25 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam từ vai trò chủ tịch đến dẫn dắt tương lai

Cập nhật 28/7/2020, 06:07:24

25 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam từ vai trò chủ tịch đến dẫn dắt tương lai

Tối 4/11/2019, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Grand Diamond ở thủ đô Bangkok, Thái Lan diễn ra lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 35 và chuyển giao vai trò chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam. Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, nước Chủ tịch ASEAN 2019, đã trao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính thức xác lập vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Phát biểu tại lễ chuyển giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và chủ động thích ứng” là chủ đề của năm ASEAN 2020 và đặt ra mục tiêu: “Trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN; cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu”.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ngay trong những tháng đầu năm 2020 đã trở thành trở ngại lớn nhất đối với nước Chủ tịch Việt Nam trong việc hiện thực hoá mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra. Trước một trong những thách thức được đánh giá là “nghiêm trọng nhất” đối với ASEAN kể từ khi thành lập năm 1967, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 thông qua việc kịp thời chuyển trọng tâm ưu tiên của chương trình nghị sự sang phòng chống dịch với những đề xuất và sáng kiến hiệu quả.

Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” được nước Chủ tịch Việt Nam hiện thực bằng những hành động thiết thực, trong đó có việc cùng các thành viên ASEAN thực hiện nhiệm vụ kép “vừa tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa tiếp nối các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, tập trung triển khai những trọng tâm ưu tiên hợp tác đề ra trong năm 2020”.

Hàng loạt cuộc thảo luận quan trọng đã được ASEAN triển khai, theo sáng kiến của Việt Nam. ASEAN đã xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến của ASEAN ở các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN về Covid-19 ngày 14/4, đề ra nhiều biện pháp cụ thể như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập kho y tế dự phòng, lập Quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi của ASEAN. ASEAN cũng có nhiều cuộc họp trực tuyến với các đối tác như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga… để thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với Covid-19, hỗ trợ khắc phục tác động của dịch bệnh.

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN đối phó hiệu quả với Covid-19, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định: “Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch”. Cũng theo ông Lim Jock Hoi, Việt Nam đã hết sức tích cực và chủ động trong việc giúp đỡ một số thành viên ASEAN và các nước đối tác trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả.

Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Cộng đồng ASEAN đã kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia. Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của ASEAN và hợp tác với các Đối tác đã được kích hoạt ngay từ những ngày đầu có dịch. Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Toàn thể ASEAN với cam kết chính trị ở mức cao nhất, cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể ở cấp quốc gia và khu vực, đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một khối ASEAN đoàn kết và gắn bó, đầy tình tương thân, tương ái”.

Bên cạnh thành công trong việc dẫn dắt ASEAN đối phó với đại dịch Covid-19, nước Chủ tịch Việt Nam còn đẩy mạnh nhiều sáng kiến hợp tác có hiệu quả cũng như đề xuất các giải pháp giải quyết nhiều vấn đề quốc tế trong khu vực được cả các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế ủng hộ và hoan nghênh.

Một trong những vấn đề đáng lưu tâm nhất vào thời điểm đó chính là tình hình Biển Đông, với những diễn biến hết sức phức tạp trên thực địa cần được giải quyết ngay lập tức nhằm tránh để căng thẳng leo thang. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông, tại các cuộc họp của ASEAN cho đến thời điểm này của năm 2020, nước Chủ tịch Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều chương trình nghị sự liên quan đến Biển Đông. Một trong những kết quả được các quốc gia ASEAN và quốc tế mong đợi nhất chính là Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó dành một phần rất quan trọng để thể hiện rõ lập trường của khối về vấn đề này.

Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua Biển Đông và ghi nhận lợi ích của việc giữ Biển Đông là vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ toàn bộ Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002. Chúng tôi được khích lệ bởi những bước tiến mạnh mẽ trong việc đàm phán hướng đến việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Đông một cách hiệu quả và bền vững, theo đúng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Chúng tôi hoan nghênh việc hoàn tất xem xét lần đầu Văn bản dự thảo sơ bộ về COC”.

Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó có vấn đề Biển Đông đã gây được sự chú ý đặc biệt của cả lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác quan trọng. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đánh giá: “Ngay cả khi các nước trong khu vực nỗ lực để kiềm chế Covid-19, nhiều diễn biến đáng báo động vẫn đang diễn ra ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế không làm leo thang căng thẳng và thực thi trách nhiệm của mình theo đúng luật pháp quốc tế”. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha kêu gọi các nước ASEAN cần hợp tác nhằm “tăng cường đoàn kết khu vực, tránh bị ép phải chọn phe cũng như trở thành bàn đạp cho các cường quốc gây áp lực với các quốc gia nội khối”.

Trong khi đó, chia sẻ trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Mỹ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm thảo luận thêm về chủ đề này”. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Mỹ cũng dẫn lại Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 ngày 26/6.

Có thể thấy, cũng giống như nhiều Hội nghị Cấp cao ASEAN trước đó, vấn đề Biển Đông một lần nữa lại thu hút sự quan tâm lớn của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trong lần ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020, vấn đề Biển Đông đã trở thành một nội dung được ưu tiên đặc biệt liên quan đến các vấn đề trong khu vực và thế giới. Các quốc gia ASEAN cũng đã nêu ra quan điểm trực diện và mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu duy trì Biển Đông trở thành khu vực hoà bình, ổn định và thịnh vượng. Đây cũng có thể coi là một thành công của nước Chủ tịch Việt Nam.

Không chỉ quan tâm giải quyết các thách thức hiện hữu, nước Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam còn thể hiện tầm nhìn của mình thông qua một loạt những quyết sách quan trọng liên quan đến tương lai của khu vực, trong đó, mục tiêu hàng đầu chính là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN thực sự vững mạnh, giữ vai trò trung tâm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ở khu vực rộng lớn hơn, có vị thế cao trên thế giới.

Đây cũng chính là mục tiêu mà ASEAN hướng tới trong việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 – một trong những ưu tiên chính của ASEAN năm 2020 theo sáng kiến của Việt Nam, nhằm định hướng tiến trình phát triển ASEAN từ nay đến năm 2025 và xa hơn nữa (Tầm nhìn ASEAN 2040).

Trong đó, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 sẽ mang tính bao trùm, gắn kết chặt chẽ các nội dung hợp tác trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN như hợp tác về chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, phát triển bao trùm, khả năng nhanh nhạy, ứng phó hữu hiệu với các thách thức đang nổi lên, cách tiếp cận hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đưa Cộng đồng ASEAN đến gần hơn với người dân, nâng cao vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN.

Ngoài ra, ASEAN cũng cần theo đuổi cách tiếp cận tiệm tiến, từng bước đẩy mạnh liên kết kinh tế làm cơ sở để xác định các hình thức liên kết tiếp theo của Cộng đồng ASEAN, tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, là động lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, xây dựng lòng tin vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, ứng phó chủ động, hiệu quả hơn với các thách thức đặt ra cũng như đóng góp tích cực hơn nữa vào các nỗ lực đảm bảo hòa bình và phát triển của cộng đồng quốc tế, cũng như đảm bảo cách tiếp cận bao trùm, đảm bảo phát triển đồng đều, bền vững ở các vùng, miền, giữa các quốc gia, các thành phần khác nhau trong xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau…

Có thể thấy, quãng đường 25 năm gia nhập ASEAN đã mang lại những những lợi ích rất lớn cho Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng đã đóng góp rất tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của ASEAN. Từ chỗ là “kẻ ngoài cuộc” chịu nhiều nghi kỵ của các thành viên trong khối, Việt Nam giờ đã trở thành thành viên chủ động, tích cực và hơn thế nữa với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã thể hiện rõ vai trò gắn kết và dẫn dắt ASEAN vượt qua mọi thách thức hiện tại và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn./.


Lượt xem: 24

Trả lời