Tây Nguyên chủ yếu chế biến cà phê nhân theo công nghệ chế biến khô

Cập nhật 12/12/2017, 16:12:30

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên, phần lớn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê đều sử dụng công nghệ chế biến khô để chế biến cà phê nhân. Việc làm này không những tăng thêm tổn thất sau thu hoạch (khoảng 10%) mà còn làm sản phẩm cà phê nhân có giá trị thấp khi đưa ra thị trường xuất khẩu.

Kho hạt cà phê khô

Khi cà phê độ ẩm xuống còn 12 – 13%, các nông hộ, doanh nghiệp mới đưa vào máy xát loại bỏ vỏ ngoài, vỏ trấu cho ra cà phê nhân thành phẩm. Thuận lợi của công nghệ chế biến khô là giá đầu tư một dây chuyền công nghệ không quá cao, tùy theo công suất chế biến mỗi máy (có giá đầu tư từ 5 triệu đồng trở lên/máy) nhưng bất lợi là khi xay xát làm cho nhiều nhân cà phê bị tổn thương, vỡ, trong phơi sấy có lúc hạt cà phê bị lên men, thâm đen lẫn tạp chất… nên dẫn đến chỉ tiêu đánh giá ngoại quan cà phê thấp, giá xuất không cao. Để khắc phục tình trạng này, các tỉnh Tây Nguyên đã có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư các cơ sở chế biến cà phê nhân, với công nghệ chế biến ướt hiện đại, có công suất lớn nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê nhân trên địa bàn. Được biết, Tây Nguyên hiện có gần 550.000ha cà phê, sản lượng niên vụ này ước đạt từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên./.

Đoàn Bình – Thanh Sáng.


Lượt xem: 34

Trả lời