Cán bộ cấp chiến lược: Đừng đưa danh sách lên ào ào rồi thông qua

Cập nhật 11/12/2018, 07:12:07

Để chặn kẻ cơ hội chính trị lọt vào Trung ương, Ban Chỉ đạo quy hoạch thậm chí phải đặt lên bàn cân từng trường hợp cụ thể để lựa chọn cho chính xác.

Phát biểu kết luận phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị kiên quyết không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lêch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dùng hình ảnh “con lươn, con chạch” để chỉ những đối tượng cơ hội chính trị. Kẻ cơ hội như “con lươn, con chạch”, uốn éo rất khéo, nếu chọn sai sẽ rất nguy hiểm. Do vậy phải “tinh đời, phải trong sáng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.

Phát ngôn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã mang lại một hy vọng rất lớn trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao trong tương lai. Phát ngôn của người lãnh đạo cao nhất của đất nước không chỉ thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng đối với công tác cán bộ trong tình hình hiện nay, mà còn cho thấy sự chủ động, tích cực của Trung ương đối với công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược khi nhiệm kỳ khóa XII mới đi được một nửa nhiệm kỳ.

can bo cap chien luoc: dung dua danh sach len ao ao roi thong qua hinh 1
GS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Bình Tạ)

GS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bày tỏ, ông thấy mừng trước quyết tâm chiến lược của Đảng trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác cán bộ cấp chiến lược, cán bộ cho Trung ương khóa mới. Đây là dấu hiệu chủ động, tích cực, ngay khi mới hết nửa nhiệm kỳ khóa XII, công tác cán bộ đã được đặt ra và có sự chỉ đạo chặt chẽ từ cấp lãnh đạo cao nhất.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Trọng Phúc, cần nhấn mạnh rõ hơn nữa tiêu chuẩn cán bộ quản lý chung của toàn đảng các cấp, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược, những người có vai trò rất lớn trong quyết định đường hướng phát triển của đất nước, hoạch định đường lối, cương lĩnh, chính sách pháp luật… Cán bộ cấp chiến lược phải hội tụ đầy đủ những tư chất, phẩm chất nổi trội.

Ông Phúc cho rằng, những yêu cầu Tổng Bí thư nêu rõ ràng đặt ra vấn đề cán bộ tầm chiến lược không chỉ có trí tuệ, có năng lực để thực thi nhiệm vụ ở cấp cao; mà trình độ về tổ chức quản lý, tổ chức thực tiễn của cán bộ cấp chiến lược cũng đòi hỏi rất cao; rồi uy tín chính trị gắn với trách nhiệm nêu gương của Hội nghị Trung ương 8, đạo đức lối sống phải mẫu mực… Tìm được những người thực sự là tấm gương uy tín trong đảng, trong dân như vậy để đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược mới thuyết phục.

Đặc biệt, theo vị nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, có một tiêu chuẩn cũng rất quan trọng đối với cán bộ cấp chiến lược là mối quan hệ với dân. Cán bộ cấp chiến lược phải là những người thấu hiểu dân, đồng cảm được với dân, thật sự vì dân chứ không phải những cán bộ thờ ơ vô cảm.

Gom lại những chuẩn mực như thế, theo ông Phúc, nếu lựa chọn được những cán bộ thỏa mãn những tiêu chuẩn này để đưa vào xây dựng cán bộ cấp chiến lược, chắc chắn Đảng ta sẽ chọn được đội ngũ xứng đáng để tiếp tục đưa công cuộc đổi mới phát triển đất nước tiến nhanh và xa hơn.

Với việc lần đầu tiên Trung ương lập ra Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo cao nhất đối với việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, chuẩn bị các bước quan trọng để có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài cho Đại hội XIII của Đảng.

Theo GS-TS Nguyễn Trọng Phúc, không phải trước đây Đảng ta không làm quy hoạch cán bộ. Thực tế, công tác quy hoạch trước đấy chủ yếu do Ban Tổ chức Trung ương làm, có tham khảo ý kiến, có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư. Nhưng việc lập ra một Ban Chỉ đạo về công tác quy hoạch cán bộ là việc làm rất mới, nó thể hiện rất rõ quyết tâm cũng như trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo cao nhất đối với công tác cán bộ cấp trung ương cho khóa mới.

Đặc biệt, theo ông Phúc, nó đã cho thấy sự thay đổi cả trong nhận thức của Đảng, đó là sự thống nhất về những tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp chiến lược, để ở dưới giới thiệu lên. Tuy nhiên ông Phúc cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ khóa XI, khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII, Đảng ta cũng đã khẳng định quan điểm: “Không để lọt vào trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham nhũng, lợi ích nhóm, vun vén cho gia đình…”. Nhưng sau Đại hội XII, vẫn thấy lọt vào bộ máy những đối tượng như thế cả ở trung ương lẫn địa phương.

Vì thế, dù đã thống nhất về tiêu chuẩn, nhưng để chặn những kẻ cơ hội chính trị lọt vào Trung ương, “Ban Chỉ đạo quy hoạch phải xem xét rất kỹ lưỡng từng trường hợp, cần có sự giúp việc của Ban Tổ chức Trung ương, thậm chí phải đặt lên bàn cân từng trường hợp cụ thể thì mới lựa chọn chính xác được. Nếu cứ ào ào đưa lên một danh sách rồi thông qua, tôi tin như thế sẽ không chặt chẽ”, ông Phúc bày tỏ.

Với Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được lập ra dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, dư luận hoàn toàn có cơ sở để hy vọng Trung ương sẽ không chọn nhầm người khi các quy trình đều được thực hiện một cách chặt chẽ, bài bản. Những người được lựa chọn sẽ là những người xứng đáng cả về trí tuệ cũng như phẩm chất./.

VOV.


Lượt xem: 16

Trả lời