm tàu khi bão vào.

Phải tập trung bảo đảm an toàn trên đất liền khi bão đổ bộ, chú trọng triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không an toàn; bảo đảm an toàn tại các công trình, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, trường học, công sở, các biển quảng cáo…; bảo vệ các công trình hạ tầng trọng điểm như đường dây 500 kV, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng….

Bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cùng với các địa phương phải rà soát tất cả các hồ, đập để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố nếu có; đồng thời quản lý, vận hành an toàn hồ đập, đặc biệt là quy trình vận hành các hồ thủy điện.

Chủ động triển khai biện pháp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất ở miền núi sau bão số 9. Các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên khẩn trương rà soát các hộ dân còn ở các khu vực có nguy cơ mất an toàn phải di dời ngay.

Các địa phương bộ trí lực lượng, sẵn sàng cơ động với phương châm “4 tại chỗ”; các bộ, ngành phải huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau khi bão đi qua, chủ lực là các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quốc gia về ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Quân khu.

Nhấn mạnh cơn bão số 9 là cơn bão lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó, giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người và tải sản của người dân.

 

Phó Thủ tướng kiểm tra khu neo đậu tránh trú Thọ Quang (Đà Nẵng). – Ảnh: VGP
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng chủ trì tại Ban chỉ đạo tiền phương, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều khẳng định đã chuẩn bị các phương án ứng phó khẩn trương, nỗ lực tối đa bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương, tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19h chiều 27/10.

Cụ thể, Quảng Nam: 129.194 người dự kiến xong trước 17h/27/10; đã hoàn thành sơ tán 42.950 người. Quảng Ngãi: 94.269 người, dự kiến xong trước 17h/27/10. Bình Định: 96.513 người, dự kiến xong trước 19h/27/10.

Phú Yên: 27.653 người dự kiến xong trước 17h/27/10. Thừa Thiên Huế: 67.812 người, dự kiến xong trước 15h/27/10. Đà Nẵng: 32.626 người, dự kiến xong trước 15h/27/10.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đến 11h ngày 27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu cá/229.290 lao động. Hiện còn trong vùng nguy hiểm: 142 tàu/1.118 lao động (Bình Định). Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh.

Đối với tàu vận tải, tàu vãng lai, các tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn neo đậu, rời khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể  Đà Nẵng: 144 tàu; Quảng Nam: 1 tàu neo tại Cù Lao Chàm; Bình Định: 78 tàu.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các tỉnh đang tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, cụ thể là 190.959 lồng, bè (Huế: 7.586, Đà Nẵng: 1.606, Quảng Nam: 960, Quảng Ngãi: 67, Bình Định: 1.118, Phú Yên: 85.703, Khánh Hòa: 91.225, Ninh Thuận: 2.600, Bình Thuận: 94).

Tổng diện tích: 29.980 ha (Huế: 6.898, Đà Nẵng: 418, Quảng Nam: 4.810, Quảng Ngãi: 1.554, Bình Định: 3.835, Phú Yên: 2.628, Khánh Hòa: 3.779, Ninh Thuận: 908, Bình Thuận: 5.150).

Hệ thống đê các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận có tổng chiều dài 1.361km, gồm 788km đê biển, đê cửa sông và 573km đê sông, trong đó có 53 vị trí xung yếu, 32 công trình đang thi công. Nhiều vị trí đê kè có nguy cơ sạt lở, nhất là khu vực Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam.

Về hồ thủy điện, Bắc Trung Bộ có 7 hồ đang xả qua tràn. Nam Trung Bộ có 13 hồ đang xả qua tràn. Tây Nguyên có 20 hồ đang xả qua tràn.

Hồ thủy lợi, Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, đã tích 75-95% dung tích; trong đó có 55 hồ xung yếu, 41 hồ đang thi công. Hiện có 4 hồ đang xả tràn, trong đó Hồ Kẻ Gỗ lúc 05h ngày 27/10: mực nước 29,51/32,5m; Qxả = 200m3/s.

Nam Trung Bộ có 517 hồ, đã tích 30-90% dung tích; trong đó có 26 hồ xung yếu và 32 hồ đang thi công. Hiện không có hồ xả qua tràn.

Tây Nguyêncó 1.246 hồ, đã tích 75-96% dung tích; trong đó có 41 hồ xung yếu và 43 hồ đang thi công. Hiện có 1 hồ xả tràn.

Dự kiến, Phó Thủ tướng sẽ kiểm tra khu neo đậu tránh trú Thọ Quang (Đà Nẵng), kiểm tra vị trí sạt lở và khu sơ tán dân tại Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Nam) và tại tỉnh Quảng Ngãi.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.

Ảnh mây vệ tinh bão số 9.

Sáng 26/10, trước tình hình bão khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó bão. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng cũng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về công tác dự báo, đảm bảo thông tin nhanh và chính xác nhất đến các địa phương, người dân để có các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 08 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 là 1.279.163 người.

Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu ứng phó khẩn cấp bão số 9

Ngày 26/10, Bộ Quốc phòng có công văn số 4013/BQP-VP của Bộ Quốc phòng, do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký, gửi các cơ quan, đơn vị về việc triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9 (MOLAVE).

Bộ Tổng Tham mưu có điện gửi Tổng cục Chính trị; các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng và Tổng cục II; các Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5, Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Quân chủng: Hải quân, Phòng không – Không quân, Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh Binh chủng: Thông tin liên lạc, Đặc công, Hóa học, Pháo binh, Tăng – Thiết giáp; Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26/10/2020; ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhất là Quân khu 4, Quân khu 5 quán triệt, thực hiện nghiêm túc Công điện số 1470 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động theo dõi nắm chắc diễn biến của bão; kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, nhất là cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; rà soát phương án, chủ động sơ tán người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể, các đơn vị có phương án phòng chống hiệu quả, giảm thiểu hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 9 gây ra.

Bộ Quốc phòng thành lập 2 đoàn do Thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ 9 giờ ngày 27/10/2020. Giao Cục Cứu hộ – Cứu nạn theo dõi đôn đốc, tổng hợp báo cáo Thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng theo quy định.

Giúp dân vận chuyển lương thực, thực phẩm dự trữ trước bão số 9. Ảnh: Báo Quảng Nam

Đưa toàn bộ người dân vùng nguy hiểm tới nơi an toàn

Để chủ động ứng phó với bão số 9, chiều 26/10, ông Phan Việt Cường – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão được dự báo là đặc biệt nguy hiểm này tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng có kế hoạch, khẩn trương và kiên quyết đưa toàn bộ người dân trên đảo, nhất là người già và trẻ em đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.

Ông Phan Việt Cường và Đoàn công tác đã kiểm tra công tác hướng dẫn, giúp đỡ người dân xã đảo Tam Hải chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ trụ sở làm việc, trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây là những cơ sở được sử dụng làm nơi trú ẩn an toàn cho người dân khi bão đến.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các đơn vị kiểm tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân, các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản trên sông và cửa biển; hướng dẫn tàu thuyền đã vào bờ và vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vì dễ dẫn đến rủi ro. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu, tuyệt đối không để người dân trên đảo thiếu lương thực, thực phẩm trong những ngày mưa bão kéo dài, việc giao lưu với đất liền gặp nhiều khó khăn.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ven biển, hải đảo và các ngành chức năng khẩn trương, quyết liệt trong việc triển khai công tác di chuyển dân đến nơi ở an toàn trước khi bão số 9 dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền vào chiều và đêm 27/10.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh: Bão số 9 được dự báo là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Do vậy, các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng phải dừng ngay các cuộc họp, hoạt động chưa thật sự cần thiết nhằm tập trung lực lượng để vào cuộc một cách khẩn trương và quyết liệt trong việc ứng phó với cơn bão đặc biệt nguy hiểm này. Sự an toàn tuyệt đối của người dân phải đặt lên hàng đầu. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, toàn bộ người dân trên đảo, người dân ở vùng trũng thấp, vùng triều cường ven biển và sạt lở đất, nhất là người già và trẻ em phải được đưa đến nơi ở an toàn.

Quảng Trị sẵn sàng các phương án phòng, chống bão, mưa lũ lớn
Chiều 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký ban hành Công điện khẩn triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương theo dõi, tổ chức kiểm đếm, thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển, biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động về nơi trú ẩn an toàn; có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện tại nơi tránh trú, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền khi bão đổ bộ, thực hiện cấm biển bắt đầu từ 18 giờ ngày 26/10.
Các đơn vị và địa phương khác trên địa bàn tỉnh triển khai rà soát phương án bảo đảm an toàn các hồ đập, kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ, thông tin liên lạc đối với vùng hạ du để chủ động việc sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn khi xả lũ; triển khai phương án bảo đảm an toàn các công trình trong mưa bão, nhất là đối với các công trình cột ăng ten, công trình đang thi công có sử dụng cần trục, giàn giáo cao tầng. Ngoài ra, rà soát phương án, điều chỉnh kế hoạch sơ tán dân vùng trực tiếp có bão, vùng lũ ống, lũ quét, vùng sạt lở đất, vùng ngập sâu; triển khai công tác chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, sẵn sàng các phương án phòng, chống bão, mưa lũ lớn có khả năng xảy ra; chú trọng kiểm tra, rà soát và thông báo, cảnh báo đến các khu vực dân cư đang sống ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập lụt sâu để chủ động tránh qua lại các vùng hạ lưu, tràn, sông suối. Đặc biệt, tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, các lực lượng chức năng cần tổ chức di dời, sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” để triển khai phương án ứng phó trong trường hợp bão đổ bộ vào đất liền gây mưa và lũ lớn.
Tỉnh Quảng Trị thông tin đến trên 2.300 tàu cá với hơn 7.000 thuyền viên về diễn biến và hướng di chuyển của bão số 9 để vào nơi tránh trú an toàn. Đến chiều tối 26/10, tại các khu tránh trú bão như: Cửa Tùng, Nam Cửa Việt và Bắc Cửa Việt, ngư dân vẫn đang khẩn trương sắp xếp lại tàu thuyền; đồng thời di chuyển lưới và tài sản trên tàu cá lên đất liền để đảm bảo an toàn.
Cục Cảnh sát giao thông thành lập Trung tâm chỉ huy tại Đà Nẵng

Ngày 26/10, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) có điện gửi lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an các tỉnh, địa phương về việc tập trung ứng phó với mưa lũ. Theo đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung – Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đề nghị các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin cơn bão số 9 trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động tham mưu, ứng phó kịp thời; tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục về chủ động khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương từ Nghệ An đến Phú Yên, cần chủ động bố trí lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, đặt biển báo “nguy hiểm”, rào chắn, barie… trước các điểm xảy ra ngập lụt, sạt lở để cảnh báo người dân; kiên quyết cấm đường không để người và phương tiện đi vào khu vực trên; chủ động phối hợp với các lực lượng tổ chức hướng dẫn giao thông, cứu nạn, cứu hộ.

Đối với Cảnh sát giao thông Công an các địa phương khác, cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nắm chắc tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông, các vị trí có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở; xây dựng phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông (tại chỗ và từ xa); bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng, hướng dẫn giao thông, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố, lũ lụt…, sẵn sàng tăng cường cho các địa phương khi có chỉ đạo của Bộ.

Cục Cảnh sát giao thông thành lập Trung tâm chỉ huy Phòng chống cơn bão số 9 tại Đà Nẵng để điều hành, chỉ đạo; sẵn sàng các phương án hỗ trợ nhân dân di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng cho Công an các địa phương phòng, chống lụt bão.

Gấp rút triển khai chỉ đạo của Thủ tướng

Ngày 26/10, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức họp với các địa phương, sở, ban, ngành về công tác ứng phó với cơn bão số 9.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp,các  ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9; khẩn trương triển khai các giải pháp để ứng phó, trong đó lưu ý đến việc đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, di dời người dân vùng xung yếu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát những trụ sở cơ quan, nơi đóng quân có nguy cơ sạt lở để di dời người đến nơi an toàn.

Trước 15 giờ ngày 27/10, các địa phương phải hoàn thành việc di dời những hộ dân ở vùng xung yếu, vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng có nguy cơ chia cắt, ven sông suối. Ngành chức năng tăng cường cập nhật, nắm bắt thông tin để truyền đạt, tuyên truyền đến người dân sớm, chính xác để có phương án chủ động phòng chống bão lũ; phân công cán bộ chủ chốt cùng lực lượng về cơ sở giúp dân phòng chống bão; tiếp tục hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; thực hiện nghiêm túc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Ngành y tế thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại các khu vực công cộng như trường học, cơ sở y tế, chợ; xử lý tiêu hủy xác động vật đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát sau bão lụt; chú trọng công tác an toàn khám chữa bệnh và phòng chống dịch COVID-19.

Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học chiều 27 và ngày 28/10

Ngày 26/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về việc ứng phó với cơn bão số 9. Theo đó, tất cả học sinh, sinh viên được nghỉ học từ chiều 27/10 và cả ngày 28/10; thành phố tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo không cần thiết để ứng phó với bão.

Theo Công điện, UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão lũ, di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; bảo vệ lồng bè thủy sản và nghiêm cấm người dân ở trên lồng bè khi có thiên tai; tổ chức neo đậu tàu thuyền đúng quy định và đưa thuyền thúng, thuyền nhỏ lên bờ tránh bão. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương kiểm tra các công trình xây dựng và yêu cầu dừng hoạt động, phải hạ thấp cần cẩu, trục tháp, hạ hoặc neo giữ giàn giáo chắc chắn… hoàn thành trước 15 giờ ngày 27/10.

Bộ chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố triển khai phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp cùng UBND các quận, huyện sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu (ven sông Cu Đê, Túy Loan, các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, các tuyến đường ĐT60, Quốc lộ 14G, đường lên bán đảo Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà…).

Đồng thời, UBND các quận, huyện duy trì liên lạc thường xuyên với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai; liên tục báo cáo công tác ứng phó và tình trạng thiệt hại cho UBND thành phố trước 8 giờ và 14 giờ hàng ngày.

Phú Yên di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm trước 18 giờ ngày 27/10

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai ngay các phương án ứng phó cơn bão số 9 trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, cơ quan thường trực Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra ngay trong chiều nay (26/10) công tác triển khai ứng phó bão số 9 ở các địa phương trong tỉnh, chú ý khu vực nuôi lồng bè thủy sản, tàu thuyền đang hoạt động trên biển và các hồ chứa thủy điện, thủy lợi…

Nhằm ứng phó với bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đã có công điện gửi các ngành chức năng, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống cơn bão được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo là rất mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng này.

Chủ tịch UBND Phú Yên yêu cầu lực lượng chức năng triển khai các biện pháp rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu; triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê kè, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến đê kè biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh cần chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà ở có cấu trúc yếu không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Thời gian di dời hoàn thành trước 18 giờ ngày 27/10.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó khi có sự cố xảy ra, tạm hoãn các cuộc họp không thật sự cấp thiết, tập trung triển khai tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn, lĩnh vực đã được phân công quản lý; đồng thời, tổ chức triển khai ngay các biện pháp tuyên truyền vận động người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, công trình khác…, đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Phú Yên có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ 163 tàu cá/962 lao động (khu vực giữa biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa), hoạt động gần bờ 124 tàu cá/570 lao động (từ Quảng Ngãi – Bình Thuận). Nuôi trồng thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 74.660 ô lồng/1.861 bè, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão và mưa lũ.

Đến sáng 26/10, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện trung bình từ 50-500m3/s, hồ thủy điện Sông Ba Hạ chạy máy và xả lũ với lưu lượng 500m3/s. Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa thủy lợi, các hồ chứa đang tích nước phổ biến từ 20-50% so với dung tích thiết kế. Hiện ở Phú Yên có 3 công trình đê kè biển, cửa sông đang xây dựng (công trình cửa biển Đà Nông, công trình cửa biển Đà Diễn và công trình kè Xóm Rớ giai đoạn 2), đã hoàn thành từ 40% đến 90% khối lượng công việc, các chủ đầu sẵn sàng các phương án bảo vệ công trình, tài sản máy móc thiết bị và con người.

Bình Định cấm biển, đưa tàu vận tải đến các vùng biển an toàn

Ngày 26/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã ký lệnh cấm tàu thuyền trong tỉnh Bình Định xuất bến.

Theo đó, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn vận động 78 tàu vận tải trên vùng biển Quy Nhơn chờ làm hàng tại cụm cảng Quy Nhơn đi tránh trú bão tại các khu vực biển an toàn.

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn Vũ Thế Quang cho biết, trước tình hình phức tạp của bão số 9, trên vùng biển Quy Nhơn có 78 tàu vận tải. Để tránh nguy hiểm và thiệt hại có thể xảy ra do bão, đến ngày 26/10, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã vận động 38 tàu di chuyển đến các vùng biển an toàn như Phú Yên, Vân Phong (Khánh Hòa); trong ngày 26/10, đơn vị tiếp tục vận động thêm 12 tàu di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng mạnh của bão số 9.

Ông Vũ Thế Quang thông tin: đơn vị tiếp tục vận động các tàu di chuyển đến vùng biển an toàn, chỉ giữ lại tránh bão trong khu vực vịnh Quy Nhơn khoảng 30 tàu và tuyệt đối không để tàu nào neo tại vị trí phao số 0 của vùng biển Quy Nhơn.

Tỉnh Bình Định hiện có 139 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trong vùng biển nguy hiểm; đã kiểm soát được 5 tàu đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, 256 tàu ở khu vực Trường Sa, 62 tàu ở khu vực giữa Hoàng Sa – Trường Sa.

Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định giữ liên lạc liên tục; hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn gần nhất.

Tỉnh Bình Định cũng có nhiều điểm dân cư dễ bị sạt lở, triều cường tại cả khu vực miền biển và miền núi thuộc các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước, Phù Cát, thị xã Hoài Nhơn. Ông Hồ Quốc Dũng chỉ đạo các địa phương sẵn sàng mọi phương án di dời dân xong trong chiều 27/10. Các địa phương hướng dẫn người dân tích trữ lương thực đảm bảo dùng được ít nhất trong vòng 3 ngày nếu xảy ra lũ.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho học sinh nghỉ học từ chiều 27/10 cho đến khi bão tan và có thông báo đi học lại.

Tại Quảng Nam, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, mực nước tại các trạm thủy văn đều dưới báo động I. Các thủy điện đang vận hành hạ dần mực nước hồ để đón lũ.

BĐBP tỉnh kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Báo Quảng Nam

Tính đến 4 giờ sáng nay 26/10, các hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý có 11 hồ đầy nước, 4 hồ hơn 70% dung tích hữu ích và 2 hồ hơn 50% dung tích hữu ích.

Hiện nay mực nước các hồ chứa thủy điện ở cao trình mực nước cao nhất trước lũ. Các hồ thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đang vận hành luân phiên 12 giờ để hạ dần mực nước các hồ về mực nước cao nhất trước lũ.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 6 giờ sáng nay Quảng Nam có 60 tàu/2.309 lao động hoạt động tại khu vực Trường Sa, hiện đã tránh trú an toàn tại các đảo.

Sáng nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng trên 2 tuyến biên giới và biển đảo của tỉnh khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó.

Đại tá Nguyễn Bá Thông – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, đáng chú ý hiện nay trên khu vực biển, nhất là khu vực biển Cù Lao Chàm đã đưa số tàu về các vị trí an toàn và Bộ Chỉ huy cũng chỉ đạo Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm phối hợp với địa phương dự kiến vận động di dời 130 hộ dân ở trên đảo có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão về nơi tránh trú an toàn.

Riêng đối với tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện công tác đề phòng sạt lở; các đơn vị phối hợp với địa phương di dời người dân từ nơi có khả năng sạt lở đến những vị trí an toàn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam đã quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn Quảng Nam nghỉ học 2 ngày (ngày 27 và 28/10) để phòng tránh bão số 9.

Tại Quảng Ngãi, xác định những ngày tới, mưa, bão còn diễn biến bất thường, tình trạng sạt lở gây tắc đường, nước dâng cao gây cô lập, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã đi kiểm tra thực tế một số vị trí xung yếu; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và người dân phải dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo các DN, siêu thị và đại lý, cửa hàng… tập trung trữ hàng hóa, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tổ chức kiểm tra không để tình trạng lợi dụng thiên tai gây khan hiếm hàng hóa, đẩy giá lên cao, trục lợi bất chính; ngăn chặn tình trạng đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trong thời điểm xảy ra mưa lũ. Ngành giao thông cần tập trung kiểm soát, giải tỏa ách tắc giao thông để thông đường, đưa hàng về các địa phương trong tỉnh, không để xảy ra cô lập, gây khan hiếm hàng hóa.

Hiện các địa phương đang tích cực chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo không chỉ 7 ngày, mà có thể đủ dùng trong 20 ngày đến cả tháng nếu mưa, lũ kéo dài. Một số vùng cô lập ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây, chính quyền đã tăng cường đưa gạo và mì tôm, mắm, muối… tập kết về địa bàn, đảm bảo người dân không bị thiếu ăn trong suốt thời gian xảy ra sạt lở, tắc đường, trôi cầu gây cô lập.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ

Sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan triển khai ứng phó khẩn cấp với bão MOLAVE (bão số 9).

Công điện nêu: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi ở trên biển có thể đạt tới cấp 12, 13, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8- 10m; sau khi vào Biển Đông, bão sẽ di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta; từ đêm mai (ngày 27 tháng 10), bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung Bộ, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng (khi đổ bộ vào đất liền mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 năm 2017 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, gây thiệt hại nặng nề).

Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo, nhất là bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hoạt động khác trên biển; rà soát phương án, chủ động sơ tán người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm trên biển, đảo vào đất liền. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể, các địa phương quyết định việc cấm biển.

2. Rà soát, chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn trên đất liền: Rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân: sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; triển khai công tác bảo vệ nhà cửa, công trình, đê điều, hồ đập, bảo vệ cơ sở các sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

3. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thường xuyên cập nhật vùng nguy hiểm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão, lũ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, lũ rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ.

Đang trong tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”

Kết luận cuộc họp khẩn ứng phó bão sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đang trong tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, đặc biệt ở khu vực miền Trung.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiêm túc triển khai công điện của về ứng phó bão số 9 (có tên quốc tế Molave với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, tức 115-135km/giờ, giật cấp 14). Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cơ quan liên quan phải đôn đốc kiểm tra, bảo đảm thực hiện công điện này một cách tốt nhất.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chủ động phòng chống tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão mạnh gây ra và sau bão là mưa lũ. Công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục triển khai, nhất là tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các cơ quan đã có chủ trương, “các đồng chí bám vào các chủ trương này, đừng để nhân dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đói rét, khó khăn”.

Đối với cơn bão số 9, dự báo có thể đổ bộ vào nước ta ngày 28/10, Thủ tướng chỉ rõ, phải bảo đảm an toàn cho người dân, cả trên tàu, trên lồng bè. “Cứu người là quan trọng nhất, cho nên, tất cả các giải pháp có thể được, kêu gọi tàu bè, di dời dân cũng như khi tàu vào rồi thì cương quyết đưa ngư dân lên bờ, ngư dân trên lồng bè phải lên bờ”, Thủ tướng nói. Đây là kinh nghiệm khi trước đây, đã vào trú tránh gần bờ những vẫn xảy ra sự cố mất an toàn, “vì những con tôm hùm, lồng bè cá mà người chủ giữ ngư dân lại, không cho lên bờ, trách nhiệm đó phải xử lý nghiêm”.

Thủ tướng lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cho nên, tàu thuyền phải vào bờ sớm, neo đậu tránh va đập. Thủ tướng nhắc lại trường hợp năm 1986 ở Đà Nẵng, “tàu vào rồi, neo ở bờ, bị va đập nát hết, gây chết người”.

Đi liền với đó, chủ động sơ tán dân ở vùng thấp, ven biển bởi có nhận định, vùng ven biển có sóng lớn. Các địa phương đều phải có phương án di dời dân một cách phù hợp, không để ảnh hưởng đến tính mạng người dân sống ven biển.

Cùng với đó, bão có thể gây lũ lớn trên sông, gây ảnh hưởng rất lớn cho người dân. Thủ tướng cũng cảnh báo hiện tượng sạt lở núi có thể xảy ra bởi khu vực miền Trung có độ dốc lớn, đất ngâm nước lâu ngày mà hay gọi là “mưa thối đất”, như trường hợp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở Quảng Trị bị vùi lấp thì vùng sạt lở nằm cách nơi đóng quân tới 1,6 km.

“Do đó, các địa phương phải chủ động di dời dân”, Thủ tướng nhắc lại. Ở vùng đồng bằng, phải chèn chống nhà cửa, bảo đảm an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt các hồ đập. Phải có bộ phận chuyên môn theo dõi sát các hồ đập, “lưu lượng, mực nước thế nào để xả tràn lúc nào một cách chặt chẽ”, tránh tình trạng như hồ Kẻ Gỗ vừa qua.

Lưu ý công tác cứu hộ, cứu nạn sau bão, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan, trước hết là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải có cơ quan thường trực hỗ trợ các địa phương làm công tác này tốt nhất, “các trung đoàn, sư đoàn, lực lượng biên phòng trên địa bàn phải tập trung sức hỗ trợ dân trước bão và cứu dân sau bão”, kể cả dùng các phương tiện như máy bay trực thăng, xe tăng và các phương tiện để cứu dân khi bị mắc kẹt, bị bão lũ đe dọa tính mạng.

Các ngành chức năng cũng phải tích cực vào cuộc như ngành điện phải bảo đảm cho người dân sau bão, “thường gây đổ cột điện nhiều”, ngành giao thông bảo đảm giao thông thông suốt, nỗ lực không để cách trở nhiều ngày.

Các ngành, địa phương liên quan chuẩn bị lực lượng, hàng hóa để hỗ trợ người dân khi cần thiết, không để người dân thiếu thốn, “đói cơm, lạt muối”.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” từ tỉnh đến huyện, xã, không để bị động; dừng tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão. “Phải đề cao cảnh giác, chủ quan thì hậu quả rất lớn”.

Hình ảnh vệ tinh của cơn bão số 9. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Các tổ chức quốc tế ủng hộ đồng bào miền Trung

Sáng nay (26/10), tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp đại diện một số cơ quan Liên Hợp Quốc và tổ chức quốc tế đang hỗ trợ nhân dân miền Trung vượt qua khó khăn do mưa bão.

Cụ thể, Phó Thủ tướng tiếp ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Đây là 3 tổ chức đã hợp tác chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tiến hành khảo sát nhanh thiệt hại và nhu cầu của nhân dân các tỉnh miền Trung sau đợt bão lụt vừa qua, từ đó có hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân.

Tại buổi tiếp, đại diện các tổ chức quốc tế gửi lời chia buồn sâu sắc với những đau thương, mất mát của người dân miền Trung Việt Nam đã phải gánh chịu trong đợt bão lụt vừa qua; khẳng định sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cùng chung tay khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết, UNICEF đã huy động 160.000 USD để hỗ trợ khẩn cấp về nước, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, y tế, dinh dưỡng và giáo dục. Đại diện UNICEF cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ người dân Việt Nam trong các lĩnh vực như nước sạch, vệ sinh, dinh dưỡng, sức khỏe của phụ nữ và trẻ em…

Đại diện UNDP đánh giá cao chương trình xây dựng 3.200 ngôi nhà an toàn trong 2 năm vừa qua đã đem lại kết quả tích cực đối với việc bảo đảm tính mạng của người dân trong các đợt bão lũ; khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Quỹ Khí hậu xanh và ADB triển khai các chương trình tương tự tại Việt Nam với nguồn vốn khoảng 30 triệu USD để giúp người dân có thể chống chọi với thiên tai.

Trong khi đó, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, sau chuyến khảo sát nhanh về thiệt hại và nhu cầu cần cứu trợ của người dân miền Trung vừa qua, ADB đang xem xét khởi động Gói quỹ hỗ trợ khẩn cấp 3 triệu USD. Ông Andrew Jeffries khẳng định, ADB sẽ thúc đẩy để có thể sớm phê duyệt gói hỗ trợ này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảm ơn sự ủng hộ quý báu của ADB, UNICEF và UNDP dành cho Việt Nam để khắc phục những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do ảnh hưởng của đợt bão lụt vừa qua. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc các tổ chức, cơ quan của Liên Hợp Quốc đã sớm tiến hành khảo sát để đánh giá khách quan, đầy đủ sự thiệt hại của người dân.

“Sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong đợt này cũng như nhiều năm qua là rất to lớn, thể hiện sự quan tâm, tin cậy của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam, qua đó góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, sớm khắc phục hậu quả thiên tai trước mắt, nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất cho người dân các vùng chịu thiệt hại do thiên tai gây ra”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, ngoài những hỗ trợ khẩn cấp, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân, các cơ quan, tổ chức quốc tế cần phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để có những chương trình, dự án hỗ trợ dài hạn, bài bản để người dân có thể sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng ADB sẽ sớm kích hoạt Gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 3 triệu USD.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung, chỉ đạo quyết liệt để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Đồng thời sẽ tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đoàn thể đặc biệt là sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để giúp người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến nay các tổ chức quốc tế, trong đó có UNDP, UNICEFF và ADB đã hỗ trợ đồng bào miền Trung chịu thiệt hại do mưa lũ vừa qua với tổng trị giá gần 3 triệu USD.

Đặc biệt quan tâm 5 đối tượng có nguy cơ cao

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 08 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, cần đặc biệt quan tâm đến 05 đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:

– Tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13: 1.279.163 người.

– Tổng số tàu thuyền trong khu vực từ Thừa Thiên Huế – Khánh Hòa: 25.063; Tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế.

– Nuôi trồng thủy sản: 14.063 ha và 178.938 lồng, bè.

– Hồ chứa thủy điện từ Hà Tĩnh – Phú Yên có 21 hồ đang xả đón lũ. Hồ chứa thủy lợi: khu vực Nam Trung Bộ có 571 hồ, đã tích 30-90% dung tích; hiện không có hồ xả tràn; hiện có 22 hồ chứa xung yếu và 31 hồ đang thi công.

– Từ Thừa Thiên Huế – Ninh Thuận có 627km đê biển, đê cửa sông; có 25 vị trí đê biển xung yếu và 10 vị trí đang thi công.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản ngày 25/10 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận chỉ đạo công tác ứng phó với bão và mưa lũ sau bão; văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến bão và kỹ năng ứng phó với bão.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo trực tiếp điện cho Bí thư, lãnh đạo UBND các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận về triển khai ứng phó với bão.

Biên phòng, cơ quan thủy sản đã tổ chức kêu gọi, thông tin đến 59.477 tàu/289.298 lao động lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có công điện, văn bản chỉ đạo công tác đối phó với bão cụ thể: Đã tổ chức thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền, phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của bão; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng, khu neo đậu; gia cố, di dời, đảm bảo an toàn cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng họp khẩn

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết đây là cơn bão mạnh đặc biệt.

Lần đầu tiên có một cơn bão chưa vào Biển Đông nhưng đã được phát cảnh báo với cường độ cấp 12 – 13 và vùng ảnh hưởng có thể kéo dài cả Bắc – Trung – Nam. Với cường độ bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017, rủi ro thiên tai cấp độ 4 có thể sẽ xảy ra.

Trên biển, bão số 9 có thể khiến sóng cao từ 8 – 10 m, khu vực ven biển các tỉnh Trung bộ sóng cao 5 – 7 m, trọng tâm là khu vực Đà Nẵng đến Phú Yên; còn ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định, dự báo có nước biển dâng cao đến 1 m.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ ngày 27 – 29/10, bão số 9 sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to ở các tỉnh Trung bộ, lượng mưa phổ biến từ 200 – 350 mm. Sau đó, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây ra mưa lớn kéo dài cho các tỉnh bắc và trung Trung bộ.

Đặc biệt, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to, với tổng lượng mưa đạt trên 500 mm/đợt. Theo đó, vùng núi các tỉnh bắc Trung bộ có nguy cơ rất cao xảy ra tiếp tục lũ quét và sạt lở đất.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cơn bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các tỉnh Bình Định-Ninh Thuận. Cơn bão này đã làm 123 người chết, mất tích và 134 nghìn nhà, hơn 73 nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, cùng với đó là 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại Quy Nhơn, Bình Định.

Thiệt hại vật chất của cơn bão Damrey lên đến hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Đường đi và vị trí cơn bão.

Rủi ro thiên tai rất lớn

Hồi 07 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.

Hồi 08 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 650km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 270km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 07 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Cấp độ rủi ro thiên tai di bão số 9: cấp 4 (màu đỏ, rủi ro rất lớn).

Theo Quyết định 44/2014/QĐ-TTg, cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai:

a) Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ;

b) Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình;

c) Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn;

d) Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn;

đ) Cấp 5 màu tím là thảm họa./.

Theo Báo Điện tử Chính phủ


Lượt xem: 16

Trả lời