Truyền nghề dệt thổ cẩm ở Ba Tơ

Cập nhật 02/11/2018, 10:11:33

Huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, đồng bào Hre có nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng khá độc đáo. Đồng bào dân tộc cùng chính quyền địa phương rất chú trọng truyền nghề. Một dự án Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa làng Teng cũng đã được tỉnh triển khai góp phần bảo tồn nghề dệt thổ cẩm và đáp ứng cho việc phát triển du lịch trên địa bàn.

Làng Teng xã Ba Thành, huyện Ba Tơ- nơi trải bao thăng trầm vẫn cứ duy trì nghề dệt thổ cẩm. Đến làng trong tiết đầu đông này dễ dàng nhìn thấy những chị em phụ nữ mãi mê bên khung dệt hay cảnh những người già hướng dẫn cho con cháu nghề dệt.

Bà Phạm Thị Phê, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi tâm sự: “Tôi biết nghề dệt từ hồi còn nhỏ. Giờ hướng dẫn cho cháu con cách dệt để các cháu biết mà làm.”

Nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng có từ lâu đời. Ngày xưa bà con trồng bông để lấy sợi đem dệt những tấm khố, tấm địu con, váy cho chị em phụ nữ. Còn bây giờ, khi sợi bông không còn thì đồng bào dùng chỉ màu để dệt những tấm thổ cẩm mang hoa văn họa tiết của dân tộc mình rồi để dùng hoặc đem bán cho bà con trong huyện hoặc các tỉnh ở Kon Tum. Qua mùa đông là đến tết nguyên đán nên thời điểm này bà con bắt đầu dệt và việc truyền nghề tiếp tục diễn ra.

Bà Phạm Thị Diên, xã Ba Thành, Ba Tơ, Quảng Ngãi chia sẻ: “Mình dạy cho con cháu cách làm và phải kiên trì chăm chỉ thì mới dệt được những tấm thổ cẩm đẹp.”

Cũng nhờ sự truyền nghề chu đáo của các mẹ nên những cô gái trong làng đều biết dệt thổ cẩm. Họ dệt để giữ lấy nghề xưa và có thêm nguồn thu nhập trong thời điểm nông nhàn hoặc khi tết đến xuân về. Tấm váy hiện giá 350 nghìn đồng/ chiếc, tấm địu con 500 nghìn đồng/ chiếc, chiếc khố 600 nghìn đồng/ chiếc còn là sản phẩm chào mời khách đến tham quan du lịch trên vùng  an toàn khu thứ hai của cả nước này.

Chị Phạm Thị Hải, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ,  Quảng Ngãi cho biết: “Nhờ các mẹ tận tình chỉ dạy nên con gái trong làng ai cũng biết dệt thổ cẩm.”

Không chỉ tự truyền nghề, năm 2011 thông qua chương trình 135, huyện Ba Tơ đã mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho thiếu nữ các xã Ba Tô, Ba Liên, Ba Thành, Ba Ngạc và Ba Trang rồi sau đó huyện đoàn cũng mở lớp dạy nghề cho các đoàn viên nữ đồng bào dân tộc.

Hiện nay, thông qua dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng với kinh phí đầu tư 10,5 tỷ đồng sẽ góp phần bảo tồn văn hóa và tạo điều kiện tốt hơn trong việc truyền nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng.

Quý Cầu- Thanh Trung.


Lượt xem: 140

Trả lời