Tiếng gọi Sâm núi

Cập nhật 24/10/2017, 14:10:04

Từ khi cây sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam trở thành sản phẩm quốc gia thì vùng sâm Ngọc Linh, ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giờ được mở rộng ra hàng nghìn hecta. Mỗi năm có vài nghìn ký sâm củ nguyên liệu được đưa ra thị trường. Tuy nhiên để các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và điều trị các bệnh nan y thì đến giờ vẫn còn bỏ ngỏ.

Sâm Ngọc Linh Việt Nam là một trong 5 loài sâm quý nhất trên thế giới hiện đang sinh trưởng trên diện tích hơn 1.300 héc ta ở độ cao từ 1.100 mét đến 2.400 mét tại Quảng Nam và Kon Tum. Hằng năm vùng nguyên liệu sâm núi Ngọc Linh cung ứng ra thị trường khoảng vài ba tấn sâm củ và lá. Ở thời điểm hiện tại, 1 ký củ sâm tươi có giá bán từ 60 đến 200 triệu đồng tùy theo độ tuổi, trọng lượng mỗi củ. 1 ký lá sâm tươi có giá hơn 6 triệu đồng. 1 hạt sâm giống có giá khoảng 100 nghìn đồng. Hiện nay sản phẩm chế biến từ sâm núi Ngọc Linh chủ yếu là rượu sâm, viên ngậm, thực phẩm chức năng, sâm ngâm mật, nước tăng lực, trà túi lọc… chứ chưa có thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp.

PGS. TS Trần Công Luận -Chuyên gia nghiên cứu sâm Ngọc Linh  cho biết: “Nguyên cớ của nó là ở chỗ nguyên liệu chưa ổn định. Cho nên muốn hay không muốn ta phải phát triển vùng nguyên liệu và đa dạng hóa vùng nguyên liệu. Tức là nguyên liệu truyền thống trên vùng sâm Ngọc Linh tiếp tục giữ nguồn giống gốc và cạnh đó phải nghiên cứu di thực đến những vùng tương cận có thể phát triển”.

Thành phần dược chất của sâm Ngọc Linh có tác dụng phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan , cải thiện suy nhược thần kinh, kháng các độc tố, tăng cường sắc đẹp phái nữ… Vì vậy đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết  liệt, trách nhiệm và mạnh mẽ của các bộ ngành trung ương, các nhà khoa học và đặc biệt là thu hút doanh nghiệp lớn vào tham gia nghiên cứu, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu theo quy trình công nghệ cao.

Ông Trương Quốc Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Có những sản phẩm thật đặc thù, chất lượng thì chúng ta mới bán được. Ngành y tế chúng tôi thì có thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Đó là những lĩnh vực tạo đầu ra quan trọng. Trước mắt chúng tôi phối hợp với các Bộ đưa ra những sản phẩm có chất lượng trên thị trường để giúp bà con tiêu thụ đầu ra”.

Từ ngày được khoa học phát hiện đến nay trải qua hơn 40 năm nhưng cây sâm vẫn còn lẩn quẩn trên sườn núi Ngọc Linh và sản phẩm gia tăng thì đơn điệu. Lý do bởi các nhà hoạch định chính sách chưa đưa ra lộ trình cụ thể, chưa đánh giá cao thế mạnh cây sâm trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Trong khi đó các nước có sâm quý trên thế giới luôn coi đây là cây mũi nhọn để tạo động lực cho kinh tế phát triển.

Ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ KH-CN cũng nói: “Trồng và phát triển sâm Ngọc Linh ở dưới tán rừng vừa góp phần tạo giá trị gia tăng rất cao, phát triển đời sống sinh kế người dân và đặc biệt hơn là giúp bảo vệ môi trường, giữ gìn tán rừng đảm bảo độ che phủ. Thông qua đó chúng ta giải pháp quí báu để phát triển kinh tế bền vững. Từ đó chúng ta có thể vào xem xét khoa học để bảo tồn, khai thác nguồn gen đặc hiệu quí hiếm sâm Ngọc Linh”.

Tại tỉnh Quảng Nam, hiện nay khâu xúc tiến quảng bá thương hiệu sâm núi cũng được nhiều địa phương quan tâm triển khai quyết liệt nhưng mới chỉ dừng lại ở tính địa phương chứ chưa thể hiện được tầm quốc gia cho một sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Chính vì thế, sự vào cuộc tổng lực của các bộ, ngành, Trung ương ngay từ bây giờ để đầu tư mở rộng vùng sâm nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đặc trưng tiêu biểu sẽ gìn giữ được bảo vật sâm Ngọc Linh cho muôn đời sau và góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam./.

 

Hoàng Thọ


Lượt xem: 43

Trả lời